PV: Thưa ông, Thành phố Điện Biên Phủ - mảnh đất từng được biết đến với hình ảnh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ tròn 30 tuổi vào tháng 4/2022. 30 năm qua, Thành phố đã triển khai những giải pháp nào để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa Điện Biên Phủ nổi lên là hình ảnh về một địa phương phát triển về du lịch, là điểm đến ưa thích của khu vực Tây Bắc?
Ông Lê Tiến Dũng: Trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Điện Biên qua các nhiệm kỳ, thời gian qua, Thành phố đã cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết bằng các Kế hoạch cụ thể, đồng thời xây dựng các giải pháp để triển khai thực hiện. Trong những nhiệm kỳ gần đây Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Triển khai hiệu quả Để án về thu hút đầu tư của UBND tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy.
Thứ hai, thực hiện cải cách hành chính liên quan lĩnh vực đầu tư. Hiện, thủ tục liên quan đến đầu tư thuộc thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, thông thoáng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư ngoài ngân sách đúng quy định. Tạo điều kiện để các chủ thể trong nền kinh tế nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ ba, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, dịch vụ, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, giá trị văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, các bản văn hóa du lịch, những sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, các lễ hội văn hóa diễn ra trên địa bàn; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo từng giai đoạn.
PV: Một trong những nét nổi bật trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà TP. Điện Biên Phủ đạt được trong năm 2021 vừa qua đó là khởi công Dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án Đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m… Những dự án này sẽ góp phần ra sao cho mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025?
Ông Lễ Tiến Dũng: Việc Thành phố hoàn thành các dự án trọng điểm trong năm 2021 vừa qua là một bước đệm thành công cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng của Thành phố. Đặc biệt sau khi khi Dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách đến với Thành phố và việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân trong tỉnh với các đô thị trong và ngoài nước.
Hiện nay, Thành phố đang phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai thực hiện bổ sung, điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030 nhằm định hướng phát triển trong tương lai. Kêu gọi, thu hút đầu tư vào ngành, lĩnh vực được xác định giàu tiềm năng và dư địa của Thành phố và tỉnh, như: Tổ hợp thể dục thể thao, vui chơi, giải trí; khách sạn, nhà hàng, bất động sản, khu du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử, văn hoá, trải nghiệm.
Hiện các tập đoàn lớn như Vin Group, Sun Group, FLC, Flamingo, Hải Phát, Kosy.... đang bước đầu triển khai các dự án đầu tư tại thành phố Điện Biên Phủ. Các dự án hoàn thành sẽ giúp Thành phố hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đáp ứng tiêu chí của đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững. Đây là cơ sở để Thành phố Điện Biên Phủ được công nhận là đô thị loại II vào năm 2025.
PV: Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân phải đạt từ 16%/năm, phấn đấu chỉ còn 0,5% hộ nghèo, thành phố Điện Biên Phủ sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì, thưa ông?
Ông Lê Tiến Dũng: Để đạt được các mục tiêu trên, Thành phố sẽ triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, là tiếp tục thực hiện các chủ trương của Tỉnh về thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Chủ trương của Thành phố là hướng đến phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng, GTGT tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp sạch gắn với giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, từng bước triển khai theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đã được Thủ tướng phê duyệt. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt - Chiến trường Điện Biên Phủ, Thành Bản Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, di tích lịch sử, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên để thực hiện mục tiêu phát triển Thành phố Điện Biên Phủ trở thành thành phố du lịch hiện đại, văn minh, thân thiện với hệ thống cơ sở kỹ thuật đồng bộ, đủ điều kiện tổ chức các hội nghị, sự kiện cấp Quốc gia...
Thứ ba, xây dựng và phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh, gắn với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số, triển khai dự án thành phố theo hướng đô thị thông minh. Thực hiện việc giám sát quy hoạch, đất đai, an ninh trật tự, giao thông, cảnh báo thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, quản lý thông tin trên hệ thống phần mềm điện tử. Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Phát triển thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi trên các sàn thương mại điện tử. Quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, điều hành của các cấp chính quyền.
PV: Bên cạnh những nỗ lực của địa phương, Thành phố có kiến nghị gì để những mục tiêu của địa phương đến năm 2025 có thể thuận lợi đạt được?
Ông Lê Tiến Dũng: Bên cạnh những giải pháp và nỗ lực của Đảng, chính quyền và nhân dân Thành phố, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đến năm 2025, Thành phố Điện Biên Phủ cần có sự ủng hộ của Trung ương, Tỉnh Điện Biên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Quan tâm phân bổ kịp thời các nguồn lực (đặc biệt là nguồn vốn cho các dự án trọng điểm) để triển khai thực hiện các công trình dự án.
Để việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trong thời gian tới được thuận lợi, đảm bảo theo tiến độ đề ra và có được sự đồng thuận của nhân dân thuộc khu vực ảnh hưởng của các dự án, trong công tác thu hồi đất GPMB, Thành phố mong muốn có cơ chế chính sách đặc thù, bổ sung chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Đẩy mạnh phân cấp nguồn thu, tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để Thành phố hướng tới chủ động cân đối thu, chi NSĐP trong thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.