Vạn sự khởi đầu nan
Một thực tế khắc nghiệt với Dự án Nhà máy Xi măng Tân Quang đó là đến nhà đầu tư thứ 3, Dự án mới được hoàn thành. Có lẽ đây là Dự án lớn nhất và cũng lắm “long đong, lận đận” nhất của tỉnh Tuyên Quang. Cũng phải nói rằng, từ khi triển khai dự án, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đặt rất nhiều kỳ vọng. Chính vì vậy, khi Dự án hoàn thành và cho ra lò những tấn sản phẩm đầu tiên, không những nhà đầu tư thở phào mà cả chính quyền và nhân dân ở vùng đất Tràng Đà này đều cảm thấy vui mừng khôn xiết!
Nhớ lại, từ những năm 1995, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có chủ trương phát triển ngành công nghiệp xi măng và đã giao cho Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang làm chủ đầu tư với quy mô 1,4 triệu tấn/năm, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên dự án mới chỉ dừng lại khâu giải phóng mặt bằng. Tiếp đến tháng 7/2003, dự án được chuyển giao cho Tổng công ty LICOGI và vẫn chỉ dừng ở khởi công. Ngày 28/3/2007, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chính thức tiếp quản Dự án và giao cho Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt cùng phối hợp triển khai thực hiện.
Ông Đào Hữu Tu, Tổng Giám đốc Tổng công ty CN Mỏ Việt Bắc cho biết, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Tân Quang công suất đạt 910.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Mặc dù, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp phải nhiều khó khăn như chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước, theo đó lãi suất vốn vay cũng như tỷ giá ngoại tệ giữa USD và VND tăng cao. Bên cạnh đó, điều kiện địa chất công trình phức tạp, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm tiến độ... nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý dự án, các cán bộ tư vấn, giám sát... Sau gần 2 năm thi công xây dựng, san đồi bạt núi, đổ hàng chục nghìn m3 bê tông, xúc hàng nghìn m3 đất đá, công trình Dự án Nhà máy Xi măng Tân Quang đi vào vận hành, sản phẩm xi măng mang thương hiệu Xi măng Vinacomin chính thức có mặt trên thị trường vào ngày đầu xuân Tân Mão. Thành công này như một minh chứng khẳng định hướng đi vững chắc trong chiến lược phát triển bền vững của Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc.
... Đến sự ra đời một Nhà máy
Đứng bên hữu của dòng sông Lô hiền hoà nhìn sang thấy sừng sững một công trình sản xuất xi măng hiện đại, qui mô. Đây là một Nhà máy có công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại của châu Âu. Dây chuyền sản xuất chính cũng như các công đoạn phụ trợ đều được cơ khí hóa và tự động hóa ở mức độ cao, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng và năng suất cao, giảm mức tiêu hao nhiên vật liệu, vật tư, điện năng. Dây chuyền sản xuất của nhà máy có hệ thống tháp trao đổi nhiệt 2 nhánh, xi lo sấy 5 tầng và buồng đốt Clinker có thể phân hủy bột liệu đến trên 90% trước khi đưa vào lò nung. Sản phẩm của Xi măng Vinacomin ra lò được đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành như: Clinker CPC50 - TCVN 7024:2004; Xi măng Pooc lăng hỗn hợp PCB30; PCB40 - TCVN 6260:2009. Đồng thời, sản phẩm Xi măng Vinacomin của Công ty CP Xi măng Tân Quang đã được Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (QUACERT) thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn pháp quy. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008.
Gắn phát triển bền vững với an sinh xã hội
Đi vào vận hành trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, bên cạnh đó nỗi lo thiếu điện luôn thường trực đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Thêm vào đó, theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2011, cả nước sẽ có thêm 12 nhà máy xi măng đi vào hoạt động, nâng tổng sản lượng của toàn ngành năm 2011 ước đạt 63-65 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2011 chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2010. Thực sự khó khăn này không chỉ riêng với một tân binh như Xi măng Tân Quang mà là một thử thách chung của toàn ngành. Trước tình hình đó, để chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, từ khi chưa đi vào sản xuất, Tập đoàn Than Khoáng sảng Việt Nam (Vinacomin) đã chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc thực hiện việc quảng bá xây dựng hình ảnh thương hiệu Xi măng Vinacomin. Cùng với đó, Xi măng Tân Quang đã chủ động xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên địa bàn cũng như các tỉnh phía Bắc. Đến nay Công ty đã tổ chức được mạng lưới gần 200 đại lý tiêu thụ sản phẩm và 05 chi nhánh tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ... Và hàng chục nghìn tấn xi măng mang thương hiệu Xi măng Vinacomin toả đi đến các công trình ở khu vực phía Bắc.
Giữa tiếng ồn ào của các loại máy móc, Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Bá Chiến cho biết, là một dự án lớn của tỉnh Tuyên Quang, khi đi vào hoạt động, bên cạnh mục tiêu đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững, Xi măng Tân Quang còn tiếp nhận 300-400 lao động địa phương vào làm việc, tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Công nghiệp là thế, Xi măng Tân Quang ra đời làm sống động cả một miền quê, đem lại nụ cười trẻ trung tươi mới của miền sơn cước tưởng chỉ có sỏi đá cỗi cằn./.
Xi măng Tân Quang: Phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội
TCCT
Như có cơ duyên, tôi lại có dịp trở lại thăm Công ty CP Xi măng Tân Quang (Xi măng Tân Quang) vào ngày đầu năm mới, không khí xuân ấm áp trên từng gương mặt rạng rỡ, ánh mắt chứa đầy niềm vui của CBCN