Dư địa còn rất lớn
EU là một thị trường rất lớn của rau quả thế giới. Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, EU chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu; 5/10 nước nhập khẩu hàng rau quả hàng đầu thế giới là ở EU.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU năm 2019 đạt 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018.
Tuy vậy, do EU là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu thế giới nên rau quả nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU; do vậy còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu.
Với EVFTA, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA. Cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa..v.v..).
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.
Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc,...)
Hiện nay EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển vì nhiều loại trái cây nhiệt đới quan trọng phụ thuộc vào các mùa cụ thể hoặc khí hậu nhiệt đới, không thể tìm thấy tại EU.
Mặc dù thuận lợi như vậy, nhưng theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi của nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển rau quả đi xa và xuất khẩu.
Hơn nữa, sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao; công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến bảo quản còn hạn chế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo.
Cửa ngõ Hà Lan
Do đó, để tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU, trước hết doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất, hoặc thu mua sản phẩm sao cho bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn của EU.
Thứ hai, phải đăng ký dịch vụ truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm của một doanh nghiệp bất kỳ qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.
Nói cách khác nó chính là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại sản phẩm có mặt trên thị trường như: tên thực phẩm, giá cả, tên doanh nghiệp sản xuất hay nguồn gốc nguyên liệu tạo ra thực phẩm...đồng thời có thể thông qua giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối để người tiêu dùng tự mình đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Hiện nay Australia đang tài trợ dự án “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển xuất khẩu” đối với cà phê, tiêu, xoài cho đến năm 2021.
Cuối cùng, việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Cụ thể, hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu rau quả vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan.
Bên cạnh đó, Bỉ và Tây Ban Nha cũng là những nước nhập khẩu rau quả nhiệt đới và tái xuất sang những nước khác trong EU.