Báo cáo này được Cốc Cốc đưa ra và phân tích dựa trên những chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề, và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm.
Báo cáo về xu hướng số của Cốc Cốc đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất của người dùng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống của người dân đã quay trở lại quỹ đạo thông thường. Từ đó, khắc họa các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong nhiều lĩnh vực để tạo “trợ lực” giúp các doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, hiểu khách hàng cần gì, muốn gì và có thêm định hướng hoạt động trong giai đoạn quan trọng trước Tết Nguyên đán. Trong Q1/2023, Cốc Cốc sẽ phát hành thêm báo cáo về Xu hướng tìm kiếm của người Việt (Year in Search) năm 2022.
Dịp cuối năm, do ảnh hưởng từ sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng dưới tác động của đại dịch, nhu cầu tìm kiếm và tiêu dùng của người dùng Việt cũng có nhiều biến động mới.
Ở đâu có người dùng số, ở đó có thương mại điện tử
Báo cáo của Cốc Cốc cho thấy đại dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, mua sắm trực tuyến đã có bước nhảy vọt ấn tượng và dần trở thành xu hướng bền vững mới. Toàn bộ hành trình mua hàng của người dùng từ nhận thức, cân nhắc tới ra quyết định đều được thực hiện trên môi trường kỹ thuật số. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dân cho nhu cầu dịch chuyển số trong tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Theo đó, có tới 47% người dùng Cốc Cốc chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Nguyên nhân được đưa ra là do tiết kiệm thời gian mua bán, tiện lợi trong việc thanh toán và có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp.
Bên cạnh đó, thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các app thương mại điện tử. Có đến 55% người dùng trả lời rằng họ đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, … Số còn lại cho biết họ mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội (chiếm 24%) hoặc cả hai (21%).
Người Việt chọn “sống sang, chơi chất”
Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch, xu hướng cao cấp hóa đã trở thành một trong những xu hướng được người Việt thể hiện rõ ngay từ trong nhu cầu cơ bản nhất: ăn và ở.
Cụ thể người dùng mạnh tay chi tiêu cho các loại hình lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp trong mùa du lịch. Lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.
Ngoài ra, tất cả nhóm người tiêu dùng cũng cho biết, họ sẵn sàng chi tiêu mua sắm đầy đủ đồ gia dụng, hoàn thiện nội thất ngay khi sở hữu căn nhà mới. Điều này thể hiện xu hướng người dùng Việt ngày càng chú trọng chất lượng sống.
Trải nghiệm được người dùng quan tâm khi làm đẹp, giáo dục con cái
Đối với những ngành hàng quan trọng như Chăm sóc sắc đẹp và Giáo dục, giá cả không phải là điều được người dùng ưu tiên khi so sánh với trải nghiệm và giá trị. Top những tiêu chí được người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ quan tâm khi mua sắm là công dụng, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rồi mới tới giá cả.
Riêng về các trang web và ứng dụng học tập, các chương trình với nội dung giúp vừa học, vừa chơi và phù hợp lứa tuổi là những tiêu chí được ưu tiên khi phụ huynh lựa chọn cho con em mình. Chi phí là tiêu chí được xếp sau cùng.
Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu
Tuy vậy, trong bối cảnh Tết Nguyên Đán Quý Mão đang tới gần, người dùng có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn bằng cách thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu. Người Việt cũng có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại. Số người dùng còn lại thì quan tâm tới sản phẩm đa dạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và trải nghiệm khi mua sắm.
Những thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng dẫn đến sự chuyển dịch của thị trường. Các hoạt động xã hội và phương thức mua sắm chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cũng tăng phi mã,… Điều này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn thay đổi về giá để cân đối chi phí. Đây có thể là rào cản lớn ảnh hưởng đến tâm lý người mua.
Như vậy, thị trường tiêu dùng Việt đang trải qua bước chuyển dịch quan trọng do sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng dưới tác động của đại dịch. Điều này đòi hỏi sự thích ứng kịp thời từ các doanh nghiệp để có thể tìm kiếm hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong quá trình này, Cốc Cốc với lượng người dùng lớn và những dữ liệu phân tích chính xác có thể coi là một “trợ lực” quý giá cho doanh nghiệp, giúp họ đến gần hơn với khách hàng, hiểu khách hàng cần gì, muốn gì, từ đó thích ứng linh hoạt để phục hồi.