Xuân về nhớ bến Nhà Rồng

Bến Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863, do “Công ty vận tải đường biển” Pháp Messageries Maritimes xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.

Nóc nhà gắn hình rồng, ở giữa thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình “Đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Phù hiệu “Đầu ngựa” hàm chỉ thời trước bên Pháp, Công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn “Mỏ neo” tượng trưng cho tàu thuyền. Trụ sở Công ty được giới bình dân gọi là nhà Rồng, vì có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh trên nóc nhà. Người lớn tuổi gọi tên là Sở Ông Năm, vì hãng tàu biển này do quan năm Pháp Domergue đứng ra sáng lập.

Vào tháng 10 năm 1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ ngữ” có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng được biết vào ngay hay chờ đợi.

Năm 1893, trụ sở Công ty Nhà Rồng dùng đèn điện, loại bóng đèn 16 nến, sáng leo lét, kém xa mấy ngọn đèn lồng thắp dầu lửa mà tòa Đô chính cho thắp thử ở đường Catina (Đồng Khởi).

Gần cuối năm 1899, Công ty được phép xây cất bến cho tàu cặp vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42 mét (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18 mét. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8 mét. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10 mét. Ban đầu xây hai bến, rồi xây thêm bến thứ ba.

Năm 1919, Công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt sắt, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3 năm 1930 mới hoàn thành bến mới, dài 430 mét. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Thương cảng ra đời vì một hãng tàu!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (Hội Lịch sử TP.HCM) cho rằng, lý lịch Bến cảng Nhà Rồng gắn liền với lịch sử đế quốc Pháp xâm lược và khai thác Việt Nam.

Pháp xâm chiếm nước ta bằng hải quân, thương thuyền của họ cũng theo chân yểm trợ và khai thác. Cuối năm 1859, Pháp bắn phá thành Gia Định (nằm ở góc sông Sài Gòn với rạch Thị Nghè, trên nền trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ngày nay), tuy vẫn bị kháng cự từ phía Chí Hòa ép xuống, nhưng đô đốc Page đã tuyên bố mở cảng Sài Gòn cho xuất nhập buôn bán ngay từ ngày 22-2-1860.

Cuối năm đó, đã có 251 tàu xuất khẩu hơn 81.500 tấn hàng, trong đó có gần 60.000 tấn là thóc gạo. Song đại đa số thương thuyền ra vào còn mang cờ Hồng Mao và ngay việc bưu chính lúc đó, chính quyền thuộc địa Pháp vẫn phải nhờ tàu thư Anh. Muốn cạnh tranh với Anh mà lại trông cậy, lệ thuộc vào Anh thì không được, nên Pháp đã hết mình ủng hộ cho một hãng vận chuyển đường biển những chuyến liên lạc thường kỳ. Bến cảng Nhà Rồng ra đời từ yêu cầu đó.

Hãng chuyên chở đường biển lúc ấy còn mang tên Vận tải Đế Quốc (Messagerie Impériales) được chỉ định làm việc này. Hãng dự tính đem 12 tàu chạy bằng hơi nước với tổng cộng 4.000 mã lực và dung khối 27.700 tôn-nô (mỗi tôn-nô là 1,44 m3). Đây là một quy mô đáng kể, nên cần có bến đậu, văn phòng quản lý, cơ xưởng sửa chữa, kho hàng, vựa than... ngay ở Sài Gòn.

Một phương án được gửi từ Pháp sang ngày 14-10-1861 cho biết vài chi tiết: Phải có một xưởng nguội với 16 máy tiện, mà một cỗ máy lớn phải dài 8 m với pla-tô rộng 2,2 m đường kính, khoảng 20 máy công cụ khác, 50 vồ cặp, và một động cơ chung mạnh 20 mã lực. Một nhà máy gò. Một xưởng rèn có nhiều lò, với hai búa máy và một cần cẩu kéo nặng sáu tấn. Một nhà máy đúc, có thể nung cả đồng, sắt, thép, thau, với một nồi nấu được 5 tấn kim khí. Một xưởng mộc, một xưởng trét thuyền. Một xưởng sơn phết. Một xưởng làm buồm, trải thảm, đóng nệm, may quần áo, việc này để dành cho vợ con thợ hãng. Một kho chứa vật liệu, linh kiện thay thế, thừng chão, gỗ quý, dầu mỡ, lương thực... Một giàn than phòng cho 6 tháng tức khoảng 6.000 tấn. Một cần cẩu chuyển nặng 40 tấn có tay dài 8 m. Tất cả đòi hỏi một công trình xây dựng hơn 8.000 m2 có mái lợp với hai nhà lầu, địa điểm phải ở cạnh bờ sông dài khoảng 300 m, rộng độ 100 m. Chi phí dự định là 1 triệu F.F (gần 200 nghìn lạng bạc ta) tức là một số tiền rất lớn thời đó.

Ngôi biệt thự huy hoàng của hãng Vận tải đế quốc

Tổng đại lý của hãng tại Sài Gòn là Domergue, một Trung tá Công binh của quân đội viễn chinh Pháp, phụ tá là Brossard de Corbigny, cũng nguyên là Thiếu tá Hải quân. Cả hai đều không xa lạ với chính quyền, điều đó nói lên sự cấu kết chặt chẽ giữa tư bản đế quốc với chính quyền thực dân. Ngoài ra, hãng còn gửi sang ngay hai kỹ sư trẻ là Laborde và Palicot để lo việc điều tra cơ bản và thực hiện phương án.

Vấn đề đầu tiên của nhóm là tìm ra địa điểm thuận lợi, thích hợp nhất đồng thời chuẩn bị khẩn trương để đón những chuyến tàu khai trương sắp cập bến. Ngày 31-12-1861, Domergue đệ đơn xin mảnh đất khá rộng (nay là góc đường Lê Thánh Tôn với Nguyễn Thị Minh Khai) làm trụ sở, văn phòng và nơi tạm trú cho công nhân viên.

Ngày 5-2-1862 Domergue lại xin thêm ba địa điểm quan trọng khác nữa: Một bến cảng cùng với xưởng máy nằm trên bờ sông Sài Gòn về phía Bắc, gần cửa rạch Thị Nghè. Địa điểm này rộng gần 13 mẫu tây và bao trùm trên nền móng cũ của một “ngôi chùa vua”. (Pháp gọi Temple hoặc Pagode Royale). Một miếng đất trên bờ rạch Thị Nghè (ngay Sở Thú, lúc đó chưa lập) để xây cơ sở hành chính và một khoảnh đất nữa làm văn phòng và nơi giao dịch tại bờ, gần ngã ba sông Sài Gòn với vàm Bến Nghé, tức khoảng Thủ Ngữ.

Những yêu cầu này đều được chấp thuận trên nguyên tắc, tuy chưa cho hãng được hoàn toàn và vĩnh viễn sở hữu những đất đai đó như đề nghị, vì lúc ấy hiệp định “nhượng địa” Pháp - Nam chưa ký kết (5-6-1862 mới ký).

Trong lúc đại diện hãng tại Paris cũng như Sài Gòn ra yêu sách đòi chính phủ Pháp và soái phủ Sài Gòn, thì kỹ sư hãng vẫn gấp rút chuẩn bị việc xây cất.

Hãng xin lấy đá và mở lò vôi ở Vũng Tàu ngay chân núi đang xây tháp đèn hải đăng. Palicot phụ trách việc đó, đồng thời thăm dò các vùng lân cận để tìm nguyên vật liệu cần thiết cho xây dựng. Còn Laborde thì đo đạc, vẽ họa đồ vùng đất Chùa Vua, mà người Pháp không biết hay không muốn biết thực sự là chùa hay miếu gì. Hãng lại gửi thêm sang một thư ký và một họa viên trong số 83 thầy thợ người Âu dự tính cần thiết cho công cuộc xây dựng lớn lao này... Số thông ngôn, thợ chuyên môn và phu phen khác sẽ mượn ngay tại chỗ hoặc tuyển từ Hương Cảng tới. Dụng cụ và vật liệu khác được chở từ Pháp qua bằng tàu Anh nếu nhẹ, bằng thuyền nếu quá cồng kềnh.

Vì là việc trọng đại, nên hãng phái viên tổng thanh tra Firette sang điều đình và quyết định tại chỗ. Sau khi nghiên cứu kỹ, viên này viết thư cho đô đốc Bonard ngày 28-3-1862, xin thay đổi một địa điểm chính yếu: Trả lại khoảnh đất Chùa Vua để lấy một địa điểm khác ở ngã ba sông Sài Gòn với vàm Bến Nghé (tức vị trí hiện nay). 

Địa điểm mới chỉ rộng bằng nửa Chùa Vua tức chưa quá 6 ha rưỡi, nhưng sát trung tâm thành phố, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn in được sử dụng gạch đá và các vật liệu khác của Chùa Vua vì hãng đã bỏ tiền của ra để khai hoang di tích đó (!). Chùa Vua đây chính là Văn Thánh miếu của đất Gia Định xưa.

Quá nửa năm 1862, hãng đã bắt đầu xây cất, trước hết là cư xá cho công nhân viên, các văn phòng và chủ yếu là ngôi Nhà Rồng (Pháp mệnh danh: Biệt thự hãng, Hotel des M.I.). Cho đến nay, chưa biết ai đã vẽ họa đồ kiến trúc Nhà Rồng và có sáng kiến đặt hai con rồng tráng men xanh uốn khúc trên nóc cao (lưỡng long chầu nguyệt, không hiểu sao khi sửa mái nhà, người ta cho quay đầu rồng ra hai ngả, chẳng thành kiểu cách gì nữa). Do đấy, người mình đặt tên cho hãng và cả bến cảng là Nhà Rồng dù hãng đã thay chủ đổi ngôi và cải tên từ Vận tải đế quốc sang Vận tải hải dương (Messageries Impériales, Messageries Maritimes).

Ngày 15-8-1862, khánh thành ngọn hải đăng ở Vũng Tàu, lần đầu tiên ánh đèn đã từ trên cao chỉ lối cho tàu bể từ xa thấy đường vào cửa biển Cần Giờ. Hoàn thành một dây điện tín liên lạc từ Vũng Tàu với Sài Gòn để thông báo việc ra vào của tàu thuyền. Thủ Ngữ được dựng cao, từ ngã ba Nhà Bè đã thấy dấu hiệu. Hai tàu kéo đã mua từ Xiêm phụ trách việc sắp xếp bến đậu và quay mũi các thuyền tàu lớn (sông Sài Gòn chỉ rộng từ 200 đến 300m) ngày 25-8-1862, luật cảng Sài Gòn ban hành với đầy đủ chi tiết.

Con tàu hơi nước đầu tiên của hãng khai trương đường biển từ Pháp tới bến cảng Nhà Rồng ngày 23-11-1862, rồi tiếp tục đi Hương Cảng, sau đó lại trở về Sài Gòn để bắt đầu chuyến đi Pháp ngày 11-12-1862.

Hiện nay không còn văn kiện để biết rõ lịch trình xây dựng Nhà Rồng ra sao, nhưng báo Courrier de Saigon ngày 5-11-1865 đã tả cảnh nhộn nhịp của bến cảng với đủ mọi loại tàu bè lớn nhỏ cạnh “ngôi biệt thự huy hoàng của hãng Vận tải đế quốc”, bên bờ sông Sài Gòn.

Toàn bộ kiến trúc gồm ngôi biệt thự Nhà Rồng, văn phòng, cư xá, tổng khố, nhà máy, kho than, giếng nước, bến đậu... chiếm một diện tích khá lớn. Riêng các xưởng thợ và kho đã phải lợp trên 18.000 m2 mái ngói. Cầu tàu bến đậu dài tới 350 m. Tổn phí mất gần 3 triệu France, trong khi dự tính có 1 triệu. Công tác tiến hành suốt từ 1862 tới 1867 mới tạm xong.

Nếu căn cứ vào chỉ thị của hãng từ Pháp, phải ưu tiên xây dựng biệt thự Nhà Rồng để tiêu biểu cho Đại lý ở Á Đông, thì có thể phỏng đoán Nhà Rồng đã thành hình từ 1863 rồi. Đây là ngôi nhà lớn nhất, xây sớm nhất của Sài Gòn do Pháp thống trị còn tồn tại vững vàng đến nay. Nó đã 143 tuổi. Nó còn ra đời trước xa đối với dinh soái phủ, tòa án, nhà thờ, chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, ga xe lửa, tòa Xã Tây... Đấy là chưa kể tới tuổi thọ của gạch, ngói, gỗ, đã lấy từ một di tích lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam mà hãng đã dùng để xây dựng biệt thự đó. 

Từ bến Cảng này, Người đã ra đi…

Từ bến cảng này, năm 1911, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Nhiều chi bộ Đảng, Đoàn, nhiều phong trào đấu tranh cũng đã nhen nhúm và xuất phát từ bến cảng hay xóm bình dân Khánh Hội. Đó là những mặt rất đáng nghiên cứu của bến Nhà Rồng. 

Trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945, quân và dân Việt Nam đã nhiều lần tiến công quân địch ở vùng Khánh Hội, bến Nhà Rồng. Đặc biệt, đêm 15-10-1945 quân Cách Mạng đã đốt cháy chiếc tàu A-Léc của Pháp vừa cập bến Nhà Rồng. Trong thời đế quốc Mỹ chiếm đóng, nhiều lần bến Nhà Rồng bị tê liệt vì những cuộc tổng bãi công của công nhân.

Trong những ngày đầu giải phóng Sài Gòn, chiều ngày 13-5-1975 nhân dân thành phố vui mừng đón tiếp chiếc tàu biển Sông Hồng trọng tải 1 vạn tấn, vào cập bến Nhà Rồng, lần đầu tiên chính thức nối lại con đường biển thông thương giữa hai miền Bắc Nam ruột thịt. Và sáng ngày 30-4-1978, tại bến Nhà Rồng đã cử hành trọng thể lễ đặt tượng Bác Hồ và bia kỷ niệm mang hàng chữ: “Từ bến cảng này, ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau ngày 19-8-1945 là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ra đi tìm đường cứu nước”.

  • Tags: