Xuất khẩu cá đóng hộp gặp khó, Thủy Đặc sản (SPV) thận trọng đặt mục tiêu kinh doanh

Công ty Cổ phần Thủy Đặc sản (mã cổ phiếu SPV) cho biết sản phẩm cá đóng hộp xuất khẩu, đặc biệt là cá ngừ, đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt về giá bán lẫn các quy định kiểm soát nghiêm ngặt của EU.

Công ty Cổ phần Thủy Đặc sản (Seaspimex Vietnam, mã cổ phiếu SPV - sàn UPCoM) vừa qua đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Trong đó, ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch thận trọng về kết quả kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức kế hoạch của năm 2024.

Năm 2024, Thủy Đặc sản ghi nhận 571 tỷ đồng doanh thu và gần 28 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 27% và 18% so với năm 2023, xác lập kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ năm 2017.

Trong năm nay, công ty dự kiến sản lượng sản xuất và gia công giảm nhưng giá trị xuất khẩu kỳ vọng tăng 6,6%, đạt 18.4 triệu USD, với động lực chính từ Nhà máy Ba Tri.

Thủy Đặc sản
Ban lãnh đạo Thủy Đặc sản lo ngại mảng cá đóng hộp xuất khẩu, đặc biệt là cá ngừ, sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo Thủy Đặc sản cho biết mảng kinh doanh xuất khẩu trong năm ngoái đạt kết quả tích cực nhờ nguồn cung nguyên liệu dồi dào, giá đầu vào ít biến động. Các sản phẩm chủ lực như ghẹ đóng hộp, đùi ếch tiếp tục duy trì doanh số. Đồng thời, công ty tiếp tục duy trì được các đơn hàng gia công và các khách hàng đặt thêm nhiều sản phẩm mới có hàm lượng chế biến gia tăng. Hiện công ty đang xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản đến hơn 50 nước và vùng lãnh thổ.

Tại kênh nội địa, Thủy Đặc sản đã mở rộng mạng lưới phân phối đến các kênh siêu thị, tiếp tục hợp tác với Cholimex Food, và triển khai đội ngũ bán hàng khai thác kênh truyền thống tại khu vực miền Tây với trọng tâm chính là các sản phẩm xúc xích ếch tiệt trùng, cá đóng hộp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng, hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là ở nhóm mặt hàng cá đóng hộp.

Ban lãnh đạo Thủy Đặc sản cho biết, sản phẩm cá đóng hộp xuất khẩu, nhất là cá ngừ - sản phẩm chủ lực, đối mặt áp lực cạnh tranh về giá bán ngày càng gay gắt trong khi giấy tờ khai báo nguồn gốc nguyên liệu khai thác phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong bối cảnh EU duy trì rào cản kỹ thuật cho hàng thuỷ sản đánh bắt sản xuất chế biến xuất khẩu của Việt Nam.

Thủy Đặc sản
Thủy Đặc sản hiện có kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng, hiện đại hóa dây chuyền công nghệ để giảm phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu chi phí.

Xem thêm: "Điều gì khiến "Vua tôm" Thủy sản Minh Phú (MPC) chịu mức lỗ kỷ lục?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tương tự, thị trường ếch xuất khẩu đi EU và Hoa Kỳ chịu kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc nuôi trồng, vi sinh, và tồn dư kháng sinh… khiến các thủ tục kiểm tra kéo dài và gây nhiều khó khăn cho hoạt động bán hàng, giảm cơ hội mở rộng thị trường. Ngoài ra, các bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển, khiến chi phí logistics tăng cao.

Để vượt qua các thách thức trên, ban lãnh đạo Thủy Đặc sản chia sẻ, sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng, hiện đại hóa dây chuyền công nghệ để giảm phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu chi phí.

Đồng thời, Thủy Đặc sản sẽ tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm và khách hàng gia công nhằm giảm thiểu rủi ro. Với ngành hàng cá ngừ, công ty dự kiến theo sát các quy định mới từ EU, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu có chứng nhận khai thác bền vững để đảm bảo khả năng xuất khẩu ổn định.

Duy Quang