Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 9/2019 đạt 92,3 nghìn tấn, trị giá 168,67 triệu USD, so với tháng 9/2018 giảm 23,5% về lượng và giảm 20,5% về trị giá.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,265 triệu tấn, trị giá 2,173 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2018.
Tháng 9/2019, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2018, như: Đức, Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Nga, Phi-líp-pin, An-giê-ri, Anh, trong khi xuất khẩu sang Bỉ tăng.
9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức đạt 185,2 nghìn tấn, trị giá 289,28 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 16% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2018.
Xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ giảm 20,7% về lượng và giảm 29,7% về trị giá, đạt 111,2 nghìn tấn, trị giá 111,27 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê sang Tây Ban Nha, Bỉ, Anh tăng lần lượt 7,8%, 8,4% và 1,0% về lượng.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Phi-líp-pin giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 15% về trị giá. Năm 2019, Việt Nam giảm xuất khẩu cà phê Robusta sang Phi-líp-pin, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Arabica tăng lần lượt 44,1% và 52,6% trong 8 tháng đầu năm 2019.
Trong 11 ngày đầu tháng 10/2019, giá cà phê Robusta trong nước giảm. Ngày 11/10/2019, giá cà phê Robusta giảm từ 3,0- 3,9% so với ngày 30/9/2019. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta loại R1 ở mức 33.800 đồng/kg, giảm 3,2% so với ngày 30/9/2019 và giảm 3,7% so với ngày 11/9/2019.
Người trồng cà phê Việt Nam bước vào niên vụ cà phê mới 2019/20 với tâm lý không lạc quan do giá cà phê liên tục ở mức thấp, nhiều nơi trì hoãn việc tái canh diện tích cây già cỗi.
Trong bối cảnh giá cà phê thấp, ngành cà phê Việt Nam đang dần chuyển mình sang chế biến cà phê, tăng giá trị cho sản phẩm. Theo số liệu của ICO, lượng cà phê rang xay xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu niên vụ 2018/19 giảm gần 20% xuống 116.407 bao. Tuy nhiên, lượng cà phê hòa tan xuất khẩu tăng mạnh tới 48% lên hơn 1 triệu bao.