9 tháng đầu năm, thị trường nhiều loại trái cây trong nước diễn biến giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ quốc gia lân cận Trung Quốc với những điều kiện khắt khe về xuất khẩu. Song, trong tháng 8/2019, quả nhãn tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Úc (sau vải, xoài, thanh long); quả xoài được phép xuất khẩu vào thị trường Chilê (sau thanh long) hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan cho ngành rau quả Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, có thể thấy xuất khẩu rau quả đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, kể từ tháng 5 đến nay, trong đó, tháng 5 giảm 23,1% so với tháng trước đó, tháng 6 giảm 21,8%, tháng 7 giảm 11,8% so với tháng 6/2019, đạt 247,67 triệu USD và tháng 8 tiếp tục giảm còn 246 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần, đạt 1,8 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành rau quả Việt Nam nhiều lợi ích khi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi đi vào các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...
Tuy nhiên, mặt trái của các hiệp định này là các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%.