Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thương mại với các thị trường lân cận, các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiếp cận, khai phá các thị trường mới, xa hơn như khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Tận dụng hiệu quả các thị trường truyền thống
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, với thị trường 660 triệu dân, ASEAN dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sắp tới khi hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – RCEP hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể thấy về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực, hệ thống giao thông xuyên quốc gia giữa các thành viên ngày càng được cải thiện, thuận lợi trong vận chuyển giao thương hàng hoá. Đây cũng là khu vực có môi trường chính trị cơ bản ổn định và cùng chung chính sách mở cửa về thương mại, đầu tư, dịch vụ.
Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường ASEAN hiệu quả, trong năm 2019, ITPC sẽ phối hợp tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong khu vực như Hội chợ Thương mại Việt –Lào, Hội chợ Thương mại Việt Nam – Campuchia, Tuần lễ Triển lãm sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan, kết nối giao thương với nhà phân phối tại Malaysia, Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar…
Ông Phạm Thiết Hòa cho rằng, muốn khai thác tốt thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có kỹ năng tiếp cận thị trường thông qua việc thiết kế bao bì nhãn mác phù hợp với từng thị trường cụ thể; tạo tính tiện lợi cho sản phẩm và quan trọng là phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ngoài ASEAN, năm 2019, ITPC cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp nhằm khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc.
Ông Lý Kiến Lương, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM cho biết, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ lên tới 1,4 tỷ người, nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm rất lớn. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản và cũng là đối tác thương mại truyền thống của Trung Quốc.
Theo ông Lý Kiến Lương, để nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, hai bên cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trực tiếp, cắt giảm các khâu trung gian. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn “dễ tính” như trước mà đòi hỏi các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, vì vậy doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, thay đổi tư duy từ bán thứ mình có sang bán thứ người tiêu dùng cần.
“Khai phá” những thị trường mới
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thương mại với các thị trường lân cận, các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiếp cận, khai phá các thị trường mới, xa hơn như khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh… nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, Mỹ Latinh là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau châu Á. Những năm gần đây thị trường Mỹ Latinh đang dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Brazil, Argentina, Mexico và Chile là những đối tác thương mại có kim ngạch song phương đạt trên 1 tỷ USD.
Theo bà Võ Hồng Anh, ưu điểm của thị trường Mỹ Latinh là quy mô lớn với hơn 650 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao ở mức từ 15.000 -16.000 USD/người/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng của khu vực này khá lớn; trong đó, nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, máy tính,…
Một khu vực khác được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đó là Trung Đông và châu Phi.
Bà Phạm Hoài Linh, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Đông là thị trường có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng của các nước Trung Đông chủ yếu phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu; trong đó có nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Trong khi đó, châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng rất lớn. Thị trường châu Phi cũng không yêu cầu chất lượng hàng hóa quá cao.
Để khai thác được các thị trường này, bà Phạm Hoài Linh cho rằng, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm chuyên ngành để nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định và tập quán tiêu dùng.
Cùng với việc tiếp cận các thị trường theo khu vực địa lý, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến khích khai phá thị trường theo nhóm đối tượng người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường các nước Hồi giáo.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện văn phòng chứng nhận Halal -HCA Việt Nam cho biết, số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới lên tới 1,6 tỷ người, tập trung nhiều ở khu vực Trung Đông và một số nước ASEAN. Đây là nhóm đối tượng sử dụng các sản phẩm Halal (được phép dùng), ngành công nghiệp Halal đang phát triển rất nhanh, có doanh thu lên tới 2.300 tỷ USD/năm và thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả các nước không có người Hồi giáo tham gia.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Việt Nam có nhiều nhóm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal của các nước Hồi giáo như nông sản, thủy sản, nhưng hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Hồi giáo.
Thị trường các nước Hồi giáo có ít rào cản về mặt kỹ thuật và mức thuế nhập khẩu cũng rất thấp. Hiện nay, nhiều quốc gia Hồi giáo cũng có động thái kết nối và tìm kiếm hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam. Đó là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.