Cơ hội để Đồng Tháp lan toả tư duy phát triển, tầm nhìn và thu hút đầu tư
Ngày 22/2/2024, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp, là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Đồng Tháp mà còn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó Thủ tướng, Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. "Đất Sen hồng" đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 900 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.
Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng. Người dân Đồng Tháp hiền hòa, mến khách, nghĩa tình, yêu quê hương, đất nước, có ý chí vượt khó vươn lên. Tỉnh có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực. Mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng, nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc trên 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt gần 69 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2022. Đây là mức cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, bằng 107,4% dự toán năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng 10,49% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 ước đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 35,15% so với năm 2022.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Đồng Tháp cũng có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được chú trọng, gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo, hỗ trợ; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,17% (mức thấp so với bình quân chung của cả nước). Xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng. Quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là sự kiện rất quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất những kiến nghị, giúp tỉnh phát triển trong tương lai.
Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.
Bản quy hoạch cũng cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù.
Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển đến 2030: Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Đồng bộ giải pháp phát triển tỉnh Đồng Tháp
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nêu trên, Đồng Tháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đồng Tháp cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Đồng thời, công bố, công khai rộng rãi quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi quy hoạch của tỉnh.
Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Đồng Tháp với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế.
Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối; phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử.
Thứ tư, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Đồng Tháp.
Thứ sáu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải có tư duy và hành động, làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất.
Tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chân thành cảm ơn sự có mặt của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm lựa chọn Việt Nam, lựa chọn Đồng Tháp là điểm đến hợp tác kinh doanh. Điều này cho thấy tiềm năng lợi thế, cơ hội đầu tư hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp và cũng thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với vùng "Đất Sen hồng".
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, sau Hội nghị sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp. Qua đó tìm kiếm và mở rộng cơ hội đầu tư, tích cực sớm triển khai các dự án đầu tư theo các nội dung, thỏa thuận đã ký kết thành những sản phẩm, công trình cụ thể để chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của tỉnh thành các động lực cụ thể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và của cả nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, với những tiềm năng, lợi thế của mình, với tư duy, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua; cùng với những cam kết đầu tư của các dự án lớn trọng điểm ngày hôm nay, chắc chắn rằng tỉnh Đồng Tháp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh.
Cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, ý chí, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng rằng Đồng Tháp sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu phấn đấu Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Cụ thể, đến 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng.
Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,32%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt mức dưới 1,2%. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn: mầm non 75%, tiểu học 70%, trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 90%. Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 32 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 12 người.