Bàn về người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Bài báo nghiên cứu "Bàn về người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba" do Nguyễn Văn Duyên - Nguyễn Thị Anh (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nguyên tắc về quyền riêng tư của hợp đồng được hiểu hợp đồng là “câu chuyện” của các bên chủ thể hợp đồng, một người không phải là một bên của hợp đồng, không thể được hợp đồng cấp các quyền theo hợp đồng hoặc bị đặt dưới các nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, có những chủ thể không tham gia trực tiếp tạo lập mối quan hệ hợp đồng ngay từ đầu, nhưng họ vẫn có quyền lợi từ hợp đồng, nhất là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Để làm rõ cơ chế bảo vệ người thứ ba của hợp đồng và nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, bài viết sẽ làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, đề xuất những thay đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật hợp đồng có liên quan đến lợi ích của người thứ ba dựa trên nguyên tắc về quyền riêng tư của hợp đồng.

Từ khóa: hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, người thứ ba, quyền và nghĩa vụ.

1. Người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

          Trong cuộc sống thường ngày, khái niệm người thứ ba hay bên thứ ba được hiểu theo nhiều cách khác nhau[i]. Theo từ điển Black’s Law[ii] mô tả: “Bên thứ ba là một người nào đó, không có liên quan đến hợp đồng được xác lập bởi những chủ thể khác nhưng chịu sự tác động, ảnh hưởng của kết quả thực hiện hợp đồng”. Bên thứ ba trong pháp luật Việt Nam được nhắc đến khá nhiều, nhưng chưa có khái niệm thống nhất và thường được tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, theo cách liệt kê các đặc điểm tùy theo từng đối tượng điều chỉnh cụ thể. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, hay BLDS năm 2015 đều không chỉ ra đâu là một đặc điểm, hay dấu hiệu để nhận biết người thứ ba là ai, người thứ ba là chủ thể như thế nào theo quy định của luật pháp.

          Người thứ ba của một mối quan hệ hợp đồng là một chủ thể không trực tiếp tạo ra mối quan hệ đó, nhưng hệ quả của mối quan hệ sẽ có tác động đến chủ thể đó, có chủ ý hoặc không. Khi khởi nguyên hợp đồng, các ý tưởng xây dựng hợp đồng, thỏa thuận, trao đổi ý tưởng, mặc cả, không có sự xuất hiện của Người thứ ba. Người thứ ba chỉ là người hưởng lợi ích xuất phát từ hợp đồng, không phải thực hiện một nghĩa vụ đối ứng nào. Các hợp đồng về nguyên tắc không thể áp đặt nghĩa vụ cho người thứ ba, nếu họ không có quyền lợi tương ứng và sự thống nhất ý chí. Về lý thuyết, quyền và nghĩa vụ là một cặp song trùng, đi chung với nhau, quyền và nghĩa vụ giữa hai chủ thể đối lập nhau tương ứng và chỉ có giá trị giữa các chủ thể đã xác định. Tuy nhiên, hợp đồng có thể mang lại lợi ích, quyền lợi cho bên người thứ ba, đó là “Hợp đồng vì lợi ích người thứ ba”. Tại Việt Nam, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba được quy định tại khoản 5 Điều 402 BLDS năm 2015 như sau: “Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó”.

Người thứ ba được đề cập trong nguyên tắc quyền riêng tư của hợp đồng được hiểu là các chủ thể khác với chủ thể tạo lập hợp đồng. Vì nguyên tắc ban đầu của nguyên tắc này nhằm loại trừ tất cả sự can thiệp của bên ngoài vào quá trình thực hiện hợp đồng của các bên hợp đồng; cho nên các bên không phải là chủ thể hợp đồng thì không có quyền hoặc nghĩa vụ nào đối với hợp đồng đó. Theo Pamela R. Tepper (2011), người thứ ba được cho là bên được lợi của hợp đồng vì nguyên tắc không được tạo ra gánh nặng trách nhiệm cho người thứ ba, cho nên người thứ ba là bên được lợi từ hợp đồng được suy ra từ logic này. Cũng theo Pamla R. Tepper (2011), hợp đồng cho người thứ ba hưởng lợi yêu cầu một thỏa thuận ban đầu giữa người hứa, người được hứa và người thứ ba được hưởng lợi từ hợp đồng ban đầu. Người được hưởng lợi từ hợp đồng, được gọi là người thụ hưởng, là người thứ ba, có thể là một người hoặc tổ chức sẽ nhận được lợi ích từ hợp đồng. Người thụ hưởng có thể biết hoặc không biết về những lợi ích sẽ nhận được. Có thể phân loại những người thụ hưởng thành 2 nhóm: những người thụ hưởng dự kiến (bao gồm những người thụ hưởng được tặng cho và những người thụ hưởng từ chủ nợ) và những người thụ hưởng ngẫu nhiên. Người được dự kiến thụ hưởng không cần phải luôn được xác định danh tính một cách rõ ràng, có thể gọi theo một danh từ chung như người thừa kế, con nuôi, người phối ngẫu… Nhưng để thuận tiện cho việc xác định người thứ ba cần phải xác định tên, đặc điểm để định danh. Sự tồn tại của người thứ ba tại thời điểm hợp đồng được lập không ảnh hưởng đến giá trị của hợp đồng. Quyền của người thứ ba được xác lập ngay cả khi doanh nghiệp chưa thành lập, trẻ chưa sinh và người vợ hoặc chồng trong tương lai (Catherine Elliott & Frances Quinn, 2009).

2. Một số quy định pháp luật về quyền của người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

2.1. Quyền của người thứ ba về yêu cầu thực hiện hợp đồng

Điều 415 BDLD năm 2015 đề cập về quyền của người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích người thứ ba như sau “Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên trong hợp đồng có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.” Người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên hợp đồng có tranh chấp về thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết”. Như vậy, khi hợp đồng ký kết và có hiệu lực, tùy theo loại hợp đồng mà các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình cho phù hợp. Việc thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có một điểm khác biệc so với những loại hợp đồng khác, đó là khi thực hiện hợp đồng các bên không chỉ hoàn thành nghĩa vụ đối với chủ thể giao kết mà còn cần phải thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba. Sự khác nhau rõ nét khi một bên không thực hiện nghĩa vụ, hay không thực hiện đúng, đầy đủ, chậm trễ có thể bị cả bên còn lại và người thứ ba của hợp đồng yêu cầu làm đúng hợp đồng.

          BLDS trao cho người thứ ba quyền có thể thực hiện trực tiếp, không cần thông qua chủ thể giao kết hợp đồng để thực hiện quyền yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ. Điều này tạo cơ hội cho người thứ ba có sự chủ động yêu cầu, hoặc không yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Trong thực tế, ví dụ, nếu A và B là hai chủ thể giao kết hợp đồng vì lợi ích của C, nhưng khi vào thực hiện A kéo dài thời gian hoàn thành nghĩa vụ, B không quan tâm đến quyền lợi của C. Nếu không trao quyền cho C, thì C sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

          Bên cạnh việc trao quyền cho người thứ ba hưởng lợi từ hợp đồng, tự mình đưa ra yêu cầu thực hiện hợp đồng, BLDS còn có phép bên có quyền có thể đưa ra yêu cầu cho bên còn lại thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba. Đây là một quy định còn một số vấn đề phải bàn luận. Như đã phân tích ở trên về quyền tự chủ của người thứ ba đang hưởng lợi từ hợp đồng. Họ có tự do trong việc tận dụng quyền của mình. Nhưng việc cho chủ thể khác cũng có quyền tương tự, có thể sẽ gây ra mâu thuẫn giữa hai chủ thể cùng có quyền đối với một chủ thể có nghĩa vụ. Nếu hai chủ thể có quyền không thống nhất ý chí về việc yêu cầu thì giải quyết ra sao? Ai sẽ là chủ thể có quyền ưu tiên? Người có quyền nhưng không phải chịu nghĩa vụ nào hay người vừa chịu nghĩa vụ vừa có quyền? Người viết nghĩ rằng, sẽ có không ít tranh luận khi phân tích vấn đề này.

          Quyền của người thứ ba có bị giới hạn hay không? Như đã nêu ở trên, BLDS trao quyền cho người thứ ba để yêu cầu thực hiện hợp đồng nhưng vẫn có một giới hạn nhất định. Đó là, “nếu các bên hợp đồng có tranh chấp về thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết.” Có thể dễ nhận thấy, quy định này còn chưa cụ thể, không phân biệt loại tranh chấp hợp đồng nào sẽ tạo ra hạn chế quyền của người thứ ba. Bởi vì, có những tranh chấp cơ bản, ảnh hưởng đến tính pháp lý hợp đồng, có thể dẫn đến vô hiệu hợp đồng; cũng có những tranh chấp đến từ người thứ ba của hợp đồng, xuất hiện trong quá trình các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ hoặc tranh chấp của chính người thứ ba mà hợp đồng lập ra vì lợi ích của họ. Do đó, sẽ có những tranh chấp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ các bên, hoặc việc thực hiện quyền của người thứ ba không ảnh hưởng đến kết quả tranh chấp, kết quả tranh chấp không làm thay đổi hệ quả của việc thực hiện quyền của người thứ ba. Cho nên, luật cần phân định rõ hơn các trường hợp cụ thể nào người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không được thực hiện quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng của họ.

2.2. Quyền của người thứ ba khi có sự thay đổi, hủy bỏ hợp đồng

          Trong quá trình thực hiện giao kết hợp đồng, từ khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực, việc thay đổi hay đình chỉ, chấm dứt hợp đồng là những việc diễn ra rất thường xuyên. Pháp luật dân sự công nhận và cho phép những trường hợp như vậy, điều này phù hợp với nguyên tắc tự do ý chí khi tạo lập hợp đồng, các chủ thể tham gia có quyền tự quyết định tiếp tục, thay đổi hay chấm dứt một giao kết dân sự dựa trên nhu cầu và khả năng của mình. BLDS năm 2015 ghi nhận các quyền này tại điều 421, 422 và 423. Đó là những quy định khung, áp dụng chung cho nhiều loại hợp đồng dân sự. Tuy vậy, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có nhiều đặc thù nên BLDS có sự điều chỉnh đặc biệt hơn, chặt chẽ hơn. Theo Điều 417 BLDS năm 2015 thì “Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”. Quy định này giúp cho người thứ ba bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả, bằng cách trao quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng cho họ. Quy định này giúp cho các bên chủ thể hợp đồng cần có sự nghiêm túc cân nhắc khi tham gia ký kết hợp đồng, tránh sự tùy tiện thay đổi, chấm dứt hợp đồng khi bên thứ ba đã thể hiện ý chí cá nhân chấp nhận vai trò là một bên của hợp đồng. Mặc dù, hợp đồng thiết lập một phần hoặc hoàn toàn vì lợi ích của họ. Người thứ ba cũng có nguy cơ đối mặt với thiệt hại nếu tham gia vào hợp đồng này và từ lợi ích đó làm căn cứ phát sinh cho các hoạt động giao dịch khác. Ví dụ, A được đảm bảo nhận 10 triệu đồng từ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba do B và C thiết lập. Dựa trên lợi ích đó, A đã mua trả góp một tài sản với tiến độ thanh toán dựa vào khoản thu nhập từ lợi ích của hợp đồng giữa B và C. Nếu vì lý do nào đó, hợp đồng giữa B và C bị thay đổi hoặc chấm dứt do hủy bỏ, chắc chắn rằng, A có thể đối mặt với một tình huống rủi ro về mất an toàn tài chính dài hạn, do thiếu đi khoản thu từ lợi ích của hợp đồng giữa B và C. Như vậy, rõ ràng người thứ ba có nguy cơ mất đi lợi ích trực tiếp từ việc thay đổi, chấm dứt hợp đồng một cách tùy tiện, ngẫu nhiên và còn có khả năng mất đi nguồn lợi gián tiếp nào đó.

          Việc trao quyền quyết định cho người thứ ba như quy định hiện hành liệu có hợp lý? Nếu hoàn cảnh thay đổi tương ứng với quy định tại Điều 420 BLDS năm 2015 thì có thật sự quyền quyết định về việc thực hiện hợp đồng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người thứ ba hay không? Theo tác giả, việc này sẽ không thể diễn ra, vì khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ nói chung của các bên của hợp đồng, chứ không riêng việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Như vậy, một điểm cần làm rõ thêm ở quy định tại Điều 417 BLDS năm 2015, đó là việc thay đổi hợp đồng có bị cấm hay không nếu hợp đồng thay đổi nhưng hệ quả của hành vi đó không làm thay đổi lợi ích đã thỏa thuận, thống nhất 3 bên như lúc đầu? Về khía cạnh này, pháp luật không đề cập tới. Nhưng tác giả cho rằng, cần nghiên cứu và làm rõ thêm về quy định này.

          Theo luật của Anh, quy định về việc thay đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba cần sự đồng thuận của các bên của hợp đồng. Quyền của bên thứ ba sẽ không thể bị loại bỏ nếu thỏa một trong ba chủ thể (các bên của hợp đồng và bên thứ ba) đã có sự trao đổi với với người hứa hẹn về sự đồng thuận đối với điều khoản hợp đồng, hoặc người thứ ba đã căn cứ vào điều khoản hợp đồng và người đưa ra lời hứa biết hoặc có thể đoán được sự tin tưởng của bên thứ ba về điều khoản hợp đồng có liên quan đến họ (Catherine Elliott & Frances Quinn, 2009). Trường hợp không cần sự đồng thuận của bên thứ ba, cho phép Tòa án hoặc hội đồng Trọng tài ra quyết định mà không cần đến ý kiến đồng thuận của người thứ ba nếu không thể nào biết nơi ở, hoặc người thứ ba không thể nào đưa ý kiến vì bất khả kháng, hoặc một cách hợp lý để xác định rằng anh ta đã thực sự dựa vào điều khoản của hợp đồng hay chưa. Như vậy, trong một số điều kiện nhất định, không thể liên hệ hoặc nhận được ý kiến của người thứ ba, hoặc không thể biết được ý kiến của người thứ ba về hợp đồng được xác lập chứa đựng lợi ích dành cho họ, pháp luật hợp đồng Anh cũng cho phép bỏ qua sự thể hiện ý chí đồng thuận của người thứ ba, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi.

2.3. Quyền từ chối của người thứ ba

          Theo Điều 385 BLDS năm 2015, “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ liên quan đến mình. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không cho người thứ ba quyền thỏa thuận, họ không phải là chủ thể của hợp đồng, nên không tham gia việc thúc đẩy để hợp đồng được diễn ra. Trong quá trình xác lập hợp đồng, vai trò của người thứ ba được xem là thụ động, ngược với các chủ thể còn lại của hợp đồng. Việc chấp nhận trở thành người thứ ba từ hợp đồng giữa hai chủ thể nào đó về thực tế có thể mang lại những lợi ích và một cách tự nhiên ít người từ chối. Tuy nhiên, không phải lúc nào bên thứ ba cũng chấp nhận đề nghị có lợi cho mình như vậy. Theo Điều 416 BLDS năm 2015, “(1) Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. (2) Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp này, lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

          Thứ nhất, trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Theo khoản 1 điều 416 BDLS năm 2015 “Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Bên có nghĩa vụ phải báo cho bên có quyền biết về việc từ chối của người thứ ba với người có quyền trong hợp đồng và hợp đồng được coi như hủy bỏ. Quy định này còn bất cập bởi những vấn đề như sau: (i) Tại sao việc từ chối quyền của một bên thứ ba lại làm tất cả các điều khoản khác bị hủy bỏ? Quy định này không thỏa đáng, bởi vì hợp đồng có thể được thiết lập vì lợi ích của người thứ ba, nhưng không hạn chế nội dung thỏa thuận của hợp đồng. (ii) Bên thứ ba có thể bao gồm nhiều chủ thể khác nhau, như vậy liệu rằng cần sự đồng thuận của tất cả các chủ thể khác hay không? Như vậy, vấn đề quyền của người thứ ba hiểu rộng hơn có thể bao gồm nhiều chủ thể, nhưng luật chưa dự liệu đến trường hợp nhiều chủ thể có vị trí pháp lý là người thứ ba được lợi từ hợp đồng.

          Thứ hai, trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ. Theo khoản 2 Điều 416 BLDS năm 2015, “trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp này, lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, việc chậm trễ đưa ra quyền từ chối chỉ làm hạn chế quyền của người thứ ba đối với lợi ích phát sinh từ hợp đồng, phần lợi ích mà hợp đồng dành cho họ. Còn nghĩa vụ và quyền của hai chủ thể ký kết hợp đồng vẫn không thay đổi, “nghĩa vụ được xem là hoàn thành và bên có quyền phải thực hiện cam kết với bên có nghĩa vụ”. Theo quy định của tại điều 5.2.6 của các nguyên tắc UNIDROIT của Hợp đồng thương mại quốc tế[iii] về quyền của người thứ ba, Bộ quy tắc này cho phép người thứ ba được từ chối nhận lợi ích của hợp đồng nào đó dành cho họ với địa vị pháp lý là người thứ ba của hợp đồng. Chẳng hạn, một nhà thầu phụ, có thể không muốn lợi dụng bảo hiểm do nhà thầu chính mua vì đã có sẵn bảo hiểm liên quan (và họ biết rằng sẽ có những khó khăn nếu có hai loại bảo hiểm cùng một rủi ro). Trong trường hợp này, nhà thầu phụ có quyền từ bỏ.        

3. Một số kiến nghị

          Một là, cần có định nghĩa về “người thứ ba” trong các quy định của pháp luật dân sự. BLDS năm 2015 áp dụng thuật ngữ “người thứ ba” trong nhiều quy định khác nhau liên quan đến giao dịch dân sự và các loại hợp đồng. Ngoài thuật ngữ “người thứ ba” xuất hiện trong quy định liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, thuật ngữ này còn xuất hiện nhiều quy định rải rác, như: người thứ ba trong các giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 124, 127), “người thứ ba” thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba (Điều 283) và người thứ ba trong các giao dịch bảo đảm. Tuy vậy, dựa trên từng điều khoản cụ thể trong từng lĩnh vực, thuật ngữ này được sử dụng với các ý nghĩa khác nhau. Mặc dù BLDS và các văn bản liên quan đã sử dụng thuật ngữ “người thứ ba” nhưng chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào để định nghĩa “người thứ ba” trong các hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt, trong trường hợp của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, sự thiếu vắng định nghĩa “người thứ ba” đã gây ra sự khó khăn trong việc hiểu và giải thích các quy định liên quan đến nó. Theo cách hiểu thông thường và phổ biến trong ngôn ngữ luật ngày nay, “người thứ ba” trong các quan hệ pháp lý có thể là một cá nhân, một nhóm người, hoặc thậm chí là một tổ chức. Khi phân tích về quyền riêng tư của hợp đồng (privity of contract) vì lợi ích của bên thứ ba trong luật Anh, người thứ ba có thể bao gồm các cá nhân, tổ chức, đã xuất hiện hoặc chưa xuất hiện tại ngay thời điểm hợp đồng giao kết (O'Sullivan, 2022). Và cũng cần phân biệt rõ giữa người thứ ba của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba và người thứ ba có địa vị pháp lý là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan (Bộ luật Tố tụng dân sự 2015), người thứ ba trong các hợp đồng ủy quyền và giao việc, người thứ ba là cơ quan nhà nước. Từ các phân tích trên, BLDS nên có định nghĩa về “người thứ ba" trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba theo hướng như sau: “Người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là một cá nhân, hoặc một nhóm người, tổ chức, được nêu trong hợp đồng một cách cụ thể, hoặc được nêu gián tiếp thông qua một số đặc điểm nhận dạng cụ thể, người thứ ba không nhất thiết phải tồn tại tại thời điểm hợp đồng được giao kết”.

Hai là, hoàn thiện quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Bộ luật Dân sự hiện hành cho phép người thứ ba được thể hiện ý chí của mình trong một số trường hợp, nhưng các quy định này vẫn còn chứa đựng một vài điểm cần bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện. Đó là, (i) quyền yêu cầu của người thứ ba, các nhà làm luật nên tính đến trường hợp người thứ ba bao gồm một nhóm người, không phải là một cá nhân đơn lẻ; (ii) trong trường hợp người thứ ba chưa đủ tuổi thành niên, hay chưa đáp ứng điều kiện về nhận thức thì người có quyền sẽ được trao quyền uy cầu thực hiện hợp đồng; (iii) các bên hợp đồng có xảy ra tranh chấp với nhau về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba tạm thời không có quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Bên có lỗi phải bồi thường phần giá trị tương đương với giá trị người thứ ba được nhận nếu không có tranh chấp xảy ra. Nếu tranh chấp không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, người thứ ba có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện. 

Ba là, hoàn thiện về quyền từ chối của người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Để quy định về quyền từ chối của người thứ ba trở nên hoàn hiện hơn, pháp luật nên có điều chỉnh thay đổi về hậu quả pháp lý của việc từ chối theo hướng tạo cơ hội cho các bên có thể tiếp tực thực hiện hợp đồng với các điều khoản không liên quan đến quyền của người thứ ba. Chẳng hạn, “Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo với bên có quyền và hợp đồng vẫn tiếp tục có hiệu lực nếu việc từ chối của người thứ ba không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khác của các bên hợp đồng.

Bốn là, hoàn thiện về quyền việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Pháp luật nên thêm vào các điều kiện cụ thể để các chủ thể loại trừ sự đồng thuận của người thứ ba. Và trong trường hợp các chủ thể không có khả năng để lấy ý kiến từ người thứ ba, mặc dù đã thực hiện nhiều cách thức khác nhau, cơ quan có thẩm quyền như Tòa án, hoặc Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết nếu có yêu cầu. Chẳng hạn, nên quy định như sau: “trong trường hợp các bên trong hợp đồng không thể nhận được ý kiến của người thứ ba vì các trường hợp bất khả kháng, hoặc không thể liên lạc được với người thứ ba, hoặc người thứ ba bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự trong thời điểm các chủ thể hợp đồng yêu cầu cho ý kiến về việc thay đổi, hủy bỏ hợp đồng thì các bên hợp của hợp đồng có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại chấp thuận yêu cầu thay đổi, hủy bỏ hợp đồng”.

4. Kết luận

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định các vấn đề liên quan trực tiếp đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba tại các Điều 402, 415, 416, 417. Các điều luật cơ bản đã nêu lên được những vấn đề chính chính yếu đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn ở dạng bao quát, chung chung, chưa thực sự chi tiết, tiên liệu cụ thể, đầy đủ hơn các trường hợp có xảy ra trong thực tế áp dụng. Các quy định vẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu khái niệm người thứ ba, các quy định về quyền của người thứ ba vẫn còn chưa cụ thể, cần có sự bổ sung, thay đổi, hoàn thiện. Sự điều chỉnh về quyền riêng tư hợp đồng của Luật Anh đã làm cho nguyên tắc trở nên phù hợp với yêu cầu thực hiện, là một nguồn tham khảo rất ý nghĩa cho việc điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện pháp luật về quyền của người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Trong bài biết này, “người thứ ba” hay “bên thứ ba” có thể được dùng với cùng hàm ý.

[ii] Third Party: Definition & Legal Meaning. Available at: https://thelawdictionary.org/third-party-2/

[iii] UNIDROIT Viện Thống nhất Luật Tư nhân Quốc tế (2016). Các nguyên tắc UNIDROIT của Hợp đồng Thương mại Quốc tế. Truy cập tại: https://www.unidroit.org/wp-content/uploads/2021/06/Unidroit-Principles-2016-English-i.pdf.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (1995). Bộ luật Dân sự năm 1995.
  2. Quốc hội (2005). Bộ luật Dân sự năm 2005.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  4. Trương Nhật Quang (2020). Pháp luật về hợp đồng: Các vấn đề cơ bản. Hà Nội. NXB Dân trí.
  5. Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Ngô Quốc Chiến (2017). Người thứ ba trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 86. Truy cập tại: http://tapchi.ftu.edu.vn/các-số-tạp-ch%C3%AD-ktđn/tạp-ch%C3%AD-ktđn-số-81-90/tạp-ch%C3%AD-ktđn-số-86/1401-người-thứ-ba-trong-bộ-luật-dân-sự-2015.html.
  6. Trần Kiên, Nguyễn Khắc Thu (2019). Khái niệm hợp đồng và những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam. Truy cập tại: http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210246.
  7. UNIDROIT Viện Thống nhất Luật Tư nhân Quốc tế (2016). Các nguyên tắc UNIDROIT của Hợp đồng Thương mại Quốc tế. Truy cập tại: https://www.unidroit.org/wp-content/uploads/2021/06/Unidroit-Principles-2016-English-i.pdf.
  8. Catherine Elliott, Frances Quinn (2009). Contract law. UK: Pearson Longman.
  9. O'Sullivan, J. (2022). O'Sullivan and Hilliard's the Law of Contract: Core Texts Series. UK:
  10. The Law Commission (1996). Privity of contract for the benefit of third parties, s.l.:
  11. Pamela R. Tepper (2011). The Law of Contracts and the Uniform Commercial Code. Second edition ed. s.l.: Cengage Learning.

 

Discussing The Third Parties In The Contract For The Benefit Of A Third Party
Nguyen Van Duyen
Nguyen Thi Anh

                  School of Law, UEH - College of Economics, Law and Government

Abstract:
The doctrine of privity of contract is a common law principle that provides that only the parties  directly involved in a contract can enforce its terms and that no third party can enforce the contract or be sued under it. However, there are parties that do not directly participate in creating a contractual relationship from the beginning, but they still have benefits from the contract, especially a contract for the benefit of a third person. To clarify the third-party protection mechanism of contracts and to improve the current legal system, this paper clarified the theoretical and practical basis of contracts for the benefit of third parties and proposed solutions, amendments, and supplements to strengthen regulations on the contract for the benefit of third parties based on the privity of the contract.
Keywords: contract for the benefit of a third person, third person, rights and obligations.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2023]