Điện Biên: Nâng cao giá trị mật ong Điện Biên

Nhờ đặc điểm khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Điện Biên (Điện Biên) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Để nghề nuôi ong phát triển ổn định, năm 2019, một số hộ nuôi ong đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Điện Biên và từng bước xây dựng thương hiệu mật ong Điện Biên.

Trước đây, đa số người dân trên địa bàn huyện Điện Biên nuôi ong theo hướng tự phát, bắt ong rừng về đóng hòm nuôi, không chăm sóc, ong phát triển tự nhiên, mỗi năm khai thác mật vài lần, vì thế đàn ong không thể phát triển, do đó năng suất mật thấp. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Điện Biên, tháng 2/2019, Hợp tác xã Ong mật Điện Biên được thành lập với việc hình thành trên cơ sở kết nối 9 hộ nuôi ong trên địa bàn xã Sam Mứn (huyện Điện Biên).

Mục tiêu hợp tác xã hướng đến là tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong Điện Biên trên thị trường. HTX ra đời với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và xây dựng thương hiệu “Mật ong hương rừng Điện Biên” thông qua việc tận dụng các nguồn lực, nghề sẵn có của các hộ tại địa phương, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Điện Biên
Nghề nuôi ong trên địa bàn xã Sam Mứn huyện Điện Biên

Đến nay, sản phẩm mật ong do các thành viên của HTX ong mật Điện Biên liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao, sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ.

Hiện nay, HTX mật ong Điện Biên có 4 sản phẩm chủ lực: Mật ong từ các loài hoa rừng; mật ong bánh tổ; phấn hoa và sữa ong chúa.

Thời gian qua, Hợp tác xã cũng đã được huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, Sở Công Thương Điện Biên tạo điều kiện tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản Điện Biên ở các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động này giúp thương hiệu mật ong của Hiệu quả mang lại từ các hoạt động này là rất lớn và giúp sản phẩm, thương hiệu của Hợp tác xã ong mật Điện Biên lan tỏa, vươn xa ra thị trường trong nước.

Điện Biên

Sau gần 4 năm thành lập, HTX ong mật Điện Biên đã giúp người nông dân và các thành viên trong hợp tác xã từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, gia tăng thu nhập, nâng tầm giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên HTX và người lao động tại địa phương, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tuy sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP, tuy nhiên, do quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của Hợp tác xã ong mật Điện Biên sau 4 năm thành lập.

Bên cạnh đó, các thành viên HTX cũng mong muốn, để thương hiệu mật ong Điện Biên bay xa hơn nữa ra thị trường trong và ngoài nước, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm, HTX rất cần các cấp, ngành tạo điều kiện để HTX tham gia nhiều sự kiện, hội chợ thương mại, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Điện Biên đến với người tiêu dùng, góp phần xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm của Hợp tác xã ong mật Điện Biên.

Hưng Nguyên