Giao thông Đèo Cả (HHV): Muốn phát triển loạt dự án cao tốc, Metro quy mô gần 139.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) hiện có khối lượng backlog lên tới 3.300 tỷ đồng và đang lên kế hoạch tham gia phát triển loạt dự án cao tốc, Metro với tổng mức đầu tư gần 139.000 tỷ đồng.

Muốn phát triển loạt dự án quy mô gần 139.000 tỷ đồng

Giao thông Đèo Cả
Tiến độ triển khai các dự án của Giao thông Đèo Cả tính đến tháng 10/2023. (Nguồn: Bộ GTVT, Giao thông Đèo Cả, BSC Equity Research tổng hợp)

Tính đến tháng 10/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) đang thực hiện 9 gói thầu thi công với tổng giá trị backlog còn lại ước đạt 3.300 tỷ đồng. Con số này gấp khoảng 6 lần doanh thu xây lắp trung bình giai đoạn 2021 - 2022, qua đó, giúp đảm bảo tăng trưởng mảng xây lắp cho Giao thông Đèo Cả giai đoạn 2023 - 2025.

Trong khối lượng backlog hiện nay của Giao thông Đèo Cả, 03 gói thầu XL-01,02,03 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 56% tổng giá trị thầu. Còn lại là các gói thầu thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn và dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.

Bên cạnh đó, Giao thông Đèo Cả còn có kế hoạch phát triển dự án mới đầy tham vọng, với tổng mức đầu tư lên tới 138.958 tỷ đồng, bao gồm: 4 dự án đường cao tốc (tổng mức đầu tư là 79.250 tỷ đồng) và dự án đường sắt Metro 2 giai đoạn 3 của TP.Hồ Chí Minh (tổng mức đầu tư là 59.708 tỷ đồng).

Giao thông Đèo Cả
Các dự án đang được Giao thông Đèo Cả nghiên cứu triển khai. (Nguồn: Giao thông Đèo Cả, BSC Equity Research tổng hợp)

Hiện BSC Equity Research dự báo giá trị trúng thầu của Giao thông Đèo Cả trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi năm, từ các dự án trên cũng như từ các dự án đầu tư công khác.

Trong đó, Giao thông Đèo Cả hưởng lợi trực tiếp từ việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025. Theo Bộ Tài Chính, lũy kế 10 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 401.863 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2025 của Chính phủ vẫn còn rất lớn, với kế hoạch đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng.

Giao thông Đèo Cả hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam với năng lực thi công đã được kiểm chứng thông qua nhiều dự án xây dựng hầm, cao tốc có quy mô lớn trên toàn quốc.

Đặc biệt, dòng tiền ổn định từ các dự án BOT giúp Giao thông Đèo Cả có lợi thế vượt trội so với các doanh nghiệp xây lắp khác trong việc chuẩn bị vốn để triển khai các dự án hạ tầng.

Giao thông Đèo Cả đang sở hữu 04 dự án BOT bao gồm Hầm Đèo Cả, Hầm Phước Tượng - Phú Gia, Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và Dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư là 38.000 tỷ đồng - cao gấp 2 lần so với Công ty Cổ phần Tasco (mã cổ phiếu HUT) và gấp 3 lần so với Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII).

Trong giai đoạn 2019 - 2022, mảng thu phí BOT đóng góp trung bình 70% cơ cấu doanh thu và 88% cơ cấu lợi nhuận gộp của Giao thông Đèo Cả nhờ biên lợi gộp (64%) tốt hơn nhiều so với các mảng kinh doanh khác như: xây lắp (14%) hay duy tu, bảo dưỡng hầm đường bộ (38%).

Biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp có thể đạt tới 12%

Hiện BSC Equity Research dự báo doanh thu mảng xây lắp cả năm 2023 của Giao thông Đèo Cả sẽ đạt 949 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2022 nhờ ghi nhận từ Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 - quý 1/2024), Dự án đường ven biển Bình Định, và khoảng 5%-10% backlog của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Sang năm 2024, doanh thu xây lắp của Giao thông Đèo Cả ước đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 36% so với mức ước tính của năm nay, chủ yếu đến từ đóng góp của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Giao thông Đèo Cả
 Biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp của Giao thông Đèo Cả so với một số doanh nghiệp niêm yết khác. (Nguồn: BCTC, BSC Equity Research tổng hợp)

Trong giai đoạn 2020 - 2022, biên lợi nhuận gộp xây lắp trung bình của Giao thông Đèo Cả đạt 14%, cao hơn 4-5 điểm phần trăm so với trung bình ngành xây dựng hạ tầng. Nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp này thường tham gia dự án có những hạng mục đòi hỏi kĩ thuật cao như đào hầm, làm cầu đường với biên lợi nhuận gộp tốt hơn so với xây dựng cao tốc thông thường. 

Ngoài ra, một số dự án có chủ đầu tư là công ty mẹ - Tập đoàn Đèo Cả giúp cho Giao thông Đèo Cả nhận được giá thầu cạnh tranh hơn.

Giao thông Đèo Cả
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Hơn 82 triệu cổ phiếu HHV sắp được chào bán với giá thấp hơn 55% thị giá" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Do đó, BSC Equity Research thận trọng ước tính biên lợi nhuận gộp xây lắp giai đoạn 2023 - 2024 đạt 12%, tăng 2,9 điểm phần trăm so với mức nền thấp năm 2022 nhờ Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nằm trong 12 dự án thành phần được chỉ định thầu của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, giúp cho giá trị thầu tốt hơn, và chi phí vật liệu xây dựng giảm so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 01/12, thị giá cổ phiếu HHV đạt 14.650 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 68% so với đầu năm nay.

Duy Quang