Hoàn thiện pháp luật về hội đồng thẩm định giá đất

Bài nghiên cứu "Hoàn thiện pháp luật về hội đồng thẩm định giá đất" do ThS. Nguyễn Đắc Văn (Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết tập trung làm rõ những hạn chế trong các quy định hiện hành về Hội đồng thẩm định giá đất. Trên cơ sở đó, tác giả nêu ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Hội đồng thẩm định giá đất.

Từ khóa: hoàn thiện pháp luật, Hội đồng thẩm định giá đất, giá đất.

1. Đặt vấn đề

Theo pháp luật đất đai, Hội đồng thẩm định dự thảo bảng giá đất Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (gọi chung là Hội đồng thẩm định giá đất) do UBND cấp tỉnh thành lập giữ vai trò quan trọng trong hoạt động ban hành bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể ở địa phương. Sau một thời gian thực hiện, Luật Đất đai 2013, các quy định về Hội đồng thẩm định giá bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới tính độc lập, khách quan, tính chuyên môn, tính hiệu quả trong hoạt động chưa cao. Thực trạng này đặt ra nhu cầu cần nghiên cứu để làm rõ những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về Hội đồng thẩm định giá đất.

2. Thực trạng pháp luật về Hội đồng thẩm định giá đất

Thứ nhất, về vai trò, chức năng của Hội đồng thẩm định giá đất.

Theo quy định của pháp luật đất đai, Hội đồng thẩm định giá đất giữ vai trò hạn chế. Hội đồng được thành lập để thẩm định dự thảo bảng giá đất, thẩm định dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, thẩm định phương án giá đất cụ thể do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài chính chuyển tới trước khi trình ra UBND cấp tỉnh quyết định[1]. Hội đồng thẩm định giá không có thẩm quyền giải quyết hoặc tư vấn giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện về giá đất do nhà nước xác định. Thực tế hiện nay, giá đất bồi thường thường thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường nhưng người sử dụng đất không thể khiếu nại, khiếu kiện vì Quyết định của UBND cấp tỉnh ban hành kèm theo bảng giá đất, bảng hệ số điều chỉnh giá đất là văn bản quy phạm pháp luật nên không được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, khiếu kiện.

Thứ hai, chưa có sự thống nhất về thành lập Hội đồng thẩm định giá đất và thành viên làm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá đất.

Theo Khoản 4 Điều 12, Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, thành viên Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau là trong Hội đồng thẩm định bảng giá đất, đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Đối với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch. Như vậy, hai hội đồng có chức năng và thành phần gần như tương đồng nhau, nhưng quy định về thành viên làm Chủ tịch hội đồng lại không thống nhất.

Trên thực tế, có nhiều địa phương thường thành lập một hội đồng thẩm định giá vừa thực hiện chức năng thẩm định bảng giá đất, vừa thẩm định giá đất cụ thể. Các địa phương cũng không có sự thống nhất về người làm Chủ tịch hội đồng. Theo quy định, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh lảm Chủ tịch. Tuy nhiên, có tỉnh lại bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch[2]. Có địa phương lại ủy quyền cho Ủy viên UBND là giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất[3].

Thứ ba, về việc ủy quyền thành lập Hội đồng xác định giá đất cụ thể.

Theo Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai, Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng và quyết định giá đất cụ thể. Pháp luật đất đai không có quy định về việc ủy quyền trong quá trình xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên theo Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi năm 2019) thì lại quy định: Trong trường hợp cần thiết... cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp... Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho,... Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể...”. Trên thực tế, có nhiều địa phương ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá đất bồi thường[4].

Vậy hiểu thế nào là “trong trường hợp cần thiết?” thì cơ quan hành chính cấp trên được ủy quyền. Quy định hiện nay là chưa rõ ràng, thiếu sự minh bạch dẫn tới thực tế các địa phương tùy tiện áp dụng. Việc ủy quyền này cũng sẽ làm giảm trách nhiệm Hội đồng thẩm định giá đất và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. UBND cấp huyện cũng không thể có đầy đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất để thành lập hội đồng như UBND cấp tỉnh được. Ngoài ra, việc ủy này dễ dẫn tới các quyết định do Hội đồng cấp huyện đưa ra thiếu khách quan, khó đảm bảo tính độc lập vì UBND cấp huyện cũng chính là cơ quan trực tiếp tổ chức thu hồi, bồi thường QSDĐ cho hộ gia đình cá nhân[5].

Thứ tư, về thành viên Hội đồng thẩm định giá đất.

Theo Khoản 4 Điều 12, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định phương án giá đất cụ thể đều gồm các thành phần: (i) đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng; (ii) đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và UBND cấp huyện; (iii) tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất; (iv) các thành viên khác do UBND cấp tỉnh quyết định[6]. Theo quy định này, phải có thành viên bắt buộc là đại diện tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất. Trên thực tế nhiều địa phương lại không có thành viên này trong hội đồng hoặc chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm... tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất tham gia Hội đồng[7]. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tính độc lập, tính khách quan, tính chuyên môn của hội đồng thẩm định giá.

Trong trường hợp UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, thành viên gồm những ai không có quy định cụ thể. Trên thực tế, trường hợp này, thành viên Hội đồng không đáp ứng quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, vì các thành viên thường là lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện. Cụ thể, thường gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch; Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng ban liên quan thuộc UBND huyện; Lãnh đạo Chi cục Thuế, Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất.

Thứ năm, về tính độc lập, tính chuyên môn và trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng thẩm định giá đất.

Các thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tại các địa phương gần như tuyệt đối là cán bộ, công chức nhà nước và là lãnh đạo các sở, phòng của UBND. Đây là những thành viên thường có quen biết từ trước, có chung lợi ích lại làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Họ cũng không phải là chuyên gia nên khó đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, tính độc lập, tính trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định dự thảo bảng giá đất, phương án giá đất cụ thể như đòi hỏi của pháp luật[8].

Điều 3 Thông tư số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT quy định Hội đồng thẩm định giá đất phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định tại văn bản thẩm định bảng giá đất, phương án giá đất. Tuy nhiên, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm bồi thường dân sự hay trách nhiệm hình sự không được quy định rõ ràng. Đặc biệt khi xác định giá đất có sự chênh lệch lớn với giá thị trường gây thiệt hại lớn tới lợi ích của cá nhân, tổ chức, lợi ích của nhà nước.

Thứ sáu, về vai trò của các tổ chức tư vấn trong hoạt động xác định giá của Hội đồng thẩm định giá đất.

Sự tham gia của tư vấn xác định giá đất là bắt buộc hay không bắt buộc? Các quy định hiện hành còn thiếu sự rõ ràng. Theo Khoản 1 Điều 115 Luật Đất đai, tổ chức tư vấn xác định giá đất được thực hiện khi xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu”. Trong khi đó Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai lại quy định: “trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể“căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Trên thực tế, kết quả định giá của tư vấn giá đất được sử dụng thường xuyên tại tòa và thường được các bên chấp nhận, vì nó phản ánh trung thực giá thị trường.

Việc giải trình kết quả điều tra giá đất thị trường và trình bày ý kiến của tổ chức tư vấn xác định giá đất trước Hội đồng thẩm định giá cũng chỉ được thực hiện khi “được yêu cầu” [9]. Ngoài ra, thủ tục thuê tư vấn xác định giá đất, thủ tục tham vấn ý kiến các tổ chức tư vấn cũng không được quy định cụ thể.

3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan về xây dựng Hội đồng xác định giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

3.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Để xác định số tiền đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nguyên tắc đầu tiên là người thực hiện dự án sẽ phải tự thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại với chủ sở hữu. Nếu không đạt được thỏa thuận, các bên có thể nộp đơn yêu cầu tới Tòa án đất đai có thẩm quyền để quyết định giá bồi thường. Số tiền bồi thường được xác định bởi 3 công ty thẩm định dựa trên giá đất riêng lẻ do chính quyền địa phương công bố và giá biến động thực tế[10].

Để giúp chính quyền xác định giá đất riêng lẻ tính tiền bồi thường, Ủy ban công khai giá bất động sản địa phương được người đứng đầu địa phương thành lập. Ủy ban có từ 10 tới 15 thành viên, trong đó bao gồm tối đa 6 công chức. Các thành viên khác được bổ nhiệm từ những người sau đây: người có kiến ​​thức sâu rộng và kinh nghiệm trong việc công bố hoặc thẩm định giá bất động sản và thông thạo hoàn cảnh của khu vực liên quan; người được giới thiệu bởi một nhóm tổ chức dân sự dịch vụ công[11].

Giá đất riêng lẻ được xác định dựa trên giá đất chuẩn do Ủy ban giá đất trung ương công bố. Ủy ban sẽ bao gồm tối đa 20 thành viên với đa số thành viên là các chuyên gia. Cụ thể: người đang hoặc đã làm phó giáo sư trở lên giảng dạy các lý thuyết về đất đai, nhà ở... tại trường đại học; người có đủ tiêu chuẩn làm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, giám định viên; người có trên 10 năm nghiên cứu hoặc kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực liên quan đến công bố giá, thẩm định giá bất động sản.

Để hỗ trợ cho Ủy ban công bố giá đất, vai trò của các doanh nghiệp thẩm định giá là rất quan trọng. Sự tham gia của các công ty thẩm định giá là bắt buộc trong hoạt động xác định giá đất. Theo quy định, khi xây dựng giá đất chuẩn, hai hoặc nhiều công ty thẩm định được Bộ trưởng lựa chọn thực hiện việc điều tra, khảo sát giá giao dịch, phí thuê chi phí ước tính cần thiết cho việc phát triển khu đất[12]. Giá đất cụ thể của từng thửa đất riêng lẻ do người đứng đầu chính quyền địa phương công bố hàng năm. Khi tính giá đất cụ thể, phải trải qua quá trình xác minh tính hợp lệ bởi một công ty thẩm định có thành tích xuất sắc.[13]

3.2. Kinh nghiệm của Đài Loan

Theo Điều 143 của Hiến pháp Đài Loan, “toàn bộ đất đai trong lãnh thổ của Cộng hòa Trung hoa (Đài Loan) thuộc về toàn dân. Quyền sở hữu tư nhân về đất đai được bảo vệ. Nhà nước chỉ thu hồi đất để xây dựng các công trình vì lợi ích công cộng và phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền Trung ương[14]. Giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, trước tiên áp dụng giá đất mua lại do người nộp đơn xin sử dụng đất thương lượng thành công với chủ sở hữu. Nếu không thỏa thuận được, nguyên tắc chung, giá trị của đất bị thu hồi sẽ được bồi thường dựa trên giá trị thị trường hiện tại. Giá thị trường do Ủy ban định giá đất xác định dựa trên kết quả khảo sát, điều tra thực tế (giá chuyển nhượng, giá đất tiêu chuẩn, giá kê khai...) của các cơ quan quản lý địa phương chuyển tới[15].

Ủy ban định giá đất là cơ quan chuyên môn do chính quyền địa phương thành lập giúp chính quyền địa phương xác định giá đất thị trường, mức độ thay đổi giá trị thị trường. Đây cũng là cơ quan tư vấn cho chính quyền khi giải quyết các khiếu nại về giá đất và số tiền bồi thường. Ủy ban định giá đất có 17 thành viên do người đứng đầu chính quyền địa phương (hoặc cấp phó) làm chủ tịch. Các thành viên khác được lựa chọn từ những người sau: đại diện của các cơ quan có liên quan và các chuyên gia, học giả trong lĩnh vực quản lý đất đai, định giá bất động sản, luật, kỹ thuật và quy hoạch đô thị; hoặc, đại diện của các nhóm dân sự có liên quan. Trong đó tối thiểu 50% tổng số thành viên của ủy ban sẽ là các chuyên gia, học giả và đại diện từ các nhóm dân sự có liên quan[16]

Theo Luật Bình đẳng quyền đất đai, Sở Định giá đất có trách nhiệm giúp chính quyền địa phương thu thập thông tin về giá đất, đề xuất giá đất và lập bản đồ giá đất để chính quyền địa phương xem xét. Kết quả khảo sát và đề xuất giá đất được trình lên Ủy ban định giá đất để hoàn thiện[17]. Bên cạnh đó, dữ liệu địa chính quốc gia được xây dựng, gồm các thông tin về giá trị đất kê khai, giá trị đất công bố; thông tin về chủ sở hữu đất, chủ sở hữu các quyền khác[18].

4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Hội đồng thẩm định giá đất

Trên cơ sở phân tích thực trạng quy định hiện hành về Hội đồng thẩm định giá và quy định của Hàn Quốc, Đài Loan, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng thẩm định giá, giúp giá đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phù hợp hơn với giá thị trường. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh chỉ cần thành lập 1 hội đồng định giá đất thay vì thành lập 2 hội đồng như quy định hiện nay. Hội đồng này vừa thẩm định bảng giá đất, vừa xác định giá đất cụ thể.

Thứ hai, xây dựng Hội đồng thẩm định giá theo hướng đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính độc lập theo như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW[19]. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đáp ứng yêu cầu sau: (i) Thành viên hội đồng bắt buộc phải có đại diện tổ chức tư vấn giá đất là các thẩm định viên, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giá đất; (ii) Số lượng thành viên độc lập (những người không nằm trong bộ máy nhà nước) là các chuyên gia, thẩm định viên, nhà khoa học phải chiếm đa số.

Thứ ba, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng UBND cấp tỉnh không được ủy quyền cho UBND cấp huyện thành lập Hội đồng xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường QSDĐ, nhằm nâng cao tính độc lập, tính hiệu quả, tính trách nhiệm trong việc định giá đất. Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất phải là Chủ tịch hoặc PChủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thứ tư, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm (trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm hình sự) của Hội đồng thẩm định giá và từng thành viên. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh cũng phải làm rõ khi giá đất trong bảng giá đất, giá đất cụ thể thấp hơn nhiều lần so với giá đất trong các giao dịch về QSDĐ dẫn tới hệ quả khiếu nại, khiếu kiện đông người do bất đồng về giá đất bồi thường hoặc dẫn tới hệ quả gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước khi sử dụng giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá trị QSDĐ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, cần có các quy định cụ thể về trình tự giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện về giá đất quy định trong bảng giá và giá đất cụ thể. Hội đồng thẩm định giá sẽ là cơ quan tư vấn cho UBND khi giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện về giá đất.

Thứ sáu, cần có các quy định cụ thể, có tình bắt buộc nhằm đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình xác định giá đất của Hội đồng thẩm định giá, cụ thể theo hướng: (i) Dự thảo bảng giá đất và phương án giá đất cụ thể khi được chuyển tới Hội đồng thẩm định giá phải dựa trên kết quả điều tra, khảo sát thực tế của các doanh nghiệp thẩm định giá; (ii) Hội đồng thẩm định giá cần phải tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp thẩm định giá khi xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất; (iii) Quy trình thuê các doanh nghiệp thẩm định giá cần được quy định cụ thể.

5. Kết luận

Hội đồng thẩm định giá đất là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể. Luật Đất đai 2013 đã có nhiều quy định về Hội đồng thẩm định giá. Tuy nhiên những quy định hiện nay còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện các quy định về Hội đồng thẩm định giá đất là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này, góp phần hoàn thiện cơ chế định giá đất của UBND cấp tỉnh, nhằm đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế, xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Xem Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 44/NĐ-CP
  2. Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 24/1/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
  3. Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 13/1/2015 và Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 17/2/2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh; Quyết định số 2525/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Bình.
  4. Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND TP Hà Nội; Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 60/2021/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
  5. Theo Điều 156 Dự thảo Luật Đất đai (lấy ý kiến lần 2), UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp huyện
  6. Theo Điều 8 Thông tư số: 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT, đại diện tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là người đủ điều kiện hành nghề và không thuộc tổ chức tư vấn xác định giá đất được thuê để xây dựng bảng giá đất. Chuyên gia về giá đất là người có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc một trong các lĩnh vực tài chính đất đai, quản lý giá, quản lý đất đai, thẩm định giá.
  7. Xem Quyết định số 2522/QĐ-UBND ngày 5/10/2016 của UBND tỉnh Bình Phước; Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 17/2/2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh; Quyết định số 2525/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 1/10/2018 của UBND tỉnh Kon Tum.
  8. Theo Điều 3 Thông tư số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT, Hội đồng phải bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định.
  9. Xem Khoản 2 Điều 10 và Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT
  10. Điều 9, Điều 68 Đạo luật về thu hồi và bồi thường đất, v.v. cho các công trình công cộng của Hàn Quốc, từ https://www.law.go.kr/
  11. Xem Điều 24, Điều 25 Luật Công khai giá bất động sản của Hàn Quốc, từ https://www.law.go.kr/
  12. Xem Điều 3 Luật Công khai giá bất động sản của Hàn Quốc
  13. Xem Điều 10 Luật Công khai giá bất động sản của Hàn Quốc
  14. Xem Điều 3, Điều 14 Luật Thu hồi đất của Đài Loan, từ https://law.moj.gov.tw/
  15. Xem Điều 11, Điều 30 Luật Thu hồi đất của Đài Loan
  16. Điều 4, Luật Bình đẳng hóa quyền đất đai của Đài Loan, từ https://law.moj.gov.tw/
  17. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, “Cơ chế Nhà nước thu hồi đất và chuyển dịch đất đai tự nguyện ở Việt Nam”, Hà Nội - 2011, tr 95
  18. Điều 12, Luật Bình đẳng hóa quyền đất đai của Đài Loan
  19. Xem Mục 2.4, phần I, Nghị quyết Số: 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Eunhye Jang (2017). Land Compensation Act in Korea. Available at: https://www.klri.re.kr/kor/publication/1747/view.do
  2. Luật Đất đai của Đài Loan. Truy cập tại: https://law.moj.gov.tw/.
  3. Ninh Thị Hiền, (2018). Pháp luật về trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Nxb Công an nhân dân, 2018.
  4. Nguyễn Đắc Văn, (2023). Một số bất cập của pháp luật về giá đất do cơ quan nhà nước xác định. Tạp chí Công Thương, số 6 - tháng 3.

IMPROVING REGULATIONS ON THE LAND PRICE EVALUATION COMMITTEE IN VIETNAM

Master. Nguyen Dac Van

Faculty of Law, Da Lat University

Abstract:

This paper is to clarify the limitations in the current regulations on the land price evaluation committee. Based on the paper’s analysis, a number of recommendations are made to improve the regulations on the land price evaluation committee.

Keywords: perfecting the law, land price evaluation committee, land price.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương