J.P Morgan: Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan có thể đạt 100.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2024

Tập đoàn tài chính J.P Morgan vừa nhận định cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan có thể đạt 100.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2024 nhờ vị thế dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng và thị trường bán lẻ.

Cổ phiếu MSN có thể tăng 26% nhờ vị thế đầu ngành

Cổ phiếu MSN Tập đoàn Masan
Theo J.P. Morgan, Tập đoàn Masan hiện đang ở vị thế dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam, chiếm đến 24% thị phần toàn quốc.

Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới J.P. Morgan (Hoa Kỳ) vừa công bố báo cáo định giá đối với cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan. Theo đó, giá mục tiêu của cổ phiếu MSN đến tháng 12/2024 là 102.000 đồng, tương ứng mức tăng giá tiềm năng là khoảng 26% so với mức giá hiện nay.

J.P. Morgan đánh giá Tập đoàn Masan là tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam với danh mục sản phẩm tiêu dùng đa dạng và mạng lưới bán lẻ hiện đại đang liên tục được mở rộng. Đồng thời, Tập đoàn Masan đang ở vị thế dẫn đầu, chiếm đến 24% thị phần thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc siêu thị mini. Ngoài ra, tập đoàn này đã cải thiện biên EBITDA lên tới 10%.

So sánh với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam được nhận định đang ở “thời điểm vàng” của sự phát triển thương mại hiện đại và có tiềm năng định giá lớn trong tương lai. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/các thị trường mới nổi. Việt Nam hiện đặt mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD vào năm 2030 và 10.000 USD vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, thông qua các hoạt động M&A và mở rộng tự nhiên, Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng theo chiến lược “Point of Life”, nhằm tối đa hóa thị phần chi tiêu của người tiêu dùng.

Do đó, J.P. Morgan nhận định, thị trường tiêu dùng Việt Nam gặp khó khăn nửa đầu năm là cơ hội mua tốt cho câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn trong nhiều năm tới của cổ phiếu MSN.

“Chúng tôi tin rằng Tập đoàn Masan đang tạo dựng hệ sinh thái tiêu dùng mạnh mẽ, giúp gia tăng thị phần khách hàng, và công ty định vị mình là một trong những đại diện xuất sắc của ngành tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi lạc quan về cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, nơi Tập đoàn Masan dẫn đầu về số lượng điểm bán và đang tiếp tục mở rộng thị phần”, báo cáo của J.P. Morgan nhấn mạnh.

Xem thêm: "Giá giảm 25% từ đỉnh, cổ phiếu GAS đã đủ hấp dẫn chưa?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Định hướng trở thành công ty tiêu dùng rõ hơn

Bên cạnh đó, J.P. Morgan còn cho biết động lực tăng giá của cổ phiếu MSN còn đến từ việc Tập đoàn Masan đang có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chiến lược khác nhau ở các giai đoạn chu kỳ kinh doanh khác nhau.

Đối với danh mục hàng tiêu dùng, tập đoàn này quản lý khả năng sinh lời tương đối ổn định bằng cách cân bằng việc cải thiện lợi nhuận ở các phân khúc trưởng thành, song song đó là đầu tư vào mở rộng danh mục và tung ra sản phẩm mới (NPD).

Giá cổ phiếu MSN Tập đoàn Masan
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Trading View)

Đối với các công ty thành viên mới thành lập như MEATLife và WinCommerce, Tập đoàn Masan ưu tiên thúc đẩy doanh thu thay vì lợi nhuận. Ví dụ, MEATLife đã giảm giá các sản phẩm thịt để tăng thị phần trong thời gian ngắn. Qua đó, hướng tới việc gia tăng doanh thu theo thời gian để thúc đẩy lợi nhuận cao hơn thông qua quy mô kinh tế (cải thiện chi phí) trong tương lai.

Ngoài ra, thông qua các thương vụ M&A trong các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến người tiêu dùng và thoái vốn khỏi mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, các dự án, tài sản liên quan đến hệ sinh thái người tiêu dùng của Tập đoàn Masan đã tăng từ khoảng 30% năm 2015 lên 44% vào năm 2022.

Xét về cơ cấu doanh thu, phân khúc kinh doanh liên quan đến người tiêu dùng đã tăng từ 43% năm 2015 lên 94% doanh thu vào năm 2022, theo J.P. Morgan.

"Theo quan điểm của chúng tôi, những nỗ lực phân bổ vốn gần đây của Tập đoàn Masan nhằm định hướng rõ ràng hơn việc trở thành một tập đoàn lấy người tiêu dùng làm trọng tâm", báo cáo của J.P. Morgan nhận định.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đạt 83.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu MSN đã giảm khoảng 13%.

Tuy nhiên, nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 5 vừa qua, cổ phiếu này đã có nhịp hồi ấn tượng, tăng 17% cho đến thời điểm hiện tại.

Duy Quang