Sẵn sàng làm bị đơn tự nguyện để thắng kiện phòng vệ thương mại

Chủ động tham gia với tư cách bị đơn tự nguyện, quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc, sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài và thành công trong việc chứng minh, cung cấp các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc thẩm tra là những nhân tố giúp doanh nghiệp xuất khẩu thắng kiện trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

phòng vệ thương mại

Đứng đầu các vụ kiện phòng vệ thương mại

Các vụ kiện phòng vệ thương mại là vmootj trong những bài toán của doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Riêng 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay), Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, mặt hàng thép xuất khẩu đứng đầu trong các vụ kiện, với  gần 70 vụ việc.

Trong đó, Mỹ là nước đứng đầu trong các vụ kiện thép xuất khẩu Việt Nam, Mê-hi-cô là nước có liền 2 vụ kiện trong 2 năm. Cụ thể, ngày 30 tháng 8 năm 2021, Bộ Kinh tế Mê-hi-cô đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ của Việt Nam. Đây là vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với hàng hóa Việt Nam tại Mê-hi-cô.

Đúng một năm sau, ngày 29/7/2022 Bộ Kinh tế Mê-hi-cô tiếp tục đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.

Đối với Mỹ, vụ kiện gần đây nhất, tháng 7 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, năm 2023 này, Thép Hòa Phát có nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực Châu Mỹ, Châu Á và châu Úc như: Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Campuchia… Nghĩa là Thép Hoà Phát không bị ảnh hưởng bởi những vụ kiện phòng vệ thương mại.

Kinh nghiệm làm bị đơn tự nguyện

Trước đây, Thép Hoà Phát đã từng là bị đơn của nhiều vụ kiện, nhưng với nỗ lực cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của các cơ quan điều tra nước ngoài, cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc để bảo về quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, Thép Hoà Phát đã chứng minh đơn vị hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không có sự hỗ trợ của nhà nước.

Cụ thể, đầu năm 2016, từ yêu cầu điều tra của OneSteel, một nhà sản xuất thép của Úc đối với thép dây cuộn nhập khẩu, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã tiến hành điều tra các đơn hàng nhập khẩu trong khoảng từ 1/4/2016 đến 31/3/2017 với thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam. Trong vụ việc này, Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động, tích cực phối hợp với phía ADC trong việc cung cấp tài liệu, làm rõ các thông tin liên quan.

Để chuẩn bị chu đáo cho cuộc họp của Hòa Phát với đoàn thẩm tra của Úc từ 9 đến 14 tháng 8 năm 2017, các cán bộ nhan viên của Hòa Phát gồm MTV Thép Hòa Phát, CP Thép và Ban Pháp chế Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã tiến hành rất nhiều cuộc họp nội bộ nhằm đáp ứng những yêu cầu của phía ADC.

Theo chia sẻ của những người tham gia cuộc họp với ADC, thời gian đầu gặp khá nhiều khó khăn, ADC tiến hành kiểm tra trên hệ thống phần mềm mọi hoạt động từ khâu tổng hợp số liệu thống kê kế toán, rồi kể cả những khó khăn bất đồng về ngôn ngữ, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả tập thể, đã rất hợp tác với ADC và thành công trong việc chứng minh, cung cấp các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc thẩm tra.

Tháng 11 năm 2017, Cơ quan điều tra Úc ra kết luận sơ bộ rằng Việt Nam không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam và đề nghị chấm dứt điều tra do mức thuế tính theo phương pháp thông thường là không đáng kể (0,7%). ADC nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn, trong đó có Hòa Phát không nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Việt Nam ….

Trên cơ sở đó, Ủy ban Chống bán phá giá Úc đề xuất chấm dứt cuộc điều tra thép dây dạng cuộn nhập khẩu do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam dưới 2% (biên độ phá giá tối thiểu) và hành vi phá giá của nhà xuất khẩu khác được xác định không gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất của Úc.

Trước đó, tháng 12 năm 2016 thép Hòa Phát cũng được Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) ra phán quyết, quyết định không áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với ống thép các-bon (mã HS 7306) của Hòa Phát sang Hoa Kỳ, trong khi hàng xuất khẩu cùng loại từ các nước UAE, Pakistan và Oman đều phải chịu thuế chống bán phá giá.

Quyết định này được các chuyên gia đánh giá là tin rất tích cực đối với công ty xuất khẩu ống thép lớn nhất Việt Nam, bởi quy định về việc đặt cọc tiền khi nhập khẩu ống thép hàn từ Hòa Phát vào Hoa Kỳ sẽ được hủy bỏ.

Kết luận cuối cùng của USITC cho biết, sản lượng ống thép hàn cacbon nhập khẩu từ Việt Nam không gây ra mối nguy hại nào đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ và theo mức độ xuất khẩu mặt hàng ống thép cacbon mấy năm gần đây, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không vượt quá ngưỡng sản lượng không đáng kể 3%, do đó, cần chấm dứt điều tra và không áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Kết quả trên là nhờ sự quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc của Hòa Phát. Công ty đã tham gia với tư cách bị đơn tự nguyện bởi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của công ty.

Năm 2018, Ống thép Hòa Phát tham gia vụ điều tra chống bán phá giá do Ca-na-đa khởi xướng đối với ống thép hàn cac-bon xuất xứ từ Việt Nam, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan điều tra của Canada (CBSA) kết luận biên độ phá giá của Ống thép Hòa Phát là 4.9%, và là một trong những doanh nghiệp đạt được biên độ thấp nhất trong cuộc điều tra.

Mới đây nhất, tháng 8 năm 2021, trong vụ việc Úc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác, Ủy ban chống bán phá giá của Úc (ADC) đã kết luận sơ bộ Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp khi xuất khẩu vào thị trường Úc.

Đây là một trong những thành tích nổi bật trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của Hòa Phát, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến khâu nộp tài liệu bảo vệ vụ việc của nhóm phụ trách trả lời phòng vệ thương mại, đồng thời có sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương và các luật sư.

Cụ thể, ADC khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam từ ngày 31/3/2020. Ngày 01/6/2021, ADC ban hành quyết định sơ bộ về vụ việc.. Kết luận của ADC nêu rõ, đối với cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), qua điều tra không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác.

ADC không nhận thấy có sự tác động của Chính phủ Việt Nam làm lệch lạc giá trị thông thường của sản phẩm. Cùng với đó, các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép Việt Nam không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại thị trường đặc biệt đối với sản phẩm thép chính xác. Cuối cùng, ADC kết luận, biên độ bán phá giá của các nhà sản xuất Việt Nam là -6.5%, biên độ trợ cấp là 0%, do đó không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Úc.

Kết quả trên phản ánh những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong đó có Hòa Phát trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan điều tra Australia, cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc để bảo về quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ động tham gia với tư cách bị đơn tự nguyện, quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc, sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài và thành công trong việc chứng minh, cung cấp các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc thẩm tra là những nhân tố giúp Hoà Phát thắng kiện trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ống thép Hòa Phát ngay cả với các thị trường đã từng khởi xướng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép xuất khẩu Việt Nam.

Hoà Vang