Sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP - kinh nghiệm từ Sở Công Thương Bắc Kạn

Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã tham luận các hoạt động hỗ trợ sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại địa phương.
sản phẩm OCOP
Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn chia sẻ các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương

Là một tỉnh ở miền núi phía Bắc, được bao quanh bởi các địa phương, Bắc Kạn có “3 không”: không có đường sắt, không có đường hàng không và cũng không có đường thủy, duy chỉ có đường bộ. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn có một số khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, từ khi có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo sát sao các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến sản xuất ra các sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chuẩn tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 184 sản phẩm OCOP từ ba sao đến năm sao. Trong đó, có 1 sản phẩm năm sao đã được xuất khẩu thường xuyên đi Cộng hòa Séc là miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP bốn sao; 165 sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích.

sản phẩm OCOP
Miến dong Tài Hoan đạt chứng nhận OCOP 5 sao

Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời mỗi năm ban hành một Kế hoạch cụ thể, chi tiết, giao cho Văn phòng Nông thôn mới trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối triển khai thực hiện. 

Đóng góp trong đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp như sử dụng những nguồn vốn phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất lao động và sản xuất được các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn. 

Đồng thời, ngành Công Thương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường tiêu thụ sản phẩm theo hai phương thức. Thứ nhất, theo phương thức truyền thống là đăng ký tham gia đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã mang sản phẩm đi giới thiệu tại các tỉnh bạn và các thành phố lớn.

sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn có mặt trên các trang thương mại điện tử

Thứ hai, theo kênh thương mại điện tử. Trong những năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ qua thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Báo cáo của các doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy, sản phẩm tiêu thụ trực tiếp giờ đã không còn đóng góp nhiều trong kết quả sản xuất kinh doanh, chủ yếu là sản phẩm bán qua thương mại điện tử. Các đơn hàng online đã đi đến mọi miền Tổ quốc, thậm chí đến tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Bắc Kạn đã đưa các đoàn đi xúc tiến thương mại tại Cần Thơ, trực tiếp chế biến món ăn từ miến dong cho người dân miền Tây. Được tận mắt chứng kiến và thưởng thức món ăn, người tiêu dùng yêu thích và tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.

Đến nay, chúng tôi đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong đó tại thành phố Bắc Kạn có 2 điểm và một số điểm khác tại các huyện. Các mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hoạt động rất hiệu quả.

Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác, chứng nhận đầy đủ. Việc trưng bày sản phẩm tại các điểm khá đều, đẹp mắt, không chỉ thích hợp để mua sử dụng hằng ngày mà còn có thể mua làm quà. Từ đó, người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm và lựa chọn các điểm giới thiệu là nơi dừng chân thường xuyên để mua sắm.

Sản phẩm OCOP
Một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh

Trong khuôn khổ Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP”, từ những tín hiệu tích cực của các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cũng đề xuất, việc kết nối sản phẩm OCOP phải đa chiều. Tại điểm bày bán sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn cũng phải có sản phẩm OCOP của tỉnh bạn và ngược lại, sản phẩm của Bắc Kạn có mặt tại các điểm bán sản phẩm OCOP của các tỉnh khác. Như vậy mới có sự giao lưu hàng hóa đa miền.

Ngọc Châm