Tập đoàn Gemadept (GMD) hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải

Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) vừa cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn đại công ty thành viên Cảng Nam Hải cho đối tác.
Tập đoàn Gemadept
Việc thoái toàn bộ vốn khỏi Cảng Nam Hải được xem là bước đi chiến lược của Tập đoàn Gemadept nhằm dồn lực cho các dự án tiềm năng hơn.

Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) vừa thông báo đã hoàn tất thoái toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải cho đối tác là Công ty Cổ phần Nhật Việt (Vietsun). Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Gemadept tại Cảng Nam Hải giảm từ 99,98% xuống 0%.

Như Tạp chí Công Thương đã thông tin trước đó, vào ngày 15/3, Tập đoàn Gemadept cho biết đã ký hợp đồng với đối tác để tiến hành việc chuyển nhượng sở hữu tại Cảng Nam Hải.

Cảng Nam Hải là đơn vị trực tiếp quản lý cảng Nam Hải với công suất thiết kế 200.000 TEUs tại Hải Phòng, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, là công ty liên kết của Tập đoàn Gemadept với tổng giá trị đầu tư gần 27,6 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn. Cảng có đầy đủ chức năng cảng, cửa khẩu quốc tế để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu  và hàng hóa nội địa; cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín gồm dịch vụ Depot, vận chuyển đa phương thức, khai thác kho bãi, dịch vụ hải quan...

Đến năm 2010, Tập đoàn Gemadept nâng sở hữu tại Cảng Nam Hải lên 99,98% và duy trì tỷ lệ này đến khi thoái vốn. Cảng Nam Hải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Hiện cả Tập đoàn Gemadept và Vietsun chưa công bố về mức giá của thương vụ trên.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept, quyết định thoái vốn khỏi Cảng Nam Hai diễn ra trong bối cảnh nhiều cảng mới với công suất lớn và nằm gần với cửa biển gia nhập thị trường, cùng với đó Cảng Nam Hải mất lợi thế đón tàu lớn sau khi Cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động, chủ yếu chuyển qua hoạt động lưu kho bãi nên không còn phù hợp với chiến lược kinh doanh của tập đoàn.

Dữ liệu cho thấy số lượng tàu có tải trọng trên 20.000 DWT đến Cảng Nam Hải sau khi cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động cho đến đầu năm 2023 đã giảm gần 40%. Mức giảm này dự kiến sẽ càng diễn ra mạnh trong thời gian tới do xu hướng sử dụng tàu lớn ngày càng nhiều hơn.

Giá cổ phiếu GMD Tập đoàn Gemadept
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept trong năm 2023. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Gemadept (GMD): Hưởng lợi lớn từ dự án nạo vét của Bộ Giao thông Vận tải" trên Tạp chỉ Công Thương tại đây.

Theo đánh giá mới đây của BSC Equity Research, thương vụ thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải có thể đem về cho Tập đoàn Gemadept khoản lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, chỉ bằng 9% thương vụ thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải Đình Vũ do vị trí của Cảng Nam Hải kém thuận lợi.

Trong khi đó, hãng chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Tập đoàn Gemadept có thể thu về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ trên.

Các tổ chức tài chính đều đánh giá việc Tập đoàn Gemadept thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải được xem là bước đi hợp lý nhằm dồn lực cho các dự án tiềm năng hơn như Giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ và mở rộng cảng nước sâu Gemalink.

Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Gemadept cũng đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cao su  ở Campuchia và các dự án bất động sản Saigon Gem, Gemadept Vientiane, với mục tiêu dồn toàn lực tập trung vào hoạt động cốt lõi. Vào ngày 14/3 vừa qua, Tập đoàn Gemadept thông báo hoàn tất giải thể chi nhánh tại Campuchia.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 17/4, thị giá cổ phiếu GMD đạt 80.500 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang