Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh số tháng 7 phục hồi mạnh, dự báo xuất khẩu nửa cuối năm tăng tốc

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vừa cho biết doanh số tháng 7/2023 đã tăng 18% so với tháng 6/2023 và kỳ vọng xuất khẩu tôm sẽ bắt đầu tăng tốc trở lại kể từ quý 3 này khi giá tôm thương phẩm đã chạm đáy.

Doanh số tháng 7/2023 hồi phục 18% so với tháng trước

Xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2023 với doanh số chung đạt 21,3 triệu USD. Theo đánh giá của doanh nghiệp xuất khẩu tôm này mức doanh số trên là giảm “khá mạnh so với cùng kỳ” (không công bố cụ thể) nhưng nếu so với tháng 6/2023 thì doanh số đã tăng 18%. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong gần 1 năm trở lại đây của doanh nghiệp này.

Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong tháng 7/2023, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.338 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 66 tấn, giảm 46% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.531 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 187 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ.

Về tình hình nuôi tôm, đại diện doanh nghiệp cho biết giữa tháng 7 vừa qua đã tiến hành thả giống xong khu mới; và đang thả giống vụ hai ở khu cũ, dự kiến sẽ hoàn tất việc thả giống vào ngày 5/8 tới đây.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh thu thuần 2.041 tỷ đồng và lãi ròng 128 tỷ đồng, lần lượt giảm 25,5% và giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra thì Thực phẩm Sao Ta mới hoàn thành 34% mục tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Kỳ vọng xuất khẩu tôm phục hồi nửa cuối năm nay

Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp cũng phản ánh các khó khăn chung mà ngành thuỷ sản Việt Nam đối mặt kể từ cuối năm ngoái đến nay khi lượng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm tăng cao, khó khăn kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên con giống và giá thức ăn chăn nuôi cao cũng tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: Thực phẩm Sao Ta: Lãi ròng giảm 21% nhưng xuất khẩu tôm đã xuất hiện “ánh sáng” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đặc biệt, tôm được đánh giá là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chịu tác động mạnh nhất từ sự suy giảm nhu cầu trên toàn cầu do tôm thường được xem là loại thực phẩm protein cao cấp và người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ khi thu nhập suy giảm.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 7 vừa qua, TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết hoạt động kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu tích cực khi sự suy giảm doanh thu so với mức nền cao của năm ngoái đang dần được thu hẹp.

Đồng thời, giá tôm thương phẩm trong nước có thể đã chạm đáy; ngoài ra, giá tôm trên thế giới cũng đã xuống thấp đến mức vượt quá sức chịu đựng của các hộ nuôi ở tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn. Đây được xem là một yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm phục hồi thời gian tới, TS.Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết dự kiến nguồn cung tôm từ Ấn Độ và Ecuador, hai đối thủ lớn nhất với tôm Việt Nam, sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm được dự báo sẽ tăng lên khi thị trường thế giới bước vào mùa lễ hội, nhất là dịp Noel và mừng năm mới cuối năm. Theo quy luật cung -  cầu, nguồn cung giảm nhưng nhu cầu tăng thì giá tôm sẽ phục hồi trở lại, TS.Hồ Quốc Lực nhận định.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu FMC đạt 48.100 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu FMC gần như đi ngang kể từ giữa tháng 7 đến nay. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 46%.

Duy Quang