Triển vọng trong việc chuyển đổi du lịch mỏ và du lịch di sản thời kỳ hậu khai thác khoáng sản ở Việt Nam

Bài nghiên cứu "Triển vọng trong việc chuyển đổi du lịch mỏ và du lịch di sản thời kỳ hậu khai thác khoáng sản ở Việt Nam" do ThS. Phạm Ngọc Tuấn (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) thực hiện.

Tóm tắt:                                  

Quá trình khai thác khoáng sản đã để lại hệ thống đường lò, các nhà giàn trên biển và các phát lộ địa chất độc đáo. Ngoài ra, do vị trí địa lý thuận lợi cùng với sự ưu đãi của tự nhiên, sự độc đáo của văn hóa đã giúp Việt Nam trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế. Từ thực tế đó đã dẫn đến ý tưởng cần phát triển phát triển hoạt động du lịch mỏ, địa chất trên cơ sở tận dụng các cơ hội và tiềm năng của ngành du lịch kết hợp với những di sản của hoạt động khai thác khoáng sản để lại. Bài báo sẽ nghiên cứu triển vọng phát triển du lịch mỏ, địa chất thời hậu khai thác khoáng sản ở một số vùng của Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra một số cơ hội và thách thức trong việc triển khai ý tưởng trên trong thực tế ở Việt Nam.

Từ khóa: du lịch di sản, du lịch mỏ, khai thác khoáng sản.

1. Đặt vấn đề

Du lịch văn hóa sẽ giúp cho du khách trải nghiệm, khám phá và thu thập thông tin mới thỏa mãn nhu cầu giải trí hoặc giáo dục. Mục đích của những người tham gia là nhằm khám phá những di sản văn hóa mới, những giá trị, ý nghĩa và những ảnh hưởng của chúng đối với xã hội. Do đó, du lịch mỏ hay du lịch di sản được coi là một nhánh của du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa bắt đầu xuất hiện trong 2 thập kỷ cuối thế kỷ XX, do sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang hậu công nghiệp gắn liền với sự chuyển đổi của nền kinh tế, sự phát triển của công nghệ mới và sự thay đổi cơ cấu việc làm. Sự biến đổi kinh tế - xã hội này đã tạo ra một phổ di sản văn hóa phong phú liên quan đến thời đại công nghiệp, bao gồm các ngành công nghiệp nặng và khai thác mỏ.  

Trong một khoảng thời gian dài, khai thác tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế, rất nhiều mỏ khai thác khoáng sản của Việt Nam đang cạn kiệt và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, thay vì phải bỏ ra một lượng chi phí rất lớn để đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường thì các doanh nghiệp này có thể phát triển theo một hướng khác thân thiện với môi trường và bền vững hơn đó là du lịch mỏ, du lịch di sản. Mục tiêu của bài báo này là thảo luận và đưa ra những đóng góp về du lịch mỏ, du lịch di sản đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thời kỳ hậu khai thác và đánh giá những cơ hội cũng như các thách thức mà những doanh nghiệp này phải đối mặt khi triển khai ý tưởng trên.

2. Tiềm năng phát triển du lịch di sản và tình hình quy hoạch các mỏ khai thác khoáng sản cho mục đích du lịch của Việt Nam

2.1. Tiềm năng phát triển du lịch di sản ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Hoạt động khai thác khoáng sản mang tính chất công nghiệp của Việt Nam bắt đầu diễn ra từ cuối thế kỷ thứ XIX. Trong khoảng thời gian hơn 1 thế kỷ khai thác với quy mô công nghiệp, các mỏ khai khoáng đã tạo ra các phổ di sản khai thác rất đa dạng và độc đáo. Những di sản khai thác này bao gồm những di sản hữu hình và vô hình, chứa đựng các giá trị về lịch sử, tôn giáo, công nghệ của các thời kỳ phát triển công nghiệp của Việt Nam. Ở một góc độ khác, hiện nay, Việt Nam đang rất quan tâm đến việc phát triển du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam đang phát triển rất nhanh và sẽ ngày càng tăng trưởng trong tương lai. Do đó, việc sử dụng những di sản khai thác vào mục đích du lịch là một hướng đi mới mẻ và triển vọng cho các doanh nghiệp thời hậu khai khoáng. Trên thực tế, hầu hết các công ty khai thác khoáng sản lớn ở Việt Nam đều có những nhà truyền thống, nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của mỏ. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và giáo dục như vậy, những nhà truyền thống này hoàn toàn có thể trở thành nơi thu hút khách du lịch.

Thực tế, ý tưởng này đã được một công ty triển khai, đó là trường hợp mỏ than Cao Sơn. Mỏ này đã hợp tác với các công ty du lịch đưa khách đến thăm quan và trải nghiệm. Hành trình tour này sẽ bắt đầu từ việc tham quan phòng truyền thống của mỏ, tìm hiểu về lịch sử ngành Than, quá trình phát triển của mỏ Cao Sơn… Sau đó, du khách được xe đặc chủng đưa lên tham quan mỏ than, trải nghiệm công việc của người thợ mỏ.

du lịch mỏ
Du lịch trên những khu mỏ bỏ không

Các khu khai thác mỏ ở Việt Nam có đặc thù rất gần những điểm du lịch truyền thống. Với vị trí như vậy, những mỏ khai khoáng này có nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Các tour du lịch sẽ kết hợp giữa du lịch truyền thống với du lịch mỏ, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn và được trải nghiệm nhiều hơn, dài ngày hơn. Có rất nhiều mỏ có tiềm năng phát triển du lịch mỏ ở Việt Nam hiện nay được phân bố từ đất liền đến ngoài khơi, kể đến như: các mỏ than tại vùng than Quảng Ninh hay những giàn khoan khai thác dầu khí xa bờ. Vùng than Quảng Ninh tập trung đông các công ty khai thác mỏ, chủ yếu là khai thác than. Những mỏ khai khoáng này nằm rất gần những địa điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Khu danh thắng Yên Tử, đảo Tuần Châu, đảo Quan Lạn… hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và trải nghiệm. Tính trong năm 2019, lượng khách du lịch hàng năm đến với Quảng Ninh khoảng trên 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,749 triệu lượt (baoquangninh, 2019). Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định ngừng tất cả các mỏ khai thác lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến các khu du lịch truyền thống. Với vị trí thuận lợi, cùng các di sản khai thác độc đáo, các mỏ khai thác lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long hoàn toàn có thể biến những khai trường khai thác thành các khu du lịch.

Những giàn khoan dầu khí hải dương của các công ty khai thác dầu khí cũng là một di sản có thể khai thác khách du lịch. Khi không còn sử dụng để khai thác dầu khí nữa, thay vì phải dỡ bỏ các giàn khoan này, các công ty khai thác dầu khí có thể chuyển hướng sang khai thác du lịch trên chính những công trình trên, bằng cách sửa chữa và thiết kế lại những giàn khoan trở thành những khách sạn với rất nhiều phòng cho du khách có thể nghỉ lại qua đêm. Du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ như câu mực hay lặn khám phá đáy biển… Ý tưởng này không còn quá mới mẻ đối với thế giới, thậm chí nó đã được triển khai ở một số nước như một giàn khoan dầu khí bỏ hoang ở bang Sabah, Malaysia đã được tái tạo thành khách sạn với đầy đủ dịch vụ (Hiephoixangdau, 2015).

2.2. Thực trạng quy hoạch mỏ khai khoáng cho mục tiêu du lịch

Việt Nam có nhiều lợi thế cũng như điều kiện để phát triển du lịch mỏ. Tuy nhiên, muốn biến những tiềm năng trở thành thực tế, chúng ta phải nhận diện các mỏ khai thác có tiềm năng sau đó tiến hành quy hoạch chúng. Về mặt vĩ mô, hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn, định hướng quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản trở thành các khu du lịch sau khai thác khoáng sản. Công việc này chủ yếu là do các doanh nghiệp khai khoáng tự thực hiện. Theo tìm hiểu chưa đầy đủ, ở Việt Nam chỉ có duy nhất mỏ than Na Dương đã được quy hoạch với mục đích phục vụ cho du lịch sau khi kết thúc hoạt động khai khoáng. Theo quy hoạch này, bên cạnh moong khai thác sẽ là một bảo tàng địa chất ngoài trời về địa tầng Miocen và các phức hệ động thực vật Miocen đã từng sinh sống tại đây. Hiện nay, Công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây, gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa thạch và các hóa thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng ngoài trời sau này.

Như vậy, sau 30 năm nữa, khi khai thác hết than và đóng cửa mỏ, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các kiểu di sản mỏ, địa chất. Du khách đến đây ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên, còn được tìm hiểu về quá trình phát triển các cấu tạo địa chất, địa tầng khu bảo tàng địa chất ngoài trời. Bên cạnh đó, mỏ Na Dương còn được quy hoạch cho mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hàng năm, mỏ này sẽ tiếp đón nhiều đoàn sinh viên các chuyên ngành mỏ, địa chất và các đoàn chuyên gia địa chất đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

Hiện nay, một số mỏ than ở Quảng Ninh chuẩn bị đưa vào diện quy hoạch cho khai thác du lịch sau khi kết thúc hoạt động khai khoáng, như: mỏ than Cao Sơn, mỏ than Hà Tu. Trong thời gian tới, các mỏ khai thác lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long cũng có thể được đưa vào quy hoạch này.

3. Những cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi các di sản khai thác khoáng sản thành các khu vực thu hút khách du lịch ở Việt Nam

3.1. Những cơ hội

- Ngành Du lịch nói chung và các bộ phận như du lịch mỏ, du lịch địa chất và du lịch di sản đã được Nhà nước chú trọng phát triển trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Du lịch phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập… Nhận thấy tầm quan trọng của ngành Du lịch, năm 2017, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 08 - NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Năm 2017, Luật Du lịch (sửa đổi) cũng đã chính thức được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời kỳ mới.

- Trong những năm qua, ngành Du lịch của Việt Nam tăng trưởng nhanh, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước nhờ những lợi thế và các chính sách khuyến khích của Nhà nước. Ngành Du lịch Việt Nam đang chuyển mình phát triển, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, thể hiện qua số lượng khách quốc tế và khách du lịch nội địa tăng mạnh. Năm 2017, khách quốc tế đạt gần 13 triệu lượt, trong 2 năm liên tục tăng trưởng hơn 25%. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã và đang ngày càng được khẳng định trên thế giới. Nhiều điểm đến của Việt Nam được bầu chọn là điểm đến yêu thích của các tạp chí danh tiếng về du lịch; nhiều địa danh được chọn để quay các cảnh đặc sắc của phim trường Hollywood. Chính sách cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam được cải thiện, như việc gia hạn quy định miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu; miễn thị thực cho thành viên tổ máy bay các hãng hàng không nước ngoài; cấp visa điện tử… góp phần gia tăng lượng khách từ các quốc gia này đến Việt Nam, tạo đà thuận lợi thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

- Quá trình khai thác khoáng sản để lại nhiều di sản độc đáo có tiềm năng du lịch. Hoạt động khai thác khoáng sản để lại các di sản mang tính chất đặc thù và cũng rất độc đáo như các đường lò, các khai trường khai thác, hệ thống máy móc thiết bị, nhà máy, các giàn khoan, các nhà truyền thống hay các phát lộ địa chất độc đáo. Đây là những công trình lưu giữ lại những giá trị lịch sử, ghi dấu lại những giai đoạn thăng trầm của ngành Khai thác khoáng sản ở các đơn vị và đất nước. Những công trình này có thể được phát triển thành các khu vui chơi, giải trí với những trò chơi mạo hiểm như lặn khám phá, leo núi… hoặc cũng có thể phát triển thành những nơi cho du khách có thể thăm quan và khám phá (một cách hạn chế) những công việc của người thợ mỏ, kết hợp với các bảo tàng, nhà truyền thống của các mỏ. Nơi lưu giữ các hiện vật của từng khu mỏ sẽ cho du khách trải nghiệm một cách đầy đủ và có hệ thống.

- Hệ thống giao thông của Việt Nam nói chung và tại các địa phương có các mỏ khai thác khoáng sản tương đối thuận lợi. Giao thông và du lịch từ lâu đã có mối quan hệ khăng khít và tác động đến nhau. Mối quan hệ đó xuất phát từ đặc điểm của 2 ngành có những điểm tương đồng. Trong những năm gần đây, với sự đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng và giao thông nên hệ thống giao thông của Việt Nam hiện nay tương đối phát triển với một mạng lưới giao thông dày đặc kết nối giữa các địa phương với nhau. Mạng lưới giao thông phát triển giúp thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian giữa các vùng miền trên cả nước. Đây sẽ là một điểm thuận lợi lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch mỏ, du lịch địa chất. Bằng cách kết hợp giữa du lịch truyền thống và du lịch mỏ, du lịch địa chất sẽ làm phong phú và đa dạng hơn về loại hình du lịch ở Việt Nam.

3.2. Những thách thức

  • Đây là loại hình du lịch mới và khó thu hút được du khách, do những định kiến trước đó. Ở Việt Nam hiện nay, loại hình du lịch mỏ là một thuật ngữ khá mới mẻ và chưa được đưa vào khai thác, mới chỉ dừng lại ở bước quy hoạch ở một số mỏ khai thác khoáng sản. Do hạn chế về kinh nghiệm trong việc quy hoạch các di sản khai thác trở thành các sản phẩm du lịch cũng như việc khai thác khi đưa vào khai thác là một lực cản khi các doanh nghiệp mỏ triển khai ý tưởng thành hiện thực. Hơn nữa, từ trước đến nay, người ta thường coi ngành mỏ là ngành nặng nhọc, nguy hiểm và không có nhiều hấp dẫn. Chính vì vậy, để thay đổi định kiến này, cần phải thời gian tương đối dài, cũng như cần phải chứng minh bằng hiện thực khi những sản phẩm du lịch mỏ ra đời có sức hấp dẫn về thẩm mỹ, giải trí, văn hóa và giáo dục.
  • Quy mô khai thác khoáng sản làm gia tăng chi phí phục hồi. Muốn khai thác du lịch được tại khu vực đã từng khai thác khoáng sản, đơn vị khai thác phải bỏ ra một lượng chi phí rất lớn. Các loại chi phí phục hồi liên quan đến các công tác phục hồi môi trường, phục chế, tôn tạo, bảo tồn những công trình khai thác, những khu vực phát lộ địa chất độc đáo và những di sản phi vật chất khác. Trong những loại chi phí kể trên, chi phí phục hồi môi trường lớn nhất. Chi phí này nhiều hay ít còn phụ thuộc vào quy mô khai thác và mức độ suy thoái môi trường gây ra bởi khu vực khai thác. Một số nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng những nơi khai thác đất, đá, quặng… muốn phục hồi môi trường như cũ phải mất tới 2 - 4 triệu USD/ha. Đây là mức chi phí rất lớn với hầu hết các doanh nghiệp khai khoáng. Cùng với thời gian và quy mô khai thác lớn đã làm cho chi phí này trở nên đắt đỏ và khó có khả năng chấp nhận đối với các đơn vị khai thác.
  • Suy thoái môi trường liên quan đến các khu khai thác khoáng sản. Hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản đều tác động tiêu cực đến môi trường. Mức độ suy thoái môi trường tùy thuộc vào công tác khắc phục và xử lý môi trường của từng mỏ. Việc môi trường bị suy thoái đã khiến mọi người luôn có định kiến đó là khu vực ô nhiễm và kém hấp dẫn.

4. Kết luận

Du lịch di sản là hướng đi mới cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam thời hậu khai thác khoáng sản, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đi đôi với bảo vệ môi trường, gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa và tinh thần của một địa phương. Việt Nam có những tiềm năng nhất định để phát triển du lịch mỏ, du lịch địa chất. Tuy nhiên, để triển khai những mỏ khai thác khoáng sản trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch, chúng ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để hướng đi này có thể khả thi và được phổ biến, nhân rộng, cần phải có sự chủ động của các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. vn. (2018). Tin tức. Truy cập tại: https://www.pvn.vn/pages/tintuc.aspx?catid=f056221e-7789-4442-97fc-e58a1993f445
  2. Phan Hằng (2019). Du lịch Quảng Ninh "về đích" các mục tiêu năm 2019. Truy cập tại: https://baoquangninh.vn/du-lich-quang-ninh-ve-dich-cac-muc-tieu-nam-2019-2465861.html
  3. Hải Đăng (2018). Chế tác than đá thành các sản phẩm lưu niệm du lịch: Không dễ như ai đó lầm tưởng. Truy cập tại: http://baovanhoa.vn/kinh-te/artmid/462/articleid/10370/che-tac-than-da-thanh-cac-san-pham-luu-niem-du-lich-khong-de-nhu-ai-do-lam-tuong
  4. org. (2015). Khám phá điểm nghỉ dưỡng được tái tạo từ giàn khoan giữa biển. Truy cập tại: http://www.hiephoixangdau.org/nd/kien-thuc-nganh/kham-pha-diem-nghi-duong-duoc-tai-tao-tu-gian-khoan-giua-bien.html

THE PROSPECT OF DEVELOPING MINING TOURISM ACTIVITIES IN VIETNAM

Pham Ngoc Tuan

Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:                                 

The mining process has developed a system of tunnels and offshore platforms, and also explored unique geological discoveries. In addition, thanks to the favorable geographical position, natural conditions, and the uniqueness of culture, Vietnam has become an attractive tourist destination for international tourists. It has led to the idea for developing mining and geological tourism activities to explore mining sites. This paper explores the prospect of mining tourism in some regions of Vietnam, and also points out some opportunities and challenges facing the development of mining tourism.

Keywords: heritage tourism, mining tourism, mineral exploitation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương