Tận dụng các kênh thương mại điện tử để "kích cầu" mua sắm

Sử dụng các kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay đã trở thành xu thế kinh doanh tất yếu, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và bền vững.

Những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Đặc biệt dưới sức ép của Covid-19 đã đưa thương mại điện tử trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh mua sắm quen thuộc, đơn vị và trở thành một xu thế tất yếu hiện nay.

Bên cạnh những sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử nói chung thì các sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đang được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá qua các kênh thương mại điện tử
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương thiết kế 2 công cụ cơ bản: “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”...

Để triển khai Chương trình này, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào việc tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, kênh thương mại điện tử cũng được lựa chọn là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững.

Các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada,… 

Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Tỉnh Bắc Giang đã ký hợp tác đưa sản phẩm vải thiều lên 6 sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá qua các kênh thương mại điện tử
Tỉnh Bắc Giang đã ký hợp tác đưa sản phẩm vải thiều lên 6 sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới

Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục kích hoạt sàn thương mại điện tử hiện có là “vaithieu.net”. Hiện nay, Bắc Giang đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở gian hàng trên sàn  Alibaba.com để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. 

Tại xã Chi Lăng (Lạng Sơn), đã có hơn 1.000 hộ gia đình, chiếm 70% số hộ dân trong xã được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.

Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, thương mại điện tử đang giúp phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và chi phí thấp hơn.

Do vậy, sử dụng kênh thương mại điện tử để thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã trở thành xu thế kinh doanh tất yếu, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và bền vững.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng thông qua các kênh thương mại điện tử dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng tỷ lệ vẫn chưa cao.

Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có thêm những quyết sách và hành động đủ mạnh để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gia tăng mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Huyền My