Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, xăng dầu nằm trong nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 17,6%).
Về công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường trong nước, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Theo đó, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong 10 tháng năm 2024 về cơ bản được đảm bảo.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc tính toán, xác định, điều hành giá tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Qua 3 lần điều chỉnh giá (ngày 2/10, 11/10 và 23/10), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tháng 10/2024 (tại kỳ điều hành ngày 23/10) được điều chỉnh so với tháng trước (tại kỳ điều hành ngày 21/9/2024) như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 22.365 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 23.513 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.489 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 22.753 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.613 đồng/kg.
Về quỹ bình ổn xăng dầu, tại kỳ điều hành ngày 23/10, không thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu diesel và dầu mazut.
Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, dự trữ lưu thông (trong quá trình thực hiện nếu có nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Công Thương để kịp thời có giải pháp xử lý); tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.