Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt 391,4 triệu USD, tăng 22% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Với tốc độ tăng trưởng 17,6% trong 4 tháng đầu năm 2023, hàng rau quả trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh đã thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc rất lớn bởi nhu cầu thị trường cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Do vậy, các doanh nghiệp hàng rau quả của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác.
Thị trường xuất khẩu hàng rau quả tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan
Ngoài thị trường Trung Quốc hàng rau quả còn xuất khẩu tới một số thị trường khác trong 4 tháng đầu năm 2023 như: Hoa Kỳ đạt 72,7 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 65,9 triệu USD, tăng 9,4%; Nhật Bản đạt 54,3 triệu USD, tăng 8,4%...
Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hà Lan đạt 45,5 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Lan được xem là “cửa ngõ” của EU khi 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này. Hà Lan còn đóng vai trò là điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng, khu công nghiệp của EU và thế giới.
Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do, theo đó, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa Việt Nam vào Hà Lan sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ.
Tuy nhiên, năm 2023, EU tập trung sửa đổi rất nhiều các quy định về hàm lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật MRL. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vào thị trường Hà Lan và EU cần thường xuyên theo dõi, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa cho phù hợp quy định.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều của Trung Quốc đạt 885,3 nghìn tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 18,9% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân 9 chủng loại quả đạt 1.329,7 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều là các loại quả mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc.