UBND tỉnh Long An mới đây đã ban hành Quyết định số 2044/KH-UBND ngày 19/7/2023 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Long An giai đoạn đến năm 2030.
Lộ trình và bước đi phù hợp
Kế hoạch xác định thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Long An theo lộ trình và bước đi phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Phấn đấu đến năm 2030, đẩy mạnh tăng trưởng ngành Công Thương của tỉnh theo chiều sâu nhằm hướng đến tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững; tiếp tục tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 của Chính phủ.
Mục tiêu cụ thể về công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững môi trường và giảm thâm dụng lao động; hình thành các khu, cụm công nghiệp chất lượng cao để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế có khả năng xuất khẩu, liên kết hình thành chuỗi phát triển công nghiệp; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng và phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện.
Tỉnh phấn đấu giai đoạn đến năm 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 46% - 48%. (3) Tỷ trọng công nghiệp năng lượng trong GRDP đạt khoảng 11%. Tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1% - 1,5%/năm.
Về thương mại, Long An tiếp tục phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ chất lượng cao hướng đến các tiện ích, hiện đại; nâng cao chất lượng hoạt động thương mại và dịch vụ giữa các đô thị và nông thôn. Phấn đấu giai đoạn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân 13% - 14%/năm; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10% - 10,5%/năm.
Phát triển công nghiệp Long An theo cả chiều rộng và chiều sâu
Kế hoạch của UBND tỉnh Long An nêu rõ, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong đó, chú trọng hướng đến phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm; hướng tới những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao; tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm công nghiệp. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp. Đặc biệt, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu; phát triển các sản phẩm mới và tăng tỷ trọng xuất khẩu; quan tâm thu hút các ngành nghề tạo sự bền vững tăng trưởng lâu dài, khuyến khích các hoạt động tái chế tại chỗ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm “Make in Viet Nam”, tạo dựng thương hiệu Việt Nam; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn (điện tử, dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, công nghệ cao...); tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tăng khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa;
Thực hiện phương án phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng gắn với các vùng động lực, trung tâm, hành lang kinh tế trọng điểm phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác tại Luật Quy hoạch, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng, địa phương về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực,..;
Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...
Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch
Tỉnh xác định phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phát triển năng lượng sạch (điện khí, năng lượng mặt trời); Khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước. Phấn đấu điện thương phẩm năm 2025 đạt 11.613 GWh và đến năm 2030 đạt 18.572 GWh.
Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng để vận hành tối ưu, đảm bảo cấp điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới theo đề án “Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”, đầu tư xây dựng các công trình cấp điện tuyến đường tuần tra biên giới.
Đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 2% - 3% vào năm 2030. d) Vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện theo Quy hoạch được duyệt. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện.
Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có quy mô lớn, lợi thế cạnh tranh
Tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao, gắn với đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 95% vào năm 2030;
Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường, đặc biệt chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử. Ưu tiên khai 8 thác và tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu của tỉnh sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do;
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tham gia từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; tham gia tăng cường quản lý nhập khẩu có hiệu quả, đảm bảo lợi ích hợp pháp và phù hợp với cam kết quốc tế;
Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các ngành hàng tiêu biểu, chủ lực của tỉnh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp sản xuất lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu; phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh khoảng 40%. Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại (hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng số) nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, góp phần giảm chi phí logistics để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng
Phát triển nhanh thị trường trong nước kết nối với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế; Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế đêm, kinh tế xanh, kinh tế số, thương mại điện tử,...
Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại gắn với hệ thống thương mại truyền thống; thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; phấn đấu đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ trên 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tỉnh.
Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ; Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu;
Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản và hàng công nghiệp tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030 thương mại điện tử đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại;
Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh
Kế hoạch xác định đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; ưu tiên công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông lâm thủy sản, điện tử, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường. Nâng tầm công tác đối ngoại kinh tế đa phương; tích cực tham gia, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế; Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội; củng cố và nâng cao vai trò kinh tế trong cộng đồng khu vực và quốc tế, không để phụ thuộc vào một số thị trường nhất định...