Người Thăng Long “Ba cải tiến”
Ngay từ năm đầu thành lập, vừa bắt đầu vào sản xuất, lãnh đạo Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã xác định, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến phải là phong trào xuyên suốt trong mọi hoạt động của Nhà máy để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, hạn chế thấp nhất phụ thuộc vào vật tư của nước ngoài.
Dây chuyền sản xuất thuốc lá nhập hoàn toàn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, mỗi khi gặp sự cố, cần thay thế thiết bị lại phải chờ đợi nguồn vật tư thay thế đặt từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Chính vì lẽ đó, Nhà máy luôn đề cao coi trọng và đẩy mạnh phong trào thi đua sáng kiến cải tiến để người lao động có thể tự thiết kế, chế tạo những vật tư thay thế hàng ngoại nhập. Vì vậy, sau 65 năm, Thuốc lá Thăng Long luôn tự hào vì có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, bảo trì, cơ điện… mạnh về mọi mặt, giỏi về kỹ năng, có thể tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt nhiều thiết bị và một số loại dây chuyền sản xuất có tính đặc thù.
Năm đầu tiên đi vào hoạt động 1957, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất do Ban Giám đốc phát động đã được người lao động hưởng ứng nhiệt tình. Đó là việc cải tiến đáng kể khâu đóng bao thủ công (cùng một lúc vừa dán bạc, nhãn, tem), giảm thao tác, tăng năng suất lao động; cải tiến lò sấy thủ công bằng lò sấy trực tiếp… mang lại lợi ích rõ rệt. Các năm sau đó, nhiều sáng kiến cải tiến được đề xuất có giá trị đã góp phần tăng năng suất từng bộ phận lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Song song với duy trì hoạt động theo công suất thiết kế, suốt thời kỳ bao cấp, Bộ phận Cơ điện đã có nhiều sáng kiến quan trọng khắc phục tình trạng khan hiếm phụ tùng, sản xuất hàng trăm chi tiết máy, tự chế tạo một số loại máy, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm và chủ động nguồn vật tư thay thế. Đặc biệt, trong những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, lực lượng công nhân vừa chiến đấu bảo vệ Nhà máy, vừa ra sức thi đua, phấn đấu đạt “Ba điểm cao” (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều). Cán bộ công nhân viên tại các phòng, ban thực hiện “Ba Cải tiến” (cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc).
Không chỉ cải tiến ở khâu sản xuất, CBCNV Nhà máy còn phát huy sáng kiến cải tiến ngay cả trong khâu thu mua nguyên liệu. Năm 1965, nhiều sáng kiến, cải tiến của các hộ nông dân trồng thuốc lá được áp dụng có hiệu quả như: Kinh nghiệm “để chồi tái sinh” trên cây thuốc lá của nông dân xã Mông Phụ (Hà Tây); kỹ thuật trồng thuốc lá “một gốc hai thân” được thực hiện thí điểm thành công tại xã Tân Yên (Hà Bắc), sau đó được áp dụng ở nhiều tỉnh. Do vậy, năng suất nguyên liệu thuốc lá tăng lên đáng kể, diện tích gieo trồng ngày càng mở rộng. Đây chính là những thành quả tích cực, góp phần đáng kể vào việc nâng cao sản lượng thuốc lá nguyên liệu, bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất của Nhà máy…
Đặc biệt, tháng 11/1984, Nhà máy đã gặp một thiên tai vô cùng lớn, toàn bộ Nhà máy bị ngập trong nước, nhiều máy móc và nguyên vật liệu bị hư hỏng nặng. Đứng trước nguy cơ mất hợp đồng do phải ngừng sản xuất, đội ngũ kỹ sư và công nhân lại một lần nữa không quản ngày đêm, lăn xả, ăn ngủ tại Nhà máy để khắc phục hậu quả. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, Nhà máy đã phục hồi và sản xuất trở lại. Giai đoạn này, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào rộng rãi, được toàn thể các kỹ sư và công nhân tham gia. Trong 5 năm (1981-1985), Nhà máy có 314 sáng kiến được áp dụng, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất.
Càng đổi mới càng nhiều sáng kiến
Những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, đội ngũ kỹ sư của Thuốc lá Thăng Long càng khẳng định bản lĩnh của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thuốc lá khi năm 1988, Nhà máy đã tự gia công chế tạo phụ tùng thay thế gồm 1.500 chủng loại và 8.244 chi tiết máy. Hiệu chỉnh được 15 máy cuốn điếu (C7 và TQ) và 4 máy đóng bao của Cộng hòa Liên bang Đức để sản xuất thuốc lá Sport và Đống Đa có kích thước 85mm.
Tính trong 5 năm (1991-1995), Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã có hàng nghìn sáng kiến, trong đó có 186 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các sáng kiến này đã làm lợi cho Nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng. Chưa kể, việc tự chế tạo, trung và đại tu thiết bị cũng giúp Nhà máy tiết kiệm được gần 26 tỷ đồng, vừa góp phần tiết kiệm ngoại tệ, mà vẫn đảm bảo cho sản xuất được liên tục.
Việc coi phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là tất yếu và là giải pháp bắt buộc để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập đã tạo cho người lao động luôn có ý thức trách nhiệm trong việc tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến khoa học - kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 4 năm từ 2006-2009, Hội đồng Sáng kiến Công ty đã duyệt công nhận 84 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, tiết kiệm cho Công ty 178 tỷ đồng. Liên tục các năm sau đó, mỗi năm đều có vài chục sáng kiến cải tiến được Hội đồng Sáng kiến Công ty công nhận và khen thưởng, với số tiền làm lợi từ vài chục triệu đến cả tỉ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Công ty có tổng số 166 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được phê duyệt, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Qua phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến, Công ty đã xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề làm hạt nhân nòng cốt cho phong trào, sẵn sàng phát huy nội lực tại Công ty mẹ và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty con trong Nhóm công ty, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả thiết bị trong toàn Công ty.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm Công ty tập trung cho Chương trình di dời sản xuất sang Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, nhóm cải tiến của Phòng Đầu tư và Phòng Kỹ thuật Cơ điện đã có đề xuất các giải pháp cải tiến kỹ thuật trong chế tạo, lắp đặt các chi tiết thiết bị, bộ phận phụ trợ nhằm vận hành tối ưu Dây chuyền chế biến sợi công suất 6 tấn/giờ. Hiệu quả, sáng kiến giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư xây lắp ban đầu khoảng 2 tỷ đồng.
Đồng thời, các giải pháp này có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo môi trường sản xuất (giảm tiếng ồn, thoát thải nhanh, không có mùi từ cống rãnh...), giữ sức khỏe và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giúp cho Công ty có một hệ thống dây chuyền hiện đại và đồng bộ hơn; tăng cao uy tín và thương hiệu của Công ty trên thương trường và trong nội bộ ngành Thuốc lá Việt Nam.