Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt đông đảo tại đây cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương cũng như tuyên truyền về thói quen tiêu dùng các mặt hàng của nước ta tại Đài Loan.
Kể từ năm 2009 đến nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn: Tỷ trọng nhóm mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu và khoáng sản thô xuất khẩu giảm dần; nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản đã dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi xuất khẩu sang Đài Loan cần chú ý hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này tuân theo Luật Ngoại thương, cụ thể là:
1. Hệ thống cấp phép nhập khẩu
Hệ thống thuế nhập khẩu của Đài Loan dựa trên hệ HS, bao gồm 10.228 mặt hàng, trong đó 9.958 mặt hàng được phép nhập khẩu (hơn 97%). Trong đó có 9.679 mặt hàng (khoảng 94%) có thể nhập khẩu không cần giấy phép. Đơn xin cấp phép của 549 mặt hàng là do Bộ Ngoại thương (BOFT) cấp. 143 mặt hàng còn lại phải có thêm một số thủ tục khác như của ngân hàng trước khi được BOFT chấp thuận.
2. Thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu được xác định căn cứ trên giá hàng. Để biết thêm chi tiết cụ thể về thuế suất có thể liên lạc trực tiếp với Cục quản lý Hải quan thuộc Bộ Tài Chính. Tuy nhiên nếu vì một lý do gì đó mà giá trị chính xác không thể xác định, giá trị bán sỉ trên thị trường nội địa tại cảng nhập khẩu sẽ được chọn làm giá tính thuế nhập khẩu. Chính phủ đã làm nhiều việc nhằm xây dựng được một biểu thuế phù hợp với những tiêu chuẩn được thiết lập bởi Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển.
3. Vấn đề tài chính trong nhập khẩu
Các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính của mình. Chính phủ chỉ hỗ trợ cho một số ít trường hợp. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Đài Loan sẽ cho vay với mức lên đến 85% giá trị hợp đồng đối với các ngành về cơ khí chính xác và sản phẩm kỹ thuật cao. Việc cho vay còn áp dụng cho các nhà nhập khẩu các nguyên liệu thiên nhiên, nguyên liệu thô, phụ tùng dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất các thiết bị chính xác và thiết bị phục vụ phát triển công nghệ.
4. Chứng từ thương mại
Các chứng từ vận tải đến và rời Đài Loan bao gồm hoá đơn thương mại, hoá đơn vận chuyển bằng đừơng thủy hoặc hàng không, phiếu đóng gói, giấy xuất xứ hàng hoá. Đối với nông sản, cây trồng, và động vật khi nhập khẩu vào Đài Loan còn phải có giấy xác nhận kiểm tra hoặc kiểm dịch. Các hoá đơn thương mại phải có giá trị hàng hoá theo giá F.O.B, C&F hoặc C.I.F, bảo hiểm, hoá đơn vận tải.
5. Hệ thống giấy phép nhập khẩu
Hàng hoá nhập khẩu được phân thành hàng được phép nhập khẩu và hàng nhập khẩu có kiểm soát. Phù hợp với chính sách tự do thương mại, có nhiều mặt hàng được xếp vào nhóm hàng được phép nhập khẩu. Hiện chỉ có 93 mặt hàng trong danh sách hàng kiểm soát nhập khẩu. Trong số 10.233 mặt hàng trong mã số hàng hoá của Đài Loan, có 9.013 thuốc nhóm hàng được phép nhập khẩu tính từ 31.12.1998. Đối với 1.210 mặt hàng cần giấy phép nhập khẩu.
Giấy phép này được cấp trong vòng 30 ngày. Hầu hết các mặt hàng được phép nhập khẩu có thể được nhận giấy phép từ các tổ chức cấp phép, chẳng hạn như các Ngân hàng, Hiệp hội Dệt Đài Loan, đây là các cơ quan có thẩm quyền thuộc Ban Ngoại thương. Đối với các mặt hàng kiểm soát nhập khẩu có thể được cấp trực tiếp từ Ban Ngoại thương. Đối với các sản phẩm đã nhận được giấy phép nhập khẩu nhưng chưa nhập khẩu được trong thời gian qui định, thì phải làm đơn xin giấy phép mới.
6. Bảo hiểm nhập khẩu
Nhiều loại bảo hiểm được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Đài Loan đưa ra nhằm bảo vệ các nhà nhập khẩu nội địa chống lại các chính sách và rủi ro trong ngoại thương, Các bảo hiểm này gồm: 33 THỊ TRƯỜNG ĐÀI LOAN - Bảo hiểm mọi rủi ro nhập khẩu D/P và D/A - Bảo hiểm toàn diện về tài chính nhập khẩu - Bảo hiểm nhập khẩu an toàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bảo hiểm L/C nhập khẩu - Bảo hiểm tín dụng nhập khẩu O/A - Bảo hiểm nhập khẩu trung và dài hạn - Bảo hiểm nhập khẩu chung - Bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài - Bảo hiểm xây dựng ở nước ngoài
7. Chọn đại lý mua hàng
Có 2 loại đại lý mua hàng ở Đài Loan. Chúng khác nhau về trách nhiệm đối với hàng hoá nhập khẩu. Điều này rất quan trọng đối với nhà xuất khẩu nước ngoài vì họ có thể biết được các điểm khác nhau giữa các đại lý và hiểu được quyền lợi của họ. Hình thức thứ nhất là Đại lý ủy thác. Đại lý dạng này hoạt động thay mặt cho người bán. Thông thường đại lý này sẽ như một nhà cung cấp, hỗ trợ trong việc đàm phán, phối hợp kiểm tra hàng hoá trước khi vận chuyển. Trong trường hợp này, nhà sản xuất là nhà xuất khẩu.
Việc chi trả thực hiện trực tiếp cho nhà sản xuất, và nhà sản xuất trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Hình thức thứ hai là có chức năng khác hơn. Sau khi nhận L/C từ nhà xuất khẩu nước ngoài, đại lý sẽ mua hàng hoá và sau đó bán lại cho người mua. Đại lý dạng này có quyền hạn và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, có vai trò giống như nhà xuất khẩu. Khi mà thủ tục khó khăn hoặc rủi ro tăng cao, đại lý sẽ định giá sản phẩm cao hơn trước khi bán cho các nhà xuất khẩu nước ngoài hoặc định lại mức hoa hồng cao hơn tương đương với trách nhiệm của họ. Trong một số trường hợp đặc biệt, đại lý đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm đạt đựơc mức thù lao hợp lý.
8. Những dịch vụ kiểm định độc lập
Ở đây đề cập đến hàng hoá cần kiểm tra trước khi nhập khẩu. Nhà đại lý địa phương của nhà xuất khẩu hoặc chính nhà xuất khẩu phải kiểm tra sản phẩm. Nếu không, cơ quan kiểm định sẽ được hợp đồng để tiến hành kiểm định hàng hoá. Các cơ quan kiểm định sẽ tính phí theo từng giờ hoặc trên mặt bằng phí thông, tùy thuộc vào giá trị lô hàng. Trong một số trường hợp, cần có những sự kiểm định đặc biệt. Việc này có thể thực hiện thông qua các cơ quan kiểm định độc lập, các trường đại học hoặc các cơ quan kiểm định của chính phủ.
[Quảng cáo]