Tập đoàn dầu khí Total của Pháp trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập thị trường nhiên liệu Ả Rập Xê Út sau khi đạt được thỏa thuận với tập đoàn năng lượng Saudi Aramco về khoản đầu tư 1 tỷ đô la trong 6 năm trong lĩnh vực phân phối xăng dầu và các dịch vụ khác tại Vương quốc này.
Theo tác giả Cyril Widdershoven của báo điện tử Oilprice, 2 gã khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng đang thành lập một liên doanh 50-50 để cung cấp nhiên liệu chất lượng cao cho thị trường Ả Rập Xê Út.
Ông Momar Nguer, Tổng giám đốc Marketing và Dịch vụ của Total, đã xác nhận thông tin trên: “Thỏa thuận liên doanh này là một phần trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi hướng đến các thị trường đang tăng trưởng nhanh. Điều này cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác Total-Aramco tại thị trường dầu mỏ Ả Rập Xê Út”.
“Liên doanh này sẽ tiếp cận thị trường theo lộ trình với mục tiêu mở rộng mạng lưới các trạm xăng dầu trong nước. Chúng tôi mong muốn sở hữu và vận hành hàng trăm trạm xăng từ đây đến năm 2021” – đại diện Saudi Aramco trả lời báo chí.
Total và Saudi Aramco vốn đã hợp tác đầu tư vào nhiều dự án ở quốc gia Trung Đông này. Cả hai là cổ đông duy nhất của nhà máy lọc dầu SATORP với công suất hiện tại đạt 440.000 thùng/ngày.
Tháng 10/2018, hai tập đoàn trên đã đạt được thỏa thuận về thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) một khu tổ hợp hóa dầu khổng lồ ở Jubail, gần nhà máy SATORP. Dự án này đòi hỏi vốn đầu tư lên đến 5 tỷ đô là và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024.
Saudi Aramco tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh dầu khí để đón đầu sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong những thập kỷ tới khi nguyên liệu chủ yếu đến từ các sản phẩm hóa chất và hóa dầu.
Tháng 11/2018, ông Amin Nasser, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Total, bày tỏ: “Saudi Aramco sẽ tận dụng tối đa thời cơ này để đầu tư 100 tỷ đô la trong 10 năm vào các sản phẩm hóa chất, chưa kể đến các thương vụ thâu tóm có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi đang phát triển mảng kinh doanh này không chỉ tại Ả Rập Xê Út mà còn tại các thị trường quốc tế đang tăng trưởng mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ với mong muốn chuyển đổi 2 triệu thùng dầu thành sản phẩm hóa dầu mỗi ngày. Chúng tôi sẽ từ từ nâng mục tiêu lên thành 3 triệu thùng/ngày”.