An toàn lao động - mối quan tâm hàng đầu của Công ty Điện lực 1

Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, qua lao động, của cải, vật chất và các giá trị tinh thần được tạo ra cho xã hội. Lao động cũng là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân trong xã hội.

Lao động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng hiện nay, đặc biệt ở các chi nhánh, các đơn vị sửa chữa và xây lắp điện có thể gọi là lao động kỹ thuật cao, là nghề nguy hiểm. Do đó, công tác quản lý kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động được đặc biệt coi trọng ở các doanh nghiệp sử dụng kỹ thuật, mà đặc biệt ở Công ty Điện lực 1.

Thống kê số tai nạn lao động (TNLĐ) trong sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2002, so với năm 2001 tăng 3 vụ  (7/4), số vụ TNLĐ tăng 2 vụ (4/2), nhưng số vụ tai nạn chết người giảm được 50% (1/2).

Các vụ tai nạn xảy ra cho thấy, người bị tai nạn phần nhiều đều vi phạm các quy định về an toàn, chủ quan trong công việc, chưa đề cao tự bảo vệ tính mạng của chính mình. Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của đơn vị quản lý lao động: Trong quá trình làm việc, nhóm công tác vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn và các quy định của Công ty, phân công công việc và phương án thi công, biện pháp an toàn trong thi công không rõ ràng, chế độ giám sát không cụ thể…

Qua điều tra cho thấy, các vụ tai nạn xảy ra đều không có người giám sát,  không làm nhiệm vụ giám sát mà lại mải mê thực hiện công việc khác. Vai trò giám sát của an toàn vệ sinh viên, đốc công, cán bộ an toàn ở một số đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình, xử lý các vi phạm thiếu kiên quyết. Các hình thức kỷ luật chưa đủ mạnh để CBCNV rút kinh nghiệm một các nghiêm túc.

Bộ luật Lao động quy định quyền, nghĩa vụ của người lao động và sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với ngành Điện, việc đảm bảo an toàn cho người lao động trong khi làm việc là quy định bắt buộc đối với các đơn vị, cũng như đối với mỗi cán bộ, công nhân viên. Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo vận hành an toàn và phòng tránh TNLĐ trong sản xuất kinh doanh điện, Công ty đã chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời, triển khai cấp phát trang phục BHLĐ mới cho CBCNV theo quy định (màu da cam thay cho màu xanh công nhân trước đây). Tại trụ sở làm việc, phải có phòng thay quần áo, hàng ngày vào đầu giờ làm việc, dành 10 phút cho công nhân thay đồng phục, trưởng đơn vị thực hiện kiểm tra trang phục BHLĐ và trang bị an toàn cho công nhân. Trang bị, trang phục BHLĐ chỉ được sử dụng khi được giao nhiệm vụ.

Thực hiện tổ chức huấn luyện trèo cao cho công nhân, đặt các tình huống trèo vượt chướng ngại vật với cột có chiều cao phù hợp với các tuyến đường dây mà Điện lực đang quản lý, hoặc đang được xây lắp. Những trường hợp sát hạch không đạt yêu cầu và không đủ sức khoẻ thì tuyệt đối không được làm việc trên cao. Thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ và phân loại sức khoẻ, kể cả mới tuyển dụng (thông qua hợp đồng với cơ quan y tế có thẩm quyền) để bố trí công việc cho phù hợp.

Thành lập Hội đồng kiểm tra quy trình quy phạm định kỳ cho cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân theo đúng quy định. Nội dung kiểm tra phù hợp với nhiệm vụ mà người đó đang làm. Khi nâng bậc cho công nhân, phải đưa quy trình kỹ thuật an toàn tương ứng với trình độ bậc thợ, đây là nội dung bắt buộc khi thi nâng bậc thợ.

Cùng với các biện pháp này, lãnh đạo các đơn vị chủ động tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất các vị trí công tác, chi nhánh điện, các trạm biến áp… Mọi vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra đều được lập biên bản và xử lý nghiêm túc theo mức độ vi phạm, kể cả giám đốc đơn vị.

Đến nay, trong toàn Công ty đã tạo được mối quan tâm thiết thực về công tác an toàn, phấn đấu giảm thiểu số vụ TNLĐ và đảm bảo vận hành an toàn trong sản xuất kinh doanh. Nhận thức về công tác an toàn lao động từ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động đã thực sự trở thành nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác sản xuất kinh doanh ở mỗi đơn vị. Số lần kiểm tra hiện trường tăng đáng kể, chất lượng kiểm tra được nâng lên rõ rệt và có tác dụng thiết thực, các vi phạm phát hiện trong kiểm tra đã được thông báo toàn Công ty để rút kinh nghiệm. Đối với những đơn vị để xảy ra tai nạn và sự cố chủ quan, đã được kiểm điểm nghiêm túc để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, các cá nhân có trách nhiệm liên đới đều bị xử lý kỷ luật. Kết quả, số vụ TNLĐ năm 2001 có 4 vụ, trong đó có 2 vụ TNLĐ chết người, năm 2002 có 7 vụ, trong đó có 1 vụ TNLĐ chết người. Quý I/2003, có 3 vụ, trong đó có 1 vụ TNLĐ làm chết Trưởng trạm 110 kV. Tuy không phải là sự cố chủ quan, nhưng cho thấy công tác giáo dục an toàn, công tác kiểm tra cần phải thực hiện liên tục và xử lý các vi phạm cần phải kiên quyết hơn nữa. Để mỗi người thực hiện tốt hơn công tác này, chỉ trong quý I/2003, Công ty đã cách chức 1 Trưởng chi nhánh điện, 1 đội trưởng đội xây lắp - cơ khí, chuyển làm lao động phổ thông, hạ bậc lương, khiển trách bằng văn bản đối với 10 CBCNV có liên quan.

Vấn đề an toàn cho người lao động không chỉ là mối quan tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo, những người sử dụng lao động, mà còn phải là mối quan tâm sâu sắc của chính người lao động, chỉ có thế mới mong không còn TNLĐ đáng tiếc xảy ra.

  • Tags: