Ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội quá mức đến hiệu suất công việc của người lao động tại UBND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

TS. CAO MINH TRÍ (Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - NGUYỄN HUỲNH ANH THƯ (Học viên MBA, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết xác định ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội quá mức đến hiệu suất công việc của người lao động tại UBND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy: Sử dụng quá mức nhu cầu xã hội; Sử dụng quá mức nhu cầu thụ hưởng trong công việc và xung đột công nghệ - công việc có mối quan hệ tích cực với căng thẳng. Tuy nhiên, Sử dụng quá mức nhu cầu nhận thức lại không có mối quan hệ với sự căng thẳng trong công việc. Cuối cùng, sự căng thẳng tại nơi làm việc có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả công việc.

Từ khóa: Truyền thông xã hội, sử dụng quá mức, xung đột công nghệ - công việc, căng thẳng, hiệu suất công việc.

1. Đặt vấn đề

Phương tiện truyền thông xã hội (TTXH) đã mang lại nhiều thực tiễn mới trong quản lý cho các tổ chức, từ việc tạo ra các mô hình kinh doanh sáng tạo đến chuyển đổi giao tiếp, hợp tác và chia sẻ kiến thức. Trong môi trường làm việc, nhiều nghiên cứu cho thấy, các ứng dụng TTXH có thể nâng cao hiệu suất và năng suất làm việc của từng cá nhân [1-3, 11-12]. Các nghiên cứu trước đây cho rằng, nếu phương tiện TTXH được sử dụng hợp lý trong công việc, thì kết quả sẽ rất khả quan.

Tuy nhiên, theo Kaplan& Haenlein (2012), việc sử dụng công nghệ có thể có những hậu quả tiêu cực khi vượt quá mức sử dụng [9]. Sự thâm nhập của điện thoại thông minh và phương tiện TTXH di động đã cho phép người dùng kết nối với người khác bất kể vị trí và thời gian, tạo ra ranh giới mờ giữa công việc và cuộc sống. Khi các mối quan hệ xã hội tham gia hoạt động trên phương tiện truyền thông, mọi người có xu hướng sử dụng quá mức, có thể thay đổi cách làm việc truyền thống của họ. Chẳng hạn, quá nhiều giao tiếp qua phương tiện TTXH có thể gây ra tình trạng quá tải và mất tập trung thông tin, gây nhầm lẫn sự tập trung của nhân viên và cản trở khả năng đưa ra quyết định.

Ngày nay, không chỉ doanh nghiệp tư nhân mới tìm cách làm hài lòng khách hàng, mà khu vực công cũng đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Tuy nhiên, thời gian qua, theo những ý kiến phản hồi về sự hài lòng từ dịch vụ công trực tuyến tại UBND Bình Thạnh đã xảy ra nhiều trường hợp người dân phàn nàn về vấn đề chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, trả kết quả, thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ và nhiều trường hợp bị trễ hẹn. Mặc dù chưa có những khảo sát, đánh giá chính thức nhưng có thể nhận thấy mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính hiện nay chưa cao, đặc biệt tại quận Bình Thạnh. Vấn đề khiến hiệu suất làm việc của một số nhân viên tại UBND cấp quận sụt giảm có thể đến từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Một trong những lý do là bởi sự lơ là trong lúc làm việc của nhân viên, họ sử dụng các phương tiện truyền thông khác như đọc báo, lướt web,… dẫn đến không đạt được hiệu suất làm việc, phục vụ nhân dân chậm chạp. Trên thực tế, việc sử dụng phương tiện TTXH có vấn đề và không hợp lý đã trở nên phổ biến trong một tỷ lệ lớn người dùng, điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với các cá nhân và tổ chức [13].

Mặt khác, hiện có rất ít nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của người lao động nơi làm việc. Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện TTXH quá mức đến hiệu suất công việc của người lao động tại UBND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh” là cần thiết nhằm đề xuất những chính sách cho các nhà quản lý nhân sự trong việc hạn chế sử dụng công cụ TTXH hoặc đưa ra cách quản lý, tiêu chí sử dụng như thế nào để giảm căng thẳng và nâng cao hiệu suất làm việc của người lao động.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đề xuất được xây dựng dựa trên mô hình của Cao, L. Yu (2019); Ali-Hassan và cộng sự (2015) [5, 14], gồm 5 nhân tố độc lập tác động đến hiệu suất làm việc của người lao động: Sử dụng quá mức nhu cầu xã hội; Sử dụng quá mức nhu cầu thụ hưởng; Sử dụng quá mức nhu cầu nhận thức; Xung đột công việc - công nghệ; Sự căng thẳng. Tất cả được đo lường bởi 23 biến quan sát. Các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

- H1: Sử dụng quá mức (từ 2 - 4 giờ) nhu cầu xã hội của phương tiện TTXH tại nơi làm việc có mối quan hệ cùng chiều với căng thẳng.

- H2: Sử dụng quá mức (từ 2 - 4 giờ) nhu cầu thụ hưởng của phương tiện TTXH tại nơi làm việc có mối quan hệ cùng chiều với căng thẳng.

- H3: Sử dụng quá mức (từ 2 - 4 giờ) nhu cầu nhận thức của phương tiện TTXH tại nơi làm việc có mối quan hệ cùng chiều với căng thẳng.

- H4: Xung đột công nghệ - công việc tại nơi làm việc có mối quan hệ cùng chiều với căng thẳng.

- H5: Sự căng thẳng tại nơi làm việc có mối quan hệ cùng chiều với hiệu suất công việc.

Quy trình nghiên cứu được thực hiện thông qua nghiên cứu định tính lần 1 và lần 2, nghiên cứu định lượng. Cụ thể:

Nghiên cứu định tính lần 1: Thảo luận nhóm với 2 chuyên gia và 10 người lao động, từ đó hiệu chỉnh, thống nhất các yếu tố trong mô hình nghiên cứu, sửa lại các lỗi chính tả, câu từ và làm thang đo rõ nghĩa hơn.

Nghiên cứu định lượng: Sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất thuận tiện và thực hiện khảo sát 400 người lao động tại UBND quận Bình Thạnh. Sau khi thu hồi các phiếu khảo sát và tiến hành loại bỏ 72 phiếu không đạt yêu cầu, nghiên cứu tiến hành phân tích định lượng bằng phần mềm SPSS và Amos với kích thước mẫu nghiên cứu là 328.

Nghiên cứu định tính lần 2: Thảo luận với 2 chuyên gia tham gia nghiên cứu định tính lần 1 về kết quả nghiên cứu.

Mô hình nghiên cứu chính thức:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha cho thấy, các tương quan biến tổng đều > 0,3 nên không loại quan sát nào ra khỏi các thang đo, hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo lường đều đảm bảo > 0,7. Do vậy, kết luận thang đo lường các khái niệm trong nghiên cứu đảm bảo được độ tin cậy tốt để thực hiện các phân tích tiếp theo.

Phân tích EFA cho thấy, không có quan sát nào bị loại ra khỏi thang đo lường các khái niệm nghiên cứu, các quan sát đều nhóm lại theo từng nhân tố rõ ràng như kỳ vọng, hệ số tải nhân tố tốt (³ 0.5). Hệ số KMO của kiểm định Bartlett là 0.845 ³ 0.5, với mức ý nghĩa 0.00; giá trị Eigenvalue là 1.615 ³ 1; tổng phương sai trích TVE là 55.15 ³ 50%. Như vậy, quá trình phân tích EFA cho kết quả tốt giúp nghiên cứu đưa ra được kết luận có tất cả 23 biến quan sát đo lường cho 6 khái niệm nghiên cứu trong mô hình lý thuyết. Đồng thời, dữ liệu nghiên cứu phù hợp tốt để tiến hành các phân tích tiếp theo [7].

Thông qua kết quả của việc phân tích CFA, hệ số Chi-square/df = 1.16 ≤ 5 [6], với mức ý nghĩa 0.054 > 5% nhưng vẫn < 10%; RMSEA = 0.022 ≤ 0.08; GFI = 0.938 ³ 0.9; CFI = 0.987 ³ 0.9; TLI = 0.985 ³ 0.9. Với kết quả này, nghiên cứu kết luận được thang đo đảm bảo tính phân biệt, tính hội tụ, tính đơn hướng, phù hợp tốt với dữ liệu nghiên cứu. Ngoài ra, độ tin cậy tổng hợp phải ³ 0,7 và phương sai trích ³ 0,5 của từng thang đo được tính toán đều đạt yêu cầu [4, 8].

Bảng 1. Kết quả tính toán độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích

độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích

Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) cho thấy, các chỉ số Chi-square/df = 1.830 ³ 5; P-value = 0.00 ≤ 0.05; RMSEA = 0.05 ≤ 0.08; GFI = 0.892 ³ 0.8; CFI = 0.932 ³ 0.9; TLI = 0.923 ³ 0.9. Với kết quả như vậy cho phép nghiên cứu khẳng định mô hình lý thuyết phù hợp tốt với dữ liệu nghiên cứu.

Bảng 2. Kết quả phân tích SEM

Kết quả phân tích SEM

Ghi chú: S.E. là sai lệch chuẩn; C.R. là giá trị tới hạn; P-value là mức ý nghĩa (*** thể hiện mức ý nghĩa < 1%).

Hình 2: Kết quả phân tích SEM

Kết quả phân tích SEM

Nguồn: Phân tích số liệu

Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính cho thấy, hầu hết các mối tương quan trong mô hình đều có trọng số quan hệ tuyến tính cao và có độ tin cậy trên 95%. Duy nhất mối quan hệ giữa ECU và STR là có hệ số tương quan tuyến tính rất thấp, không đạt độ tin cậy 95%.

Theo Bảng 3, giả thuyết H3 là không được ủng hộ, các giả thuyết còn lại đều được ủng hộ tích cực.

Bảng 3. Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Ghi chú: *** đạt mức ý nghĩa < 1%

4. Kết luận và hàm ý quản trị

4.1. Kết luận

Các yếu tố nào, ở mức độ nào của phương tiện TTXH tác động đến hiệu suất công việc của người lao động tại UBND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh tùy thuộc vào cách sử dụng công nghệ của mỗi người. Ban đầu mô hình nghiên cứu chính thức gồm 4 yếu tố tác động đến sự căng thẳng và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của người lao động. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra có 3 yếu tố làm ảnh hưởng đến sự căng thẳng tại nơi làm việc lần lượt là: Sử dụng quá mức nhu cầu xã hội của phương tiện TTXH tại nơi làm việc (β = 0.215), Sử dụng quá mức nhu cầu thụ hưởng (β = 0.190), và Xung đột công nghệ - công việc tại nơi làm việc (β = 0.164). Sự căng thẳng tại nơi làm việc có mối quan hệ ngược chiều với hiệu suất công việc β = -0.306 và yếu tố sử dụng quá mức nhu cầu nhận thức của phương tiện TTXH tại nơi làm việc là không được ủng hộ với mức β = 0.083.

4.2. Hàm ý quản trị

Nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị như sau:

Đầu tiên, quản lý cấp cao nên phát triển các chính sách, quy trình, quy tắc và quy định về việc sử dụng phương tiện TTXH và khuyến khích các cán bộ sử dụng cho mục đích công việc tại nơi làm việc để đạt được lợi ích tối đa thay vì sử dụng cho nhu cầu cá nhân.

Thứ hai, nhà quản lý cần tập trung để tìm hiểu cách tích hợp các công nghệ quản lý từ xa với hệ thống làm việc trên máy tính cá nhân của từng nhân viên, từng đội nhóm để vừa quản lý vừa hỗ trợ khả năng làm việc của họ. Song song với đó, các nhà quản lý cần theo dõi và đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên của người lao động nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp sử dụng phương tiện truyền thông quá mức, vượt qua mục đích của công việc.

Thứ ba, nhà quản lý cần trao đổi, chấn chỉnh những nhân viên nào dành nhiều thời gian sử dụng phương tiện TTXH, làm cho họ hiểu và nhận thức được hậu quả tiêu cực của nó. Họ cần phải nhận ra rằng, họ có thể chủ động quản lý hành vi của mình để tránh kết quả tiêu cực tiềm ẩn. Hơn nữa, nếu người lao động làm việc ở vị trí cần giao tiếp mà buộc phải sử dụng phương tiện TTXH rộng rãi để hoàn thành các nhiệm vụ công việc, họ có thể chọn các phương pháp khác nhau để thay thế cho sự phụ thuộc quá mức của mình vào một phương tiện TTXH cụ thể. Tổ chức nên lưu ý việc sử dụng như vậy của người lao động trong giờ làm việc cũng dẫn đến hậu quả bất lợi.

Thứ tư, theo Kwahk & Park (2016): Việc sử dụng phương tiện TTXH giúp các nhân viên chia sẻ kiến thức, trao đổi công việc đã giúp nâng cao hiệu suất công việc [10]. Do đó, trong thời đại công nghệ 4.0, tổ chức không thể đơn giản cấm hẳn việc sử dụng phương tiện xã hội của người lao động trong công việc, nhưng tổ chức có thể phát triển các chính sách để điều chỉnh hành vi sử dụng của họ. Ban quản lý nên tạo ra một cấu trúc để phương tiện TTXH cũng có thể là một phần của quy trình kinh doanh và giúp tăng hiệu suất công việc của nhân viên.

Ban quản lý cũng nên tập trung để tìm hiểu cách tích hợp những công nghệ này với các hệ thống hiện có để hỗ trợ năng lực cho nhân viên làm việc liên quan đến vấn đề cần sáng tạo. Cung cấp các hướng dẫn để giáo dục nhân viên về cách thức, thời điểm và phương tiện TTXH nào nên được sử dụng và nên tránh. Hoặc các cấp quản lý có thể lập đội nhóm làm việc trên phương tiện TTXH như zalo, skype,... để có thể họp hoặc trao đổi thông tin mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi tan giờ làm. Sau đó, đặt ra những hạn mức, mục tiêu công việc, đưa ra những hình phạt hoặc những phần thưởng hợp lý cho những cá nhân có đóng góp tích cực trong công việc để các đội, nhóm phấn đấu đạt được mục tiêu. Các chính sách này ủng hộ việc sử dụng phương tiện TTXH có trách nhiệm của người lao động và giúp giảm thiểu hậu quả tiêu cực cho họ và tổ chức, từ đó nâng cao năng suất làm việc và giảm những căng thẳng không đáng có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alalwan, A. A., Rana, N. P., Dwivedi, Y. K., & Algharabat, R. (2017). Social media in marketing: A review and analysis of the existing literature. Telematics and Informatics, 34(7), 1177-1190.
  2. Cao, X., & Ali, A. (2018). Enhancing team creative performance through social media and transactive memory system. International Journal of Information Management, 39, 69-79.
  3. Dwivedi, Y. K., Kapoor, K. K., & Chen, H. (2015). Social media marketing and advertising. The Marketing Review, 15(3), 289-309.
  4. Fornell, C., & Larcker, D. F. (1981). Structural equation models with unobservable variables and measurement error: Algebra and statistics. Journal of Marketing Research, 18(3), 382-388.
  5. H. Ali-Hassan, D. Nevo & M. Wade (2015). Linking dimensions of social media use to job performance: The role of social capital. Journal of Strategic Information Systems, 24(2), 65-89.
  6. Hair, J. F. (2010). Multivariate data analysis (7th ed.), UK: Pearson.
  7. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức.
  8. Jưreskog, K. G. (1971). Statistical analysis of sets of congeneric tests. Psychometrika, 36(2), 109-133.
  9. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2012). Social media: back to the roots and back to the future. Journal of Systems and Information Technology, 14(2), 101-104.
  10. Kwahk, K.Y. & Park, D.H. (2016). The effects of network sharing on knowledge-sharing activities and job performance in enterprise social media environments. Computers in Human Behavior, 55, 826-839.
  11. Landers, R. N., & Schmidt, G. B. (2016). Social media in employee selection and recruitment: Theory, practice, and current challenges. USA: Springer Nature.
  12. Moqbel, M., Nevo, S., & Kock, N. (2013). Organizational members’ use of social networking sites and job performance: An exploratory study. Information Technology & People, 26(3), 240-264.
  13. Wang, C., Lee, M. K., & Hua, Z. (2015). A theory of social media dependence: Evidence from microblog users. Decision Support Systems, 69, 40-49.
  14. Cao, L. Yu. (2019). Exploring the inflfluence of excessive social media use at work: A threedimension usage perspective. International Journal of Information Management, 46, 83-92.

IMPACTS OF THE EXCESSIVE

USE OF SOCIAL MEDIA ON THE JOB PERFORMANCE

OF STAFF WORKING FOR THE PEOPLE'S COMMITTEE

OF BINH THANH DISTRICT, HO CHI MINH CITY

• PhD. CAO MINH TRI

Head of International Business Department,

Ho Chi Minh City Open University

• Master’s student NGUYEN HUYNH ANH THU

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study is to determine the impacts of the excessive use of social media on the job performance of staff working for the People's Committee of Binh Thanh District, Ho Chi Minh City. This study’s findings reveal that the excessive use of social media, the excessive use of hedonic needs at work and the technology-work conflict have positive correlations with the job stress. However, the overuse of cognitive needs does not have a correlation with the job stress. Finally, this study’s findings indicate that the job stress has a negative correlation with the job performance.

Keywords: Social media, excessive use, technology-work conflict, strain, job performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]