Tối bố con gọi điện báo mà con phải hỏi lại đến 3 lần. Thực ra là con nghe rõ nhưng cố hỏi lại để mong rằng không phải thế.
Cả đời bác đã khổ. Lúc đi cũng khổ. Bác đi âm thầm không chào ai, không nói với ai lời nào. Lúc còn sống bác chỉ nghĩ cho người khác mà quên mất mình. Lúc chết cũng thế. Bác đi vội cứ như thể không muốn phiền luỵ gì đến con cháu, họ hàng.
Con nhớ cái hồi con bé tí. Học dưới Hà Nội mà cứ nhăm nhăm mong đến hè để về quê với ông bà ngoại, về với bác, với các cậu, các dì, với đám anh em toàn sàn sàn tuổi con.
Con sống từ bé ở phố, nhưng tâm hồn đượm chất quê nhờ có bác.
Bác kéo lũ chúng con đi tát nước. Hai thằng choai choai bên này mà thua sức bác. Lúc bọn con phồng tay, nản chí, bác lại hô: Thôi ủng hộ đồng bào Cu Ba thêm 50 gầu nữa. Rồi nhân chuyện Cu Ba để kể chuyện vì sao gọi là Cu Ba. Mệt nhưng nót bụng kéo vì được bác kể chuyện cười.
Rồi bác lôi một thằng trẻ con thành phố "trắng nhễ trắng nhại" như con đi khắp các cánh đồng. Mùa gặt đi bê lúa, bắt châu chấu, mùa hoa màu đi đào khoai, dỡ sắn, hun chuột. Tuổi thơ con hẳn là sẽ nhạt nhẽo lắm nếu không có bác.
Con vẫn nhớ như in những lần theo bác đi kéo cá. Có hôm trời đổ mưa rào hai bác con ướt lút thút. Bác bảo, trai phố phải dầm tí mưa vào cho nó dạn dày. Có buổi bác ní nót kéo được con to tướng hất chũm lên bờ sai con ra "ôm" bỏ vào giỏ. Con ra tí toáy thế nào để nó rơi tõm xuống sông. Sợ xanh mặt. Bác chỉ cười, thôi không sao, cái số con cá này không phải vào nồi.
Bác mê kéo cá, bắt cá. Kéo về ăn không hết bà ngoại phơi đầy sân. Bà ngoại bảo, bác mày bị con ma cá nó làm. Giữa trưa, nửa đêm nửa hôm cứ lọ mọ đi kiếm con tôm, con tép. Về con nào ngon nhất thì nhặt đem biếu ông chú, cho thằng em.
Trước bác làm ở Đoàn văn công nên khéo đủ thứ. Cắt, vẽ cứ gọi là đẹp nhất xã. Đám cưới đám xin toàn đi cắt chữ cho người ta. Về xã nghỉ mất sức mà làm chả hết việc, phụ trách đài phát thanh, thuyết minh chiếu bóng, dẫn chương trình hội nghị... đủ cả. Cụ Từ ở xóm dưới bảo, chả phải điêu chứ trưa nào mà không thấy chú Chính chú ý đọc thông báo là ăn cơm mất cả ngon. Vì người khác đọc nghe chối cả tai. Vác ghế đẩu ra sân vận động xem chiếu bóng mà ông Chính không thuyết minh là người ta bỏ về.
Bác làm văn hoá văn nghệ nên vừa tình cảm vừa hài hước. Trưa về ngoại toàn không ngủ để nghe bác làm thơ, thơ cây ổi, thơ con gà, thơ sông Tích, thơ núi Ba Vì.
Lại có hôm bà ngoại đang sàng gạo, bác ra đảo lúa phơi ngoài sân, lúc vào mặt rất nghiêm trọng: Gay quá bà ạ, trời nắng quá lúa nó nổ thành bỏng hết rồi. Bà chả tin, nhưng thằng cu con là con đây được phen phi ra sân rồi chưng hửng.
Có hôm ra xã bật đài, bà hàng xóm hỏi đi đâu, bác nói ra tận ngoài thị xã xin cái giấy. Bà hỏi xin giấy gì mà ra tận thị xã. Bác bảo, con đi xin cái giấy phép về để tắm cái, hai hôm nay không tắm rồi. Có hôm sang bên ông trẻ Hảo, bác nói như lúc dự Hội nghị: Ông ơi, con vừa họp ngoài uỷ ban, trên Trung ương bảo Tết này hoãn lại độ chục ngày vì sợ giời nóng quá, bánh chưng cả thịt thiu hết. Tí con ra xã thông báo lên loa. Chuyện vô lý nhưng làm ông cụ tin sái cổ.
Bác hay đùa nhưng cấm có ai giận được bác, vì bác đùa có chừng mực và không làm ảnh hưởng đến ai.
Sau này lớn chút. Bạn bè con từ cấp 3, lên Đại học, rồi anh em đi làm cùng... rất nhiều người con đưa về quê ngoại. Ai cũng nhớ Sơn Tây, và nhắc đến bác Chính thì ai cũng nhớ. Bác quý người đến độ người nào không quen thì cảm thấy hơi phiền một chút. Ngủ là xông vào dọn giường, mắc màn. Ăn là gắp miếng ngon. Vừa ăn trưa xong, ngồi uống nước nói chuyện độ tiếng đồng hồ rồi xin phép về là y như rằng bác bảo phải nghỉ ngơi đã, để ta đi bắt con gà, chiều ăn cơm sớm xong mới được về...
Giờ thì chả được thế nữa rồi.
Bác mất. Con buồn quá, bác ơi!