Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quyết định số 1886/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 72 cá nhân thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Bắc Ninh vinh dự có 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” hoạt động trong các lĩnh vực phù điêu, chế tác tranh tre, chạm khắc đồ gỗ, đồ đồng…
Trong 11 nghệ nhân ưu tú được phong tặng đợt này, nghề tranh dân gian Đông Hồ của huyện Thuận Thành có 3 nghệ nhân là ông Nguyễn Đăng Chế, bà Nguyễn Thị Oanh ông Nguyễn Hữu Quả. Huyện Tiên Du có 2 nghệ nhân nhận được danh hiệu là ông Đặng Đình Duy, với nghề nề (nghõa); ông Nguyễn Đình Vinh, với nghề khảm trai. Huyện Gia Bình cũng có 2 nghệ nhân được phong tặng là ông Nguyễn Tấn Đích, với nghề đúc đồng thủ công mỹ nghệ; ông Nguyễn Văn Kỷ, với nghề mỹ nghệ tre hun khói.
Ông Nguyễn Trần Hiệp, ông Dương Thế Tỵ đều thuộc thị xã Từ Sơn được phong tặng với các nghề điêu khắc gỗ và nghề gỗ mỹ nghệ; ông Nguyễn Văn Hùng (thành phố Bắc Ninh) ông Nguyễn Lương Thành (huyện Yên Phong) được phong tặng với các nghề tranh ghép gỗ và nghề phục chế và chế tác đồ thờ.
Những cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đều có kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy nghề và có nhiều cống hiến trong gìn giữ, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương.
Như Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh, từ bé ông đã gắn liền với bức tranh gà - lợn... Không chỉ sáng tạo khuôn tranh mới, ông còn tìm mua lại các khuôn tranh cổ từ các gia đình người làng Đông Hồ không còn làm nghề. Ước tính tới nay, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sưu tập được hàng nghìn bộ khuôn tranh.Tâm nguyện của ông cũng như tâm nguyện của gia đình:" không thể để dòng tranh dân gian đông hồ chỉ còn là tiềm thức, mà phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó cho tới mai sau."
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích thì có rất nhiều sản phẩm tượng đồng đúc như tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng cụ Trần Hưng Đạo và các loại tượng phật ở các đền chùa và các đồ thờ bằng đồng trong gia đình như đỉnh đồng, hoành phi câu đối…trống đồng, tượng phật…
Nghệ nhân Đặng Đình Duy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phù điêu nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc xưa. Luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, duy trì và hướng nghiệp cho các CB-CNV trẻ, Công ty Cổ phần Tu bổ, Tôn tạo và Xây dựng Duy Linh (thành lập năm 2012) do anh Duy làm giám đốc đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với thu nhập ổn định.
Dự kiến tháng 12, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Có thể thấy việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” là sự khích lệ, ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân qua đó tạo động lực để họ tiếp tục nỗ lực cống hiến cho việc bảo vệ, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ và truyền đam mê trong thế hệ trẻ.