Vào ngày 12/3, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) chính thức đưa vào vận hành 02 cụm trang trại xanh, gồm cụm Trại nuôi heo Công nghệ cao Hải Đăng (cụm trại Hải Đăng) và Trại nuôi heo Công nghệ cao Tân Châu (trại Tân Châu). Cả hai cụm trại này cùng nằm tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Trong đó, cụm trại Hải Đăng có diện tích 66 ha, trở thành cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn nhất của BaF Việt Nam hiện nay. Cụm trại này gồm 3 tổ hợp trại nhỏ với công suất 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, được áp dụng nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại theo hướng chăn nuôi xanh.
“Đơn cử, chất thải từ chăn nuôi sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học, tạo ra nước tưới cây, phân hữu cơ bón lúa, góp phần giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam”, đại diện BaF Việt Nam cho biết.
Tương tự, cụm trại Tân Châu có quy mô hơn 12 ha với công suất 30.000 heo thịt cũng được đầu tư, xây dựng theo tiêu chuẩn trang trại xanh với hệ thống xử lý nước và chất thải đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Bộ Y tế.
BaF Việt Nam cho biết, chi phí đầu tư cho cụm trại Hải Đăng khoảng 600 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với việc đầu tư 3 trang trại riêng biệt nhờ tiết giảm được chi phí đầu tư tại nhiều hạng mục (hạ tầng, khu sinh hoạt…). Trong khi đó, chi phí đầu tư cho cụm trại Tân Châu là 220 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, BaF Việt Nam đang sở hữu tổng cộng 28 trại heo nái và heo thịt trên cả nước với tổng đàn gần 400.000 con, cung ứng ra thị trường gần 1 triệu heo thương phẩm/năm. Về thị phần, theo dữ liệu của hãng chứng khoán Tiên Phong Securities (TPS), BaF Việt Nam đang thuộc Top 5 thị trường heo hơi và Top 3 thị trường heo nái tại Việt Nam.
BaF Việt Nam có kế hoạch triển khai thêm 18 trang trại mới trong giai đoạn 2024 – 2028, đồng thời xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến thực phẩm, và các cơ sở giết mổ hiện đại nhằm tăng tỷ trọng sản phẩm được phân phối thông qua các kênh hiện đại vốn có mức giá cao hơn.
Tổng mức đầu tư cho kế hoạch trên dự kiến lên đến 11.690 tỷ đồng; trong đó, khoảng hơn 5.500 tỷ đồng sẽ được tài trợ bằng vay nợ từ trái phiếu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và vay ngân hàng.
Ban lãnh đạo BaF Việt Nam cho biết, công ty đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong năm 2024, tạo điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn rẻ dành cho phát triển kinh doanh xanh, bền vững trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/3, thị giá cổ phiếu BAF đạt 27.600 đồng/cổ phiếu.