Bài 4: Thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại Công ty Bao bì Thủ đô những kết quả và thách thức

Dự án Kaizen được triển khai trong vòng 06 tháng với mục tiêu chính là đổi mới hoạt động sản xuất của Công ty và xây dựng nhận thức về cải tiến liên tục cho cán bộ nhân viên.

Công ty CP Bao bì Thủ đô được thành lập năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bao bì, hộp bìa cứng, hộp in offset, hộp bồi sóng. Năm 2020, tuy dịch Covid 19 tác động mạnh tới cộng đồng doanh nghiệp nhưng Công ty vẫn duy trì được số lượng đơn hàng và nhịp độ sản xuất. Tuy nhiên qua 6 năm đi vào hoạt động, hệ thống nhà xưởng, máy móc cũng như quá trình sản xuất của công ty đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là yếu tố con người. Trước tình hình đó lãnh đạo công ty rất mong muốn đổi mới, cải tiến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh trong công ty. Sau khi được giới thiệu phương pháp cải tiến liên tục Kaizen, Lãnh đạo công ty nhận thấy cần phải bắt tay triển khai ngay bởi khi triển khai Kaizen ngoài hiệu quả cải tiến còn nâng cao nhận thức, phát triển được kỹ năng cho từ cán bộ quản lý đến người công nhân trực tiếp làm việc tại phân xưởng sản xuất.

Là một trong 15 doanh nghiệp được lựa chọn thực hành điểm Kaizen trong khuôn khổ nhiệm vụ, điểm thuận lợi của Công ty khi bắt tay vào áp dụng phương pháp Kaizen là Lãnh đạo Công ty hiểu rõ và có sự nhìn nhận đầy đủ về bức tranh toàn cảnh của công ty, vị thế cạnh tranh, định hướng của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo và rất quan tâm đến các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, TPM... Tuy nhiên, nhận thức của người lao động còn hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả áp dụng như mong muốn. Dự án Kaizen được triển khai trong vòng 06 tháng với mục tiêu chính là đổi mới hoạt động sản xuất của Công ty và xây dựng nhận thức về cải tiến liên tục cho cán bộ nhân viên Công ty.

Quá trình triển khai thực hành phương pháp cải tiến Kaizen

Để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo cũng như thực hành phương pháp cải tiến Kaizen tại doanh nghiệp nhóm chuyên gia tư vấn đã thực hiện khảo sát thực trạng, đánh giá tổng thể về năng lực sản xuất, điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đồng thời đánh giá về trình độ, năng lực của người lao động, trình độ và phương pháp quản lý từ đó có được bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất cũng như các vấn đề tồn tại hạn chế tại doanh nghiệp.

Đội cải tiến Kaizen với nòng cốt là các cán bộ quản lý cấp trung tại các đơn vị, các công nhân lành nghề, có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm vận hành dây chuyền sản xuất, có thời gian gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đội cải tiến Kaizen được đặt dưới dự bảo trợ và điều hành trực tiếp của lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả hoạt động, sự chỉ đạo thống nhất. Sau khi được thành lập, đội cải tiến Kaizen đã được đào tạo về phương pháp cải tiến liên tục Kaizen cả về lý thuyết và thực hành. Quá trình thực hành đội cải tiến sẽ được các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn tại hiện trường sản xuất, xử lý, khắc phục, cải tiến chính những vấn đề tại nơi sản xuất.

Công ty CP Bao bì Thủ đô

 

Trong một thời gian rất ngắn ngay sau khi thành lập, đội cải tiến Kaizen đã bắt tay vào việc nhận diện, thống kê các vấn đề lãng phí, những vấn đề cần khắc phục, những hạn chế trong quá trình sản xuất. Những vấn đề này là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn một số vấn đề làm dự án điểm triển khai thực hiện phương pháp Kaizen. Do thời gian triển khai dự án không nhiều nên với mỗi dự án điểm đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung rất lớn của các thành viên tham gia, bên cạnh đó còn là sự chỉ đạo sát sao từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.

Công ty CP Bao bì Thủ đô
Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam đào tạo, hướng dẫn phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại Công ty CP Bao bì Thủ đô

 

Những kết quả đạt được từ dự án Kaizen

Phương pháp cải tiến liên tục Kaizen không chỉ giúp doanh nghiệp cải tiến, nâng cao năng suất mà quan trọng hơn nó giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy, thái độ và tinh thần làm việc.

Về năng lực, trình độ và tinh thần của người lao động.

Thông qua thực hiện phương pháp cải tiến liên tục Kaizen, công ty CP Bao bì Thủ đô đã nâng cao trình độ, năng lực của người lao động, cán bộ quản lý các cấp, người lao động đã được tiếp cận với phương pháp cải tiến năng suất tiên tiến, đã hiểu và áp dụng có hiệu quả tại doanh nghiệp. Thái độ, tình thần làm việc của người lao động được thay đổi, từ việc làm việc một cách thụ động, người lao động đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, đề xuất các giải pháp, cải tiến mới phục vụ công việc, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp. Tâm lý ngại thay đổi, bảo thủ đã được thay thế bằng văn hóa đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn chia sẻ, lan tỏa tri thức.

Người lao động vui vẻ, tích cực tham gia các dự án cải tiến, không khí làm việc sôi nổi, hăng say.

Về hiệu quả kinh tế, thời gian sản xuất

Các đề tài cải tiến điểm đã thực hiện giúp Công ty tiết kiệm nguồn lực thông qua giảm thiểu những lãng phí, từ lãng phí nguyên vật liệu, tiêu tốn nhân lực đến lãng phí thời gian. Mỗi người công nhân trung bình một ngày lao động tiết kiệm được 5 phút trên mỗi sản phẩm. Các lãng phí ở nhiều công đoạn được nhận diện và giải quyết, chỉ trong vòng 6 tháng doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng trăm triệu từ việc giảm thiểu lãng phí nguyên liệu.

Về chiến lược, kế hoạch phát triển của Công ty trong thời gian tới

Thông qua thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen, công ty đã xác định được lộ trình thực hiện nâng cao năng suất trong 5 đến 10 năm tới, trong đó trọng tâm là thực hiện đào tạo liên tục cho người lao động về các công cụ cải tiến năng suất, xây dựng văn hóa đổi mới tại doanh nghiệp và đưa cải tiến năng suất trở thành phong trào mang tính rộng khắp.

Những khó khăn, thách thức từ quá trình thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen

Người công nhân đã quen với các công việc mang tính dập khuôn, máy móc, cán bộ kỹ thuật được đào tạo theo kiểu người có kinh nghiệm dạy cho người mới nên tư duy đổi mới không được khuyến khích. Công ty cũng chưa có chính sách, kế hoạch khuyến khích người lao động, do đó họ thiếu động lực để phát hiện và thực hiện các cải tiến. Hoạt động cải tiến năng suất vẫn còn được xem là việc của lãnh đạo.

Bên cạnh đó, áp lực đạt được chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khiến cán bộ, nhân viên chưa dành nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện các dự án cải tiến năng suất.

Xây dựng văn hóa đổi mới và cải tiến tại doanh nghiệp cần song hành với xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cùng với chính sách đầu tư cho đào tạo liên tục, sự ghi nhận và chia sẻ thành quả nhờ cải tiến năng suất một cách hợp lý sẽ thúc đẩy nhân rộng, phát triển tiếp những sáng kiến có giá trị trong toàn Công ty. Hành trình để duy trì cải tiến liên tục đúng theo tinh thần của Phương pháp Kaizen thực sự mới bắt đầu.

ThS. Cao Hoàng Long, Viện Năng suất Việt Nam