Ngày 21/3/2023, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án SRECA tại Việt Nam, ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hai bên đã đồng triển khai Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) tại Việt Nam trong 03 năm (2019-2022). Dự án tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, tô chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xác và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) để xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Trước yêu cầu thực tiễn trên, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm bao gồm: Thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối sản phẩm....
Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục Xúc tiến thương mại được đưa vào thí điểm cho thị trường trong nước từ tháng 3/2021 cho các sản phẩm rau củ quả và trái cây từ tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tem truy xuất có thể hiển thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu. Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản.
Tiếp theo những thành công ban đầu, iTrace247 nâng cấp phiên bản áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) mang tính minh bạch hơn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường khó tính.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta đang phục hồi trên nhiều lĩnh vực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hồi phục và duy trì ở mức tăng trưởng cao; trong đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực sang Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn đòi hỏi phải có các giải pháp đa dạng hóa thị trường và nắm giữ được khách hàng, tiết kiệm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.
"Truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng là một đòi hỏi ngày càng quan trọng hơn trong thương mại quốc tế. Đây là một trong những giải pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Góp phần nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm Việt Nam
Bà Hoàng Thị Thu Hương, đại diện Tổ chức GIZ, Cán bộ Dự án SRECA-VIETRADE cho biết, từ góc độ hỗ trợ phát triển cho các quốc gia như Việt Nam, GIZ luôn hướng đến sự phát triển bền vững, phát triển minh bạch và đóng góp cho mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó các yếu tố về minh bạch, phát triển kinh tế bền vững cũng như vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững là những yếu tố không thể thiếu. Hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace247 là một giải pháp mà Dự án SRECA và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện thời gian qua.
Đặc biệt, Dự án SRECA đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, từ việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn, đào tạo thực địa và online cho các doanh nghiệp về thủ tục, yêu cầu của thị trường Trung Quốc...
Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường vả xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phân xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Tại nhiều quốc gia, quy định về truy xuất nguồn gốc cho nhiều loại sản phẩm đã mang tính pháp lý. Trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số; đồng thời giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm đáp ứng được yêu cầu minh bạch thông tin từ nhà mua hàng, từ đó giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.