Nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về hàng Việt đã có nhiều thay đổi, tâm lý tiêu dùng hàng nội đang trở thành thói quen của nhiều người dân. Ở chiều ngược lại, trước tình cảm người tiêu dùng dành cho, các nhà sản xuất hàng Việt Nam cũng nâng cấp cả về chất lượng cũng như bao bì hơn.
Uy tín của hàng Việt
Sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2023, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bạc Liêu đã vui mừng chia sẻ về những thông tin, con số rất tích cực cho thấy hàng Việt đã khẳng định được vị trí trong lòng nhân dân nơi đây.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bạc Liêu có 40 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong tỉnh lên 108 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao (trong đó, 85 sản phẩm đạt 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao) với 55 chủ thể và hiện nay còn rất nhiều sản phẩm truyền thống trong nhân dân còn chưa được chuẩn hóa để tiến tới công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các đơn vị có liên quan đã tổ chức được 7 phiên chợ và 23 phiên hội chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” có trên 3.151 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, có trên 122 ngàn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức được gần 2.000 cuộc và có hơn 89.000 lượt người tham dự. Đồng thời, các ngành, địa phương đã tích cực tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, các hội nghị kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong, ngoài nước…
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chủ thể OCOP xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm tại địa phương như: Muối ăn Bạc Liêu, Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, Thanh nhãn Bạc Liêu, Nước mắm cá cơm Thiên Phú 32N, Thương hiệu NIDTICO cho sản phẩm tôm chế biến, Yến sào Ngọc Minh, Rau cần nước HTX 8/3, Tôm khô Đa Giàu, Bánh phồng tôm Ý Tám, Khô cá kèo Kiều Hạnh… Qua đó, giúp cho nhiều sản phẩm của địa phương được nhận nhiều giải thưởng về chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Điển hình như sản phẩm Tổ yến của cơ sở Ngọc Minh đã được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ chứng nhận đạt tốp 10 “Thương hiệu và chất lượng quốc tế”. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động kết nối cung – cầu, giao thương hàng hóa với trên 20 hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ, Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long…
Muốn hàng Việt an toàn để tới được với bà con, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh còn phối hợp với chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trong việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, động viên, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến các mặt hàng có lợi thế của tỉnh. Cũng như tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý trên 600 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 5 tỷ 690 triệu đồng.
Nối dài những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn
Góp sức để hàng Việt có được độ phủ sóng như hiện nay còn có vai trò của các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Thông qua các phiên chợ đã tạo được hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt cho người dân địa bàn nông thôn.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp đã tổ chức được 7 phiên chợ và 23 phiên hội chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn”, có trên 3.150 lượt doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và thu hút trên 122.000 lượt người đến tham quan mua sắm và doanh số bán hàng thu được trên 100 tỷ đồng. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và phát huy vai trò doanh nhân, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam.
Không chỉ người dân địa phương vui mừng khi mua được các mặt hàng giá rẻ, chất lượng cao mà các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất địa phương cũng nắm được cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Các nhà sản xuất đặc sản địa phương đều cho rằng được tham gia phiên chợ họ không những có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình, mà còn được kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn là cầu nối, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân, tìm kiếm thị trường, thành lập chi nhánh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…
Một Bạc Liêu với những câu chuyện thú vị của một vùng đất giầu tiềm năng du lịch, nhiều sản vật địa phương, hấp dẫn du khách khắp mọi miền đang ngày ngày thay da đổi thịt, hình thành thêm nhiều thói quen sinh hoạt văn minh, hiện đại xen lẫn những nền nếp mang đậm phong tục của một vùng thuở khai hoang mở đất. Thật vui mừng là trong số những thói quen mới đó, Bạc Liêu đã tin và yêu hàng Việt Nam, ủng hộ người Việt Nam sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam!