Bán lẻ ứng biến với “cơn lốc” mua sắm trực tuyến

Bên cạnh việc gia tăng điểm bán mới để đạt kỳ vọng về doanh thu, các nhà bán lẻ đang đầu tư mạnh vào kênh thương mại điện tử để bắt kịp xu thế.

“Cơn lốc” mua sắm trực tuyến

Sau khi cán mốc 2.000 tỷ đồng doanh thu từ kênh thương mại điện tử vào cuối năm 2017, tăng gần 45% so với 2016, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), đơn vị sở hữu hai hệ thống bán lẻ là FPT Shop và F.Studio by FPT tiếp tục công bố mức tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử đáng nể, với 21% trong năm 2018.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho hay, thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng góp tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu của Công ty, thể hiện ở con số 2.432 tỷ đồng từ mảng thương mại điện tử trong năm 2018, tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2017.

fpt
Caption

 

Tổng kết năm 2018, FPT Retail ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Nhà bán lẻ này đã mở thêm 60 điểm bán lẻ mới trong năm qua, đưa tổng số cửa hàng lên con số 533.

Mua bán online ngày càng trở thành xu thế và doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không có sự bắt kịp để đầu tư thích đáng cho mảng kinh doanh có dư địa lớn trên không gian mạng. Con số thống kê về số lượt truy cập vào trang web của FPT Retail đạt hơn 360 triệu lượt, tăng 41,6% so với năm 2017, trong đó có 1,78 triệu lượt tương tác trực tiếp, một lần nữa đã cho thấy điều đó.

Tập đoàn Sunhouse, doanh nghiệp thuộc ngành hàng gia dụng, cũng đầu tư cho kênh thương mại điện tử từ rất sớm. Từ năm 2015, Sunhouse đã ra mắt wesite sanhangtot.com. Cùng với việc sở hữu hơn 60.000 điểm bán lẻ, Sunhouse đang duy trì mức tăng trưởng kênh thương mại điện tử lên đến 150 - 200%/năm.

Đánh giá về kết quả này, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thương mại điện tử Tập đoàn Sunhouse cho rằng, mức tăng trưởng tuy cao, nhưng chưa đạt kỳ vọng của Sunhouse. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ đầu tư mạnh hơn cho chiến lược kinh doanh trên nền tảng online để mảng này có tỷ trọng đóng góp tương xứng trong mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020.

Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017 - 2018 so với hai năm trước đó, mà một trong những điểm nổi bật là sự xuất hiện của cơn lốc mua sắm trực tuyến.

Dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, nhưng được đánh giá là rất tiềm năng với tốc độ bứt phá đang gia tăng nhanh chóng, tác động mạnh tới ngành bán lẻ.

10 tỷ USD không còn xa

Với dân số hơn 97 triệu người, đa phần trong độ tuổi trẻ, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo Bộ Công thương, mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam hiện ở mức 25% và có thể được duy trì từ nay đến năm 2022. Trong vài năm tới, quy mô thị trường được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Vì vậy, dễ hiểu khi thời gian qua, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các website thương mại điện tử trong nước, khiến thị trường này ngày càng sôi động.

Tháng 4/2016, “ông lớn” Alibaba (Trung Quốc) đã sớm đặt chân vào thị trường Việt Nam qua thương vụ thâu tóm Lazada tại khu vực Đông Nam Á. Chưa dừng ở đó, mới đây nhất, Lazada Việt Nam hợp tác với Auchan Retail Việt Nam để ra mắt kênh thương mại trực tuyến LazMall, mang đến cho người tiêu dùng mô hình mua sắm O2O (online to offline) - kết hợp giữa dịch vụ mua sắm trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).

Theo đó, khách hàng sẽ được trải nghiệm mua hàng tại Auchan - tập đoàn bán lẻ lớn tại Pháp - ngay trên LazMall với hơn 18.000 sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh và có thể lựa chọn nhiều hình thức giao hàng khác nhau.

Tại hội thảo Cơ hội tăng trưởng nền kinh tế số ở Việt Nam do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) phối hợp Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức cuối năm 2018, Giám đốc điều hành AmCham, ông Adam Sitkoff khẳng định, thương mại điện tử tại Việt Nam còn tiến rất xa, bởi Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số.

“Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng hỗ trợ cho nền kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Adam Sitkoff nói.

Làn sóng bán lẻ trực tuyến mới tại Việt Nam

Theo VECOM, quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2022 bởi lượng người quan tâm và sử dụng các dịch vụ online ngày càng cao với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến 30%.

Trong khi đó, Vietnam Report cũng nhận định, Việt Nam là một thị trường bán lẻ sáng giá bậc nhất châu Á, khi tổng giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD trong năm 2017, ước tính đạt 160 tỷ USD vào năm 2020. Đây là những tín hiệu khả quan cho sự tăng trưởng của làn sóng bán lẻ trực tuyến mới tại Việt Nam.