“Sóc Trăng đã cho tôi có ăn có mặc, cho tôi hạnh phúc. Và hơn thế nữa, Sóc trăng cho tôi điều kiện tốt để gây dựng sự nghiệp Tân Huê Viên. Là người con của Sóc Trăng, tôi muốn tạo “điểm nhấn” cho ngành du lịch của Sóc Trăng. Tôi sẽ không ngừng đưa các sản vật của quê mẹ đến gần hơn với thế giới. Để mọi người phải biết tới bánh Pía, biết tới Tân Huê Viên và Sóc Trăng”.
Tiếng người đàn ông cứ rỉ rả, chân tình khiến tôi có cảm giác như ông đang kể chính câu chuyện của đời mình. Mà quả thật, những chiếc bánh Pía và thương hiệu Tân Huê Viên chính là tâm huyết của cả cuộc đời ông Thái Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Bánh Pía - Lạp Xưởng Tân Huê Viên.
Trọn đời làm bánh
“Hồi đó nhà nghèo quá, tôi bỏ học đi học làm nghề sửa xe. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về cứ ăn cơm nhà mãi. Rồi một hôm, ông chủ của Công Lập Thành nói với ba tôi: Cái thằng này được đấy. Gửi nó cho tôi làm thợ bánh đi.
Trong đầu tôi lúc đó thấy mắc cười quá. Đàn ông thì đi làm bánh cái nỗi gì? Ông Công Lập Thành nói: "Mày sang làm cho tao, cơm nước tao lo hết". Mình chỉ nghĩ đơn giản là có ba bữa cơm để ăn rồi nên nhận lời đi làm. Ba tháng đầu tiên làm công cho tiệm bánh Công Lập Thành, tôi phải rửa khuôn bánh muốn chết luôn. Nhưng vẫn gắng làm vì nghĩ là đi làm để kiếm 3 bữa, chứ cũng không nghĩ là có ngày mình sẽ trở thành thợ làm bánh.
Một hôm, gần sáng còn đang lơ mơ trong giấc ngủ, đột nhiên tôi nghe có tiếng nói lạ lạ ngay tai mình: Tại sao không học lấy nghề? Tôi giật mình tỉnh giấc thì không thấy ai cả. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói đó. Tôi bắt đầu để ý từng chi tiết làm bánh. Khoảng một năm sau, tôi được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm nhưng tôi không cho phép mình dừng lại. Sau khi đã thạo các công đoạn làm bánh, thì tôi nghỉ làm.
Về nhà tôi bắt đầu làm những chiếc bánh nho nhỏ bưng ra chợ bán. Nhưng mà cực lắm!
Thời đó, bánh Pía không phải riêng mình bán mà cả làng làm bánh Pía hàng chục năm rồi. Đã có nhiều thương hiệu lớn lúc bấy giờ như Tân Hưng, Công Lập Thành. Mặc dù bánh của tôi ai cũng khen thơm, và ngon nhưng không ai mua, là vì giá đắt quá. Người ta làm cái bánh lớn bán có 1 đồng, tôi làm cái bánh nhỏ hơn mà bán những đồng hai. Không ai mua bánh của mình, mỗi ngày bán được vài cái. Tôi thấy nản quá mới nói với ba tôi, có lẽ con phải làm theo người ta quá. Ba tôi nói với tôi: "Con à! Vàng thì không sợ lửa. Con cứ làm theo chất lượng của con, rồi thời gian sẽ trả lời cho con biết. Con đừng theo ai hết, cứ làm đi".
Vậy là tôi lại miệt mài làm bánh. Lâu lâu có người thành phố chạy xe tới hỏi mua. Giống như bây giờ nhà hàng nào bán đồ ngon ở tận trong hẻm người ta cũng tìm đến để mua. Bánh Pía tôi giao xỉ nhưng người ta không nhận vì giá cao hơn người khác. Người ta bán cho mấy cô trong tiệm một cây nửa kí lô có 8.000đ/cây, mấy cô bán 20.000 đồng/cây, lời quá trời lời luôn. Trong khi bánh của tôi bán tới 15.000 đồng/cây. Mãi rồi người ta mới nhận thấy, ừ, tiền nào của nấy, đắt sắt ra miếng”.
Đó cũng là khi thương hiệu bánh Pía Tân Huê Viên – hàm ý nói tới một loại bánh Pía tân thời, mới mẻ, đa dạng đã được nhiều người biết tới.
Kiên trì là mẹ thành công
Để giữ được thương hiệu bánh Pía Tân Huê Viên như ngày hôm nay, ông Tuấn cũng đã trải qua nhiều bài học cay đắng. Đó là khi ông mạo hiểm thay đổi nguyên liệu và cải tiến công thức làm bánh in (bánh khảo). Bánh làm thử ra rất ổn nên ông Tuấn cho sản xuất luôn. Nào ngờ, chỉ sau hai ngày giao hàng, toàn bộ số bánh bị trả lại hết vì bánh bị rã ra không còn hình thù chiếc bánh.
Đó là khi ông mua thêm nhà để mở rộng sản xuất. Tiền nhà trả hết rồi, lò nướng, máy làm bánh đã mua chỉ còn chờ đến ngày nhận nhà để chuyển máy vô làm thì nhận được tin, căn nhà ấy toàn hồ sơ giả. Bao nhiêu tiền bạc, trong đó có cả tiền đi vay mượn mất sạch. Chưa hết, ngay trong ngày hôm đó, 4 người thợ ruột bỏ ông sang làm cho xưởng bánh đối thủ, mang theo toàn bộ bí quyết làm bánh của Tân Huê Viên. “Ngay lập tức, tôi quyết định thay đổi công thức làm bánh khác. Rồi gọi phòng kinh doanh lên, tăng giá bán. Giá cũ đang 1 đồng mốt, mình tăng lên đồng hai rồi đồng rưỡi. Bánh không bán trong hẻm nữa đưa ra đường lớn bán. Nếu ai hỏi thì nói bánh này của Tân Huê Viên, mấy cái bánh khác không biết. Thế là thắng lớn”. Ông Tuấn chia sẻ cách vượt qua biến cố có một không hai của mình.
Cho đến bây giờ, khi giai đoạn khó khăn nhất đã lùi xa mười mấy năm rồi, nhưng ý chí và tinh thần lao động chăm chỉ, siêng năng, không bao giờ lùi bước trước khó khăn của người khai sinh ra thương hiệu bánh Pía Tân Huê Viên chưa khi nào thôi sục sôi. Thuở hàn vi ông luôn tâm niệm “Phải làm đến thành công thì thôi, đi không được phải lết, lết không được phải bò, nhất định không được bỏ cuộc”.
Cho nên thời hiện tại, chưa có một ngày nào ông đi ngủ trước 12h. Tân Huê Viên sang năm tới là tròn 35 tuổi, cũng là từng ấy thời gian ông Thái Tuấn kết thúc một ngày làm việc vào 1h sáng. Ông trực tiếp lo mọi chuyện từ khâu làm khuôn bánh, nghiên cứu sản phẩm mới, kỹ thuật vận hành dây chuyền sản xuất, và thời gian gần đây là việc phát triển thị trường. Người ta kinh ngạc về sức làm việc của ông thì ít mà trầm trồ về tình yêu, sự cầu toàn với mối tình bánh Pía của người đàn ông nhiều khát vọng, đầy quyết tâm thì nhiều.
Bánh làm bằng công nghệ có ngon hơn?
“Có người hỏi tôi, có phải bánh Pía làm thủ công ngon hơn bánh làm công nghệ? Tôi nói sai. Bởi vì, khi làm thủ công mười người là mười bàn tay khác nhau, mười cảm nhận khác nhau, kinh nghiệm, trạng thái cũng khác nhau thì cái bánh làm ra sẽ có mười vị khác nhau. Hoặc đơn giản như khâu nướng bánh, Người thợ khi nướng bánh sẽ kiểm tra lò kiểu thủ công. Có người sờ vào thấy lò nóng lắm rồi nhưng thực tế có khi mới có 55, 60 độ. Cuối cùng cái bánh mang ra 10 cái không giống nhau. Còn bánh làm bằng công nghệ, máy móc đã lập trình sẵn rồi, nhiệt độ ổn định, thời gian được lập trình, một nghìn cái bánh làm ra chất lượng như nhau cả một nghìn…”
Kể cũng lạ, không hiểu sao ông Tuấn lại “mê mẩn” cái thứ bánh có mùi hương ngọt ngào, thơm nức và ăn vào thì ngậy bùi đến thế. Vì tình yêu này, năm 2010, ông đã quyết định đầu tư trên 22 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng thêm 10.000m2, trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại như máy nhồi và cán da bánh pía, máy làm bánh Long Châu, hệ thống tự động làm nguội bánh...
Chỉ chuỗi dây chuyền vận hành ro ro trong xưởng, ông nói: “Dây chuyền mấy chị đang coi đó, thực tế mới sử dụng được 1 năm nay thôi, nhưng thời gian đàm phán ký hợp đồng mua máy rồi lắp ráp cũng phải mất 3 năm. Vì sao lại lâu như vậy? Bởi vì trên thế giới không có nơi nào làm bánh Pía, chỉ có ở Sóc Trăng thôi nên không có máy nào thiết kế để làm bánh Pía mà chỉ có máy làm bánh mì, bánh bao thôi.
Trước khi có được dàn máy này, tôi cũng đã thử với nhiều loại máy của Đức, Nhật nhưng không dùng được. Tôi đã từng bỏ ra 3 tỷ đồng để mua một chiếc máy của Nhật về nghiên cứu, ứng dụng trong hai năm, nhưng không thành công. Vì thế nên khi nhập máy làm bánh bao và bánh mì này về, tôi phải nghiên cứu mày mò ráp lại để thành máy sản xuất bánh Pía. Chị thấy có kỳ công không?”
Tỷ phú Hồng Kong Lý Gia Thành đã từng nói “Trên con đường thành công, LỰA CHỌN quan trọng hơn nỗ lực, TẦM NHÌN sẽ dẫn đến kết quả, KIÊN TRÌ quyết định tất cả”. Sự kiên trì của ông Thái Tuấn đã được đền đáp khi thương hiệu bánh pía Tân Huê Viên đã vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam và đã có mặt tại những thị trường khó tính trên thế giới.
Châm ngôn có câu “Khó giấu tình yêu và cái nghèo” quả đúng không sai. Ông Tuấn luôn muốn giới thiệu “tình yêu bánh Pía” của ông tới càng nhiều người càng tốt. Ông muốn quảng bá một món ăn ngon, đặc sản của quê hương ông, cũng như nghe ông kể câu chuyện về một thương hiệu. Ông mang theo tinh thần khởi nghiệp sục sôi khi quyết tâm đưa Tân Huê Viên đi xa hơn…
Từ quy mô nhà xưởng ban đầu trên diện tích 1 ha ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), đến nay, Tân Huê Viên đã đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200m2, gồm 4 tầng có bố trí khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ để du khách có thể tìm hiểu, thể nghiệm và thưởng thức sản phẩm.
Mỗi năm Tân Huê Viên xuất xưởng khoảng 1.000 tấn bánh pía, lạp xưởng, bán sang thị trường gần 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Singapore, Trung Quốc... Hiện, Tân Huê Viên đang tiếp tục mở rộng và xây dựng khu Liên Hoa Bảo Tháp trong khu công nghiệp An Nghiệp để làm điểm dừng chân miễn phí cho khách du lịch.