Giá trị lụa tơ tằm ngày càng được khẳng định, khi tính riêng giá trị tơ thô đã là 20 tỉ USD. Việt Nam có nhiều lợi thế để có thị phần lớn trong thị trường khổng lồ này.
Dấu ấn Bảo Lộc
Các làng nghề lụa cổ truyền, cá biệt có nơi đã tồn tại qua 10 thế kỷ, còn gìn giữ đến ngày nay gồm: làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng lụa Tân Châu (An Giang) và làng lụa Duy Xuyên (Quảng Nam)... Trên bản đồ tơ tằm Việt Nam, Bảo Lộc bỗng kế thừa một trách nhiệm lịch sử vô cùng quan trọng, điểm chắp cánh cho lụa tơ tằm Việt đi khắp thế giới.
Những năm 60 thế kỷ trước, để bồi thường chiến tranh (Colombo Plan), Nhật đã viện trợ 10 triệu USD để thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm. Theo đó, các chuyên gia Nhật đã khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết, trồng thực địa các giống dâu, tằm tại nhiều nơi.
Kết quả thực nghiệm đưa ra kết luận về các điểm phù hợp phát triển ngành lụa: Gia Lai có một điểm, Kontum có một điểm, riêng Lâm Đồng có tận 3 điểm gồm Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc. Trên cơ sở đó, người Nhật đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “thủ phủ tơ tằm” mới, với việc thành lập Trung tâm tằm tang Bảo Lộc vào năm 1968.
Sau hơn 5 thập niên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) khẳng định dấu ấn trên bản đồ tơ lụa quốc gia, cũng như khu vực với thông điệp: Không chỉ là nơi sản xuất tơ sợi lớn nhất Việt Nam, sợi tơ nơi đây còn được thế giới đánh giá là có chất lượng thượng hạng. Với công suất gồm 6 nhà máy dệt lụa và 40 hệ thống máy ươm tơ tự động, địa phương đạt sản lượng hơn 1.700 tấn tơ và 6 triệu m2 lụa năm 2017, chiếm 75% năng lực ươm tơ và 70% năng lực se tơ dệt lụa cả nước.
“Trước đây, ươm tơ cơ khí bằng tay thì chất lượng tơ rất thấp. Nay, công nghệ ươm tơ được đầu tư hiện đại hơn bằng các dãy máy ươm tơ tự động nên chất lượng tơ cao hơn, thu hút được khách hàng ở thị trường khó tính hơn. Chúng tôi đã có tơ chất lượng loại 1 để xuất đi Nhật, Ấn Độ...”, ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, cho biết.
Sợi tơ thượng hạng Việt giờ là nguồn nguyên liệu quý của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế. “Hiện tại, một số dòng lụa thương hiệu hàng đầu trên thế giới của Ý, Nhật, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế”, nhà thiết kế Minh Hạnh, người thiết kế trang phục cho lãnh đạo các nước tại APEC Việt Nam, tiết lộ.
Hướng tới thị trường thế giới
“Lụa Bảo Lộc đã được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa, thậm chí được những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đặt hàng. Thế nhưng có một nghịch lý là trên bản đồ tơ lụa thế giới không có tên Việt Nam, không thể tìm được những tấm lụa óng ả với dòng chữ Made in Vietnam bởi lụa Việt được xuất khẩu bằng tên của những thương hiệu lụa nổi tiếng thế giới... Đó là thiệt thòi rất lớn!”, nhà thiết kế Minh Hạnh trầm ngâm nói.
Có bàn tay tài hoa của nghệ nhân truyền thừa, có nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, vì sao tấm lụa tơ tằm Việt lại không thể ghi dấu vàng son như cách người Việt xưa từng làm? Đó là vì chúng ta thiếu một cơ chế liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu và các làng nghề truyền thống với thương hiệu cả ngàn năm tuổi - điều tạo nên danh tiếng không hề thua kém các nhãn hàng quốc tế cao cấp.
Nguồn nguyên liệu tơ tằm thượng hạng không dễ tiếp cận, thậm chí là với các làng nghề ngàn năm như Vạn Phúc. “Ngay người làng lụa Vạn Phúc chúng tôi cũng phải nhập tơ tận Bảo Lộc - Lâm Đồng. Quanh vùng không có cơ sở ươm tơ nào nữa, chỉ còn một trung tâm dâu tằm nằm ở Mai Lĩnh - Chương Mỹ cách làng 4-5km nhưng cũng chỉ còn chức năng nghiên cứu”, nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ. Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ, thị trường Việt Nam cũng không nhỏ, nhưng hiện nay mỗi năm phải nhập khẩu cả 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil... để gia công cho các công ty như Matsumura (Nhật) xuất khẩu.
Để khắc phục điều đó, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, những địa phương được xác định có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để “trồng dâu ươm tằm” như Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng, cần phải có chiến lược khuyến khích đầu tư mở rộng với ngành dệt lụa nói chung. Diện tích canh tác trồng dâu cần được tăng cường phù hợp theo quy hoạch, nhằm đảm bảo cung ứng thực phẩm cho tằm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần khuyến khích các hộ dệt tằm nhỏ lẻ kết hợp với nhau để tăng sức cạnh tranh, cũng như đủ năng lực để ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tránh thất thoát theo cách làm thủ công.
“Việt Nam nên mở rộng nền công nghiệp tơ tằm bởi trong vòng 20 năm qua, nhu cầu về tơ tằm trên thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2000, sản lượng tơ thô của thế giới đạt 78.000 tấn, đến năm 2016, con số này đạt khoảng 132.000 tấn. Gần đây, thị trường tơ thô nguyên liệu là 20 tỉ USD”, ông Kosho Matsunaga, Tổng Giám đốc Công ty Matsumura, chia sẻ.
Về mặt vĩ mô, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, kết nối địa phương Bảo Lộc với các làng nghề truyền thống danh tiếng trên khắp cả nước, sao cho “mạch máu” logistics có thể vận chuyển nguyên liệu thượng hạng từ vựa nguyên liệu đến tận tay người nghệ nhân tài hoa tại các làng nghề giàu truyền thống. Cuối cùng, sản phẩm Việt cần phải đứng tên dưới một thương hiệu Việt đủ tầm, có như thế giấc mơ Made in Vietnam sẽ không còn xa nữa.