Bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành nhìn từ khía cạnh xử lý rác thải đô thị ở Việt Nam

PGS. TS. DOÃN HỒNG NHUNG  (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), PHẠM  HẠNH NGUYÊN (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) và ThS. PHẠM XUÂN SƠN (Trung tâm giao lưu Quốc tế Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đô thị mới mọc lên nhanh chóng, các đô thị cũ cũng dần mở rộng. Vấn đề xử lý rác thải để bảo vệ môi trường sinh sống, sản xuất đô thị trở nên cấp thiết. Bài viết nghiên cứu về bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành, nhìn từ khía cạnh xử lý rác thải đô thị ở Việt Nam.

Từ khóa: quyền con người, xử lý rác thải, rác thải đô thị, môi trường sống.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ phát triển mới, quan điểm phát triển quốc gia không chỉ quan tâm tới “phát triển nhanh” hay hướng tới “đại nhảy vọt”, mà quan trọng hơn đó là yếu tố bền vững. Phát triển kinh tế - xã hội phải đi kèm với bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ nguồn cung nguyên - nhiên liệu cho sản xuất, mà quan trọng hơn đó là bảo vệ cuộc sống con người. Đánh giá cao tầm quan trọng của vấn đề môi trường, pháp luật Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ và được Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, xử lý rác thải đô thị là một trong những vấn đề cấp thiết nhất trong bảo vệ môi trường. Đối với vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những đổi mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

2. Khái niệm cơ bản về xử lý rác thải

Khái niệm xử lý rác thải là khái niệm không còn xa lạ trong pháp luật Việt Nam. Trong ngôn ngữ hàng ngày, khái niệm “rác thải” và “chất thải” là những khái niệm dễ dàng bị nhầm lẫn. Nhằm xác định phạm vi điều chỉnh của các quy định và đảm bảo tính chính xác của ngôn ngữ chuyên ngành Luật, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những định nghĩa cụ thể cho các khái niệm liên quan tới vấn đề xử lý rác thải.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.[1] Rác thải là chất thải dạng rắn (Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải)[2]. Như vậy, xử lý rác thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để nhằm làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp rác thải và các yếu tố có hại trong rác thải.

3. Vai trò và ý nghĩa của xử lý rác thải

Môi trường là yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và phát triển của nhân loại.

Môi trường đã cung cấp thức ăn, nước uống, nơi ở,… tạo tiền để cho con người tiến hóa và phát triển. Một môi trường trong sạch là điều mà bất cứ ai đều có quyền được hưởng. Hiến pháp năm 2013 quy định tại điều 43: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Chúng ta đã công nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Điều đó đặt ra trách nhiệm với Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, phải tôn trọng, bảo vệ quyền này và tất yếu phải bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền công dân, cũng là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của quốc gia. Luật Bảo vệ môi trường ra đời để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong sạch, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Xử lý rác thải là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Xử lý rác thải nhằm mang tới môi trường vệ sinh, an toàn, đảm bảo sức khỏe của người dân, cũng như bảo đảm cảnh quan môi trường. Có nhiều cách truyền thống xử lý rác thải như đốt, chôn vùi,... tuy nhiên những biện pháp này lại gây ra những hậu quả khác với môi trường. Bởi vậy, cần xử lý rác thải trên dây chuyền công nghệ cao, với trang thiết bị đặc thù, hiện đại. Rác thải là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, cần được tận dụng. Bên cạnh việc ủ phân Compost hay làm hầm Biogas đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, rác thải còn đem lại nguồn nhiệt năng lớn, đã được ứng dụng vào công nghiệp. Qua hệ thống công nghệ phân loại và xử lý rác như WTE (waste to energy) đã biến rác thành năng lượng điện. Hiện nay, Hà Nội đã sử dụng mô hình nhà máy điện rác [15], xử lý rác thải để thu được nguồn điện năng, dự kiến mỗi giờ hoạt độngthu về 75MWh. Đây là nguồn năng lượng mà chúng ta cần tận dụng và để tận dụng, không thể thiếu dây chuyền xử lý rác thải công nghệ cao.

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề xử lý rác thải, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về xử lý rác thải điều chỉnh những vấn đề liên quan tới trách nhiệm xử lý rác thải; nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước về xử lý rác thải; quá trình xử lý và công nghệ xử lý rác thải. Từ đó, tạo cơ sở đảm bảo việc xử lý rác thải được diễn ra một cách hiệu quả, hợp lý, phù hợp, đem lại lợi ích tốt nhất cho nhân dân. Xử lý rác thải là vấn đề cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mỗi loại rác thải lại có những đặc tính riêng. Để xử lý rác thải một cách hiệu quả, cần tìm hiểu rõ đặc tính của từng loại rác.

4. Quy định về xử lý rác thải đô thị

Số lượng đô thị tại Việt Nam ngày một tăng, các đô thị cũng dần mở rộng. Đây là nơi tập trung dân cư đông đúc, là các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị. Lượng rác thải đô thị là rất lớn và đa dạng, bao gồm chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải sản xuất,... Xử lý rác thải đô thị là vấn đề tất yếu để đảm bảo sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Việc xử lý rác thải đô thị phải đảm bảo được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội, phù hợp với quy hoạch đô thị. Với đặc điểm dân cư khu đô thị, xử lý rác thải cần đi từ vấn đề xử lý trong mỗi gia đình, đến khu dân cư, nơi công cộng. Đối với hạt nhân nhỏ nhất là hộ gia đình, theo Điều 82, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, hộ gia đình có trách nhiệm: “Phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật”. Việc phân loại rác cần bắt đầu từ những hộ gia đình và hộ gia đình cần đảm bảo đóng những khoản phí xử lý rác thải để duy trì hoạt động của hệ thống xử lý rác thải đô thị. Các gia đình đã có ý thức sử dụng thùng đựng riêng cho rác hữu cơ (như vỏ hoa quả, đồ ăn thừa,…), với rác vô cơ (túi nilon, chai nhựa,…), từ đó, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Lớn hơn hộ gia đình là các khu chung cư. Việc tổ chức thu gom, tập kết và xử lý rác thải ở các khu chung cư cần phải được quản lý chặt chẽ[3]. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải[4]. Tổ chức, cá nhân quản lý khu vực công cộng có trách nhiệm bố trí nhân lực thu gom rác thải, bố trí thiết bị thu gom rác thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường[5]. Như vậy, việc xử lý rác thải nơi công cộng bảo vệ môi trường chung của đô thị, bảo vệ cảnh quan đô thị và sức khỏe người dân, là trách nhiệm không của riêng ai.

4.1. Sự khác biệt về xử lý rác thải nông thôn với rác thải đô thị  

Trong giai đoạn thực thi pháp luật bảo vệ môi trường năm 2014, Việt Nam có khoảng 65% dân số sống ở các vùng nông thôn. Hoạt động sinh hoạt, sản xuất ở nông thôn, mỗi năm đã tạo ra khoảng 13 triệu tấn rác. Tuy nhiên, so với đô thị, vấn đề xử lý rác ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Giống như đô thị, việc xử lý rác thải ở nông thôn cũng có yêu cầu tương tự đối với hộ gia đình, khu dân cư. Bên cạnh đó, với đặc điểm về dân cư của nông thôn: dân cư thưa thớt, dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế chưa phát triển, cần có những quy định khác về xử lý rác thải. Xử lý rác thải nông thôn hướng tới bảo vệ môi trường sống của người dân, môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhà nước khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác sinh hoạt nông thôn. Rác thải nông nghiệp cũng cần được xử lý hiệu quả. Rác thải nông thôn được tận dụng để làm nguồn cung phân bón nhiên liệu. Chất thải hữu cơ tận dụng làm phân compost, phân động vật có thể làm biogas cung cấp nhiên liệu cho sinh hoạt. Đây là những giải pháp vừa tiết kiệm, vừa giảm áp lực xử lý rác thải lên hệ thống xử lý chung, vốn đã hạn chế tại nông thôn. Ngoài ra, việc thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa công tác xử lý rác thải cũng tạo ra cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, tạo đà nâng cao chất lượng của hệ thống xử lý rác.

4.2. So sánh các quy định về xử lý rác thải làng nghề với rác thải nghề

Làng nghề là làng ở nông thôn, có một hoặc một số nghề thủ công tách hẳn ra khỏi thủ công nghiệp và kinh doanh độc lập. Thu nhập từ các nghề đó chiếm tỷ trọng cao tổng giá trị toàn làng.[6] Làng nghề là cụm dân cư sinh sống lâu đời, có nghề truyền thống, là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc, cũng như đóng góp về nền kinh tế chung. Rác thải làng nghề là rác thải từ hoạt động nghề truyền thống tạo ra. Rác thải nghề là chất được loại ra trong quá trình sản xuất hoạt động nghề. Hoạt động nghề truyền thống phát triển mạnh ở làng nghề, chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế người dân, cùng với đó lượng rác thải từ hoạt động nghề cũng tăng cao, cộng với quá trình xử lý rác thải nông thôn còn nhiều hạn chế, nên vấn đề xử lý rác thải làng nghề rất quan trọng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 yêu cầu làng nghề phải có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ rác thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, có tổ chức tự quản bảo vệ môi trường. Hiện nay, đã có những mô hình xử lý chất thải rắn, phân loại rác thải cho làng nghề Việt Nam như mô hình ITT CORP.[7]

4.3. Quy định về xử lý rác thải khu công nghiệp, khu công nghệ cao

Phát triển công nghiệp, công nghệ cao đang là điều mà đất nước chúng ta hướng tới. Bên cạnh những tác động to lớn về mặt kinh tế thì vấn đề môi trường trong lĩnh vực sản xuất này luôn được quan tâm. Lượng rác thải từ các khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao là khổng lồ, mang theo nhiều chất độc hại, cần xử lý một cách nghiêm ngặt. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật. Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường. Khu công nghiệp phải có nhân sự, hệ thống thu gom, xử lý rác thải đạt chuẩn theo luật định. Những quy định khắt khe đối với một số các khu vực dân sinh và sản xuất khác về xử lý rác thải. Pháp luật quy định phải có hệ thống thu gom xử lý, có nhân sự xử lý rác thải, có tổ chức tự quản bảo vệ môi trường.

5. Sự đổi mới những quy định về xử lý rác thải tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Từ khi được soạn thảo, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã thực hiện sứ mạng của mình trong vấn đề môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế, xã hội phát triển không ngừng, pháp luật luôn mang tính lạc hậu, có những vấn đề Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 còn chưa thực sự điều chỉnh hợp lý. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời để khắc phục những tồn tại của Luật cũ. Đặc biệt, Luật Bảo vệ năm 2020 đã quan tâm nhiều hơn tới vấn đề xử lý rác thải – đang là vấn đề vô cùng cấp bách của xã hội.

5.1. Về phạm vi điều chỉnh - Đối tượng áp dụng

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lược bỏ phần “chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường” so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Ngoài ra, chủ thể của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có thêm “cộng đồng dân cư”, đây là chủ thể rất quan trọng, các quyền và trách nhiệm của chủ thể này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng lại chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật cũ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra phạm vi cụ thể, phù hợp hơn.

5.2. Về giải thích từ ngữ

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa vào một số khái niệm mới về xử lý rác thải. Khái niệm “đồng xử lý chất thải” lần đầu tiên được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường. Khoản 21, điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.”

Ngoài việc đưa thêm khái niệm mới, các khái niệm cũ cũng được bổ sung để cụ thể, hợp lý hơn. Thể tồn tại của chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng được quy định rõ gồm 3 thể “rắn, lỏng, khí”. Khái niệm chất thải rắn cũng được quy định rõ ràng là “chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải”. Việc đưa khái niệm về đồng xử lý chất thải cho thấy sự quan tâm, thức thời và hiện đại của nhà làm luật. Đồng xử lý chất thải tuy đã tồn tại trong pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng chưa có khái niệm rõ ràng trong luật cũ. Đây là khái niệm mới, hiện đại, phù hợp với định hướng xử lý rác thải trong thời kỳ hiện đại. Các khái niệm cũ được bổ sung giúp Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dễ hiểu, dễ áp dụng, ít gây tranh cãi trong xử lý các vụ việc cụ thể trong đời sống, cũng như nghiên cứu khoa học.

5.3. Đổi mới quy định về xử lý rác thải đô thị

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gộp chung bảo vệ môi trường đô thị với bảo vệ môi trường nông thôn tại mục 2, chương V “Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn; trong một số lĩnh vực”. Tuy gộp chung như vậy nhưng không làm cho quy định mất đi tính chặt chẽ, mà còn tạo nên hệ thống các quy định khoa học, logic và đầy đủ hơn. Trong vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng nơi công cộng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung thêm khoản đ, điều 59: “Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật”. Đây là một quy định nghiêm ngặt hơn, nhằm nâng cao ý thức kiểm soát nội bộ trong cộng đồng, không chỉ đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, khu dân cư tự thực hiện nhiệm vụ của mình, mà còn có trách nhiệm giám sát những chủ thể khác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các quy định khác cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế nhưng không làm mất đi tinh thần chính, đó là: xử lý rác thải đô thị là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, gia đình, khu dân cư, nhà quản lý và chính quyền, xử lý rác thải nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, gìn giữ cảnh quan đô thị.

5.4. Quy định về xử lý rác thải nông thôn

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không quy định cụ thể về xử lý rác thải nông thôn mà chỉ quy định về bảo vệ môi trường khu nông nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa các quy định bảo vệ môi trường nông thôn bao gồm vấn đề xử lý rác thải vào Luật. Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định: rác thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; rác thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật. Xử lý rác thải nông thôn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình, cụm dân cư, ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ.

5.5. Đặc điểm rác thải đô thị

Đặc điểm thứ nhất, rác thải đô thị mang những điểm khác biệt so với các loại rác thải khác. Bởi vậy, vấn đề phân loại, xử lý rác thải đô thị cần có những quy định riêng.

Đặc điểm thứ hai, rác thải đô thị có khối lượng lớn. Dân cư đô thị đông đúc, đô thị cũng là nơi tập trung các hoạt động kinh tế, thương mại, công - nông nghiệp. Hoạt động sinh hoạt và sản xuất tạo ra khối lượng rác lớn hơn so với khu vực nông thôn.

Đặc điểm thứ ba, rác thải đô thị được thải ra liên tục[8], cùng với nhịp độ sinh hoạt và sản xuất cao của đô thị, rác thải được thải ra liên tục. Bởi vậy, cần có quá trình xử lý hiệu quả, nhanh chóng.

Đặc điểm thứ tư, rác thải đô thị đa dạng. Xét về nguồn gốc, rác thải đô thị rất đa dạng từ rác thải sinh hoạt, rác thải khu du lịch, rác thải công nghiệp,… Đi cùng với đó, cũng đa dạng các loại rác thải theo cấu tạo hóa – sinh, như: rác thải vô cơ, rác hữu cơ, rác thải sinh - hóa,…

Đặc điểm thứ năm, quá trình xử lý rác thải đô thị phải đảm bảo cảnh quan, kết cấu hạ tầng đô thị.

Đây là những đặc điểm cơ bản của rác thải đô thị. Dựa trên những đặc điểm này, cần điều chỉnh hệ thống pháp luật về xử lý rác thải đô thị phù hợp cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Tuy nhiên, những đặc điểm này vẫn còn hạn chế, bởi thực tế, rác thải đô thị rất đa dạng, còn nhiều đặc thù, vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn.

5.6. Phân loại rác thải đô thị

Có nhiều yếu tố phân loại rác thải đô thị, một trong các cách phân loại cơ bản là phân loại dựa trên nguồn xả thải. Dựa trên nguồn xả thải, rác thải đô thị có thể chia thành:

 Một là, rác sinh hoạt: là lượng chất thải sinh ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người.

 Hai là, rác từ khu dân cư và khu thương mại: lượng rác thải này chiếm từ 50 - 70% tổng lượng chất thải.

  Ba là, rác công sở: nguồn rác công sở bao gồm trường học, văn phòng của bệnh viện, nhà tù. Ngoại trừ các chất thải phát sinh từ nhà tù và rác từ bệnh viện, sự phân bố thành phần của rác thải từ các nguồn này khá giống nhau nên có thể lẫn lộn với rác từ khu dân cư và khu thương mại.

 Bốn là, rác xây dựng và phá dỡ: rất khó ước tính và có thành phần thay đổi, nhưng chủ yếu gồm 40 - 50% rác (bê tông, nhựa đường, gạch, đá, bụi,…).

Năm là, rác công nghiệp và nông nghiệp điển hình: bao gồm các nguồn như đồ hộp và thực phẩm đông lạnh; in ấn, xuất bản; ô tô, máy móc tự động; lọc hóa dầu; cao su; các loại phân bón; mùa thu hoạch trái cây và hạt ngũ cốc.[9]

5.7. Quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đô thị

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đô thị cần đảm bảo các quy định sau: Rác thải phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng[10]; Hộ gia đình, cụm dân cư chủ động thu gom, phân loại rác; Các cụm dân cư có khu tập trung, xử lý rác thải[11]; Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư[12]; Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý. Có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát[13]. Quy trình xử lý rác thải đô thị đánh giá cao sự tự ý thức của các hộ gia đình, khu dân cư. Bên cạnh đó, coi trọng áp dụng thiết bị hiện đại, phù hợp với đặc thù rác thải đô thị.

5.7. Công nghệ xử lý rác thải

Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, những phương pháp xử lý rác thải truyền thống đã trở nên lỗi thời. Những cách thức như đốt rác, chôn lấp không những không xử lý rác một cách triệt để, mà còn để lại hậu quả khác cho môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất,…  Bởi vậy, chúng ta cần có những công nghệ xử lý rác hiện đại. Mô hình công nghệ ITT CORP[14] phân loại và xử lý, tái chế rác thải thành phân hữu cơ, chế phẩm sinh học đang được áp dụng rộng rãi. Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác tại Việt Nam[15], trong đó Nhà máy điện rác ở Hà Nội[16] là một tiêu biểu về cách vừa xử lý rác thải hiệu quả, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên điện lực. Các dây chuyền hiện đại thật sự là giải pháp hợp lý cho vấn đề xử lý rác thải nói chung và rác thải đô thị nói riêng.

Pháp luật về xử lý rác thải đô thị năm 2020 đã có những đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy không thay đổi quá nhiều về những khía cạnh căn bản so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng đã những đổi mới, quy định chi tiết và sắp xếp logic hơn so với Luật cũ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Các quy định về xử lý rác thải đô thị trong Luật mới tạo tiền đề cho việc xử lý rác thải công nghệ cao, tận dụng nguồn nhiên liệu tới từ rác thải đô thị.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Theo khoản 16, điều 3, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.

[2] Theo khoản 19, điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[3] Theo điều 83, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

[4] Theo điều 81, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

[5] Theo điều 81, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

[6] Dương Bá Phượng (2001). Bảo vệ và phát triển các làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[7,14] Doãn Hồng Nhung (chủ biên), Nguyễn Thị Bình, Lưu Trần Phương Thảo, Nguyễn Hà Nhật Chi (2019). Pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam, sách chuyên khảo. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Tái bản lần thứ nhất có sửa chữa và bổ sung. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. ISBN: 978-604-62-2743-4. Phần phụ lục TS. Lê Anh Tuấn (2019). Công nghệ xử lý rác thải nguy hại cho khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề Việt Nam.

[8] Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thị Bình (2020). Pháp luật về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 106 (167), 63-67.

[9] P.R.White, M.Franke, P.Hindle (1995). Integrated Solid waste management a lifecycle inventory. Berlin: Springer.

[10] Theo điều 59, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[11] Theo Điều 60, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[12] Theo Điểm b, khoản 2, Điều 57, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[13] Theo Điều 59, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[15] Nhà máy điện rác lớn nhất Hà Nội bắt đầu đưa rác vào xử lý. Truy cập tại: https://vov.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h/nha-may-dien-rac-lon-nhat-ha-noi-bat-dau-dua-rac-vao-xu-ly-861661.vov

[16] PECC1 tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác ở Việt Nam. Truy cập tại: https://www.evn.com.vn/d6/news/PECC1-tien-phong-thiet-ke-cac-nha-may-dien-rac-o-Viet-Nam-6-12-24900.aspx

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
  2. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
  3. Chính phủ (2015). Nghị định số 38/2015/NĐ - CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 491/QĐ - TTg/2018 ngày 7/5/2018 về phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm - 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
  5. Doãn Hồng Nhung (chủ biên), Nguyễn Thị Bình, Lưu Trần Phương Thảo (2019). Pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam, sách chuyên khảo. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Dương Bá Phượng (2001). Bảo vệ và phát triển các làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7. R.White, M.Franke, P.Hindle (1995). Integrated Solid waste management a lifecycle inventory. Berlin: Springer.
  8. Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thị Bình (2020). Pháp luật về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 106, (167), 63-67.
  9. Doãn Hồng Nhung (2015). Quyền con người trong lĩnh vực Tài nguyên - môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam. Sách chuyên khảo, ISBN: 978-604-81-0707-9. Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.

 

PROTECTING HUMAN RIGHT TO A CLEAN LIVING ENVIRONMENT

FROM THE PERSPECTIVE OF URBAN WASTE TREATMENT IN VIETNAM

Assoc.Prof. Ph.D DOAN HONG NHUNG 1

PHAM HANH NGUYEN 1

Master. PHAM XUAN SON 2

1 School of Law, Vietnam National University – Hanoi Campus

2 Director, Hanoi International Relation Center

ABSTRACT:

Vietnam is a developing country with a rapid expansion of both old and new urban areas. It causes many challenges to the urban waste treatment and the environment protection becomes an urgent task for urban areas. This paper researches the protection of human right to a clean living environment from the perspective of urban waste treatment in Vietnam.

Keywords: human rights, waste treatment, urban waste, living environment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 6 năm 2021]