Ngày 22/3/2024, Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua các Nghị quyết nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thêm 3 khu du lịch ven biển với tổng diện tích hơn 5.000 ha, nằm ở các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Cả 3 khu du lịch được quy hoạch theo hướng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, dân cư.., với trọng tâm là du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các khu du lịch này sau khi được quy hoạch sẽ khai thác lợi thế sinh thái biển, cảnh đẹp thiên nhiên và không gian văn hóa sẵn có. Mỗi khu du lịch còn được xây dựng các công trình dịch vụ, công cộng, như trường học, bệnh viện đa khoa, sân vận động, cung văn hóa, chợ, hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ dân cư tại chỗ và du khách...
Trong đó, Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) quy mô khoảng 1.036 ha, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp xã Chí Công, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp phần còn lại của xã Bình Thạnh.
Dự báo dân số, lao động và du khách tại Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh đến năm 2042 khoảng 28.412 người. Trong tương lai, Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh sẽ là khu du lịch phát triển các loại hình như du lịch, thương mại, dịch vụ, dân cư... với trọng tâm là du lịch, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực ven biển Cổ Thạch - Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Theo quy hoạch, Khu du lịch ven biển Tân Thuận - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) diện tích đất khoảng 1.625 ha, gồm 1.340 ha thuộc khu vực ven biển Tân Thành và gần 285 ha thuộc khu vực ven biển Tân Thuận. Ranh giới phía Bắc giáp đường ĐT.719, phía Đông giáp xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và biển Đông, phía Tây giáp xã Tân Hải (thị xã La Gi), phía Nam giáp biển Đông. Dự báo dân số, lao động và du khách tại Khu du lịch ven biển Tân Thuận - Tân Thành đến năm 2042 khoảng 62.500 người.
Khu du lịch ven biển Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân) quy mô khoảng 2.421 ha, phía Đông giáp biển Đông và xã Sơn Mỹ, phía Tây giáp huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Nam giáp Biển Đông, phía Bắc giáp đất dân cư và đất sản xuất của xã Tân Thắng - Thắng Hải. Đến năm 2042, dự báo dân số, lao động và du khách khoảng 46.180 người.
Khu du lịch ven biển Tân Thắng - Thắng Hải được quy hoạch là khu du lịch phát triển các loại hình như du lịch, thương mại dịch vụ, dân cư... với trọng tâm là du lịch, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực ven biển Tân Thắng - Thắng Hải, huyện Hàm Tân.
Trước 3 khu du lịch này, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt quy hoạch 02 khu du lịch trên địa bàn. Đó là Khu du lịch đảo Phú Quý được phê duyệt quy hoạch tháng 10/2018 với không gian phát triển khu du lịch được xác định tại khu vực đảo Phú Quý kết nối với các đảo nhỏ lân cận như Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng, Hòn Giữa, Hòn Đỏ, Hòn Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ, Hòn Đá Tý với diện tích khoảng 1.791 ha.
Tiếp đó, đến tháng 12/2023, Tỉnh phê duyệt quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040 tầm nhìn 2050, bao gồm vùng lõi hiện tại và mở ra các khu vực lân cận, tổng diện tích 14.760 ha.
Như vậy tới nay, tỉnh Bình Thuận có tổng cộng 5 khu du lịch được quy hoạch với kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 định hướng ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực, phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh (một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Phát triển, đa dạng hóa những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino. Hình thành và phát triển một số Trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, mua sắm, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại khu du lịch quốc gia Mũi Né và các Khu du lịch trọng điểm tiềm năng của Tỉnh.
Hình thành liên kết phát triển du lịch theo chiều dọc (hướng Bắc - Nam) gắn với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, QL1A và cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Liên kết phát triển du lịch theo chiều ngang (hướng Đông - Tây) nối các khu du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Liên kết các tuyến du lịch với các địa phương trong vùng, liên vùng và cả nước; đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch quốc tế.