Cá nhân hóa quá trình dạy học - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng dạy và học trong Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu "Cá nhân hóa quá trình dạy học - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng dạy và học trong Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh"

TÓM TẮT:

Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề về lý luận tổ chức cá nhân hóa quá trình dạy học ở trường đại học. Chỉ rõ ý nghĩa quan trọng của việc dạy học sát đối tượng, nhằm phát triển trí tuệ và nhân cách. Trên cơ sở phân tích thực trạng tổ chức dạy học và những đặc điểm tâm lý của người học trong trường đại học, với những biện pháp tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa, như: tổ chức giờ lên lớp phân hóa; tổ chức giờ lên lớp theo nhóm nhỏ; sử dụng phiếu giao việc trong toàn bộ tiến trình giờ lên lớp; hướng dẫn cho sinh viên tự học. Sự phối hợp các biện pháp này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở bậc đại học trong thời đại 4.0.

Từ khóa: cá nhân hóa, dạy học theo hướng cá nhân hóa, dạy học phân hóa.

1. Đặt vấn đề

Chất lượng giáo dục đại học là tiền đề quan trọng cho chất lượng của hệ thống giáo dục. Do đó cải tiến, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học ở đại học có một ý nghĩa quan trọng. Sinh viên đến trường với những đặc điểm khác nhau về tâm, sinh lý, khả năng nhận thức, hứng thú và thói quen học tập. Việc giảng dạy hiện nay ở các trường đại học vẫn chủ yếu dựa trên trình độ trung bình của số đông người học, cách tổ chức dạy học như thế chưa phát triển hết năng lực của tất cả người học. Nghiên cứu tổ chức quá trình dạy học đại học dựa trên đặc điểm cá nhân của người học để phát huy mọi tiềm năng của họ là một hướng đi có triển vọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở các trường đại học hiện nay, vấn đề này còn chưa được nghiên cứu áp dụng một cách có hệ thống và đặc biệt là chưa có một công trình nào nghiên cứu cho đối tượng ở bậc đại học. Từ những phân tích trên, chúng tôi chọn vấn đề: “Cá nhân hóa quá trình dạy học một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh” làm sáng tỏ vấn đề.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Các biện pháp tổ chức quá trình dạy học theo hướng cá nhân hóa ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trong thời đại công nghệ 4.0 nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên.

- Phương pháp nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

Quan sát các hoạt động học tập trên lớp của sinh viên và những biện pháp giảng viên sử dụng để giảng dạy theo hướng cá nhân hóa.

Điều tra bằng hệ thống các bảng hỏi nhằm thu thập những thông tin về nhận thức của giảng viên và thực trạng tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa ở các khoa làm cơ sở cho việc xác lập các biện pháp và quy trình dạy học theo hướng cá nhân hóa.

Thực nghiệm sư phạm để khẳng định tính đúng đắn, tính hiệu quả và tính khả thi của các biện pháp dạy học theo hướng cá nhân hóa ở trường đại học.

3. Kết quả và diễn giải phân tích kết quả

3.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tổ chức dạy học cá nhân hóa ở trường đại học trong thời đại 4.0

Dạy học theo hướng cá nhân hóa là hoàn thiện các ý tưởng dạy học chú ý tới các đặc điểm của từng sinh viên để tích cực hóa các hoạt động học tập, nhằm phát triển hết năng lực vốn có của họ.

Trong quá trình phát triển ở mỗi người có những đặc điểm cá biệt, chúng biến đổi, phát triển trong tác động qua lại với môi trường, với các yếu tố bên ngoài, đồng thời quyết định sự phát triển cá nhân. Cá nhân hóa là sự phân biệt sinh viên trong quá trình dạy học, tính đến những đặc điểm vốn có của nó để tổ chức quá trình dạy học. Trong khi tổ chức dạy học, nếu người thầy giáo biết vận dụng những biện pháp, những cách thức tiếp cận với từng cá nhân một cách đầy đủ sẽ làm tăng hiệu quả của việc dạy học.

Như vậy, cá nhân hóa được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau: Cá nhân hóa là một nguyên tắc quan trọng của lý luận dạy học và toàn bộ quá trình dạy học phải vận hành theo sự chỉ đạo đó. Cá nhân hóa là cách tổ chức quá trình dạy học theo đặc điểm cá biệt của từng cá nhân sinh viên, như là một tiêu chuẩn để thực hiện được sự phân hóa trong quá trình dạy học. Sự phân hóa dạy học một cách sâu sắc nhất chính là việc thực hiện sự cá nhân hóa trong dạy học.

Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng: Dạy học cá nhân hóa là tổ chức dạy học làm cho mỗi sinh viên tiến hành hoạt động học tập theo trình độ, nhịp độ cá nhân, tạo điều kiện cho họ bộc lộ và phát triển tài năng, đồng thời vẫn duy trì được mục tiêu chung của dạy học.

Bản chất của dạy học theo hướng cá nhân hóa là sự lựa chọn nội dung, áp dụng các phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dạy học tập thể, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm sinh viên về mọi phương diện như trình độ nhận thức, nhu cầu, động cơ, hứng thú, thói quen học tập, để xây dựng một quá trình dạy học tích cực phù hợp với từng cá nhân trên cơ sở đảm bảo được mục tiêu chung.

Tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa sẽ khơi dậy, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, vừa tôn trọng nhu cầu, lợi ích, khả năng của người học, vừa hướng họ vào việc rèn luyện khả năng tự chủ, sáng tạo, thích ứng với đời sống xã hội.

Dạy học theo hướng cá nhân hóa coi trọng phương pháp làm việc cá nhân, phương pháp tự học, phát huy sự tìm tòi, độc lập của từng sinh viên hoặc thông qua sự hỗ trợ của nhóm, của tập thể, trong đó giáo viên quan tâm đến trình độ cá nhân và nhóm để thiết kế và thực hiện giờ lên lớp một cách có quả.

Tổ chức quá trình dạy học theo hướng cá nhân hóa coi trọng người học với những phẩm chất, năng lực của họ. Người học vừa là chủ thể, vừa là mục đích của quá trình dạy học. Sự trợ giúp của các phương pháp dạy học, phương tiện, thiết bị hiện đại làm cho tiềm năng của mỗi cá nhân phát triển tối đa.

3.2. Thực trạng dạy học theo hướng cá nhân hóa ở trường đại học

Để nghiên cứu về thực trạng việc dạy học cá nhân hóa ở trường đại học, chúng tôi điều tra khảo sát ý kiến của đội ngũ giảng viên, kết quả khảo sát cho thấy như sau:

- Nhận thức ý nghĩa của việc tổ chức quá trình dạy học theo hướng cá nhân hóa: Để tìm hiểu nhận thức của giáo viên về ý nghĩa của việc tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa ở các trường đại học là: Kích thích hứng thú học tập; Thực hiện được sự phân hóa dạy học; Phát huy tính tích cực, chủ động; Đảm bảo mối liên hệ ngược; Nâng cao hiệu quả bài dạy; Đảm bảo tính vững chắc của quá trình đào tạo. 

Bảng 1. Kết quả khảo sát đánh giá ý nghĩa của việc tổ chức dạy học cá nhân hóa

day va hoc

- Những biện pháp tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa được sử dụng trong các trường đại học bao gồm: Tổ chức đôi bạn học tập; Phụ đạo riêng; Tổ chức học tập qua nhóm nhỏ; Sử dụng phiếu giao việc qua E-Leanning; Quan tâm đến từng người học.

- Những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa ở trường đại học là: Sĩ số lớp quá đông; Cơ sở vật chất thiếu thốn; Giảng viên không được trang bị về dạy học cá nhân hóa; Thói quen sử dụng phương pháp truyền thống; Tốn kém thời gian soạn bài; Không có thời gian để cá nhân hóa; sinh viên không có khả năng độc lập.

Bảng 2. Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức dạy học cá nhân hóa

day va hoc

Các nguyên nhân như: nội dung, phương pháp, hình thức dạy học mới cũng gây không ít trở ngại cho giáo viên.

Như vậy, qua khảo sát thực tế ở các trường đại học cho thấy: Ở các trường đại học giáo viên có quan tâm đến việc tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa, tuy mức độ quan niệm về cá nhân hóa có khác nhau ở mỗi người cũng như ở mỗi vùng, nhưng điểm nổi bật chung là giáo viên đã quan tâm đề cập đến việc tổ chức dạy học như thế nào để góp phần cải tiến, đổi mới quá trình dạy học của mình, góp phần thúc đẩy quá trình nhận thức cá nhân phát triển.

3.3.  Các biện pháp tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn dạy học ở các trường đại học, chúng tôi đề xuất hệ thống các biện pháp tổ chức dạy học theo hướng sau đây:

3.3.1. Tổ chức giờ lên lớp phân hóa

Giờ lên lớp phân hóa là giờ lên lớp được tổ chức trên cơ sở phân loại sinh viên với các tiêu chí về thành tích học tập, tính độc lập nhận thức và hứng thú học tập.

Tiến hành phân hóa theo các nhiệm vụ của giờ lên lớp phù hợp với lực học của sinh viên. Trên cơ sở chương trình môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các điều kiện dạy học cụ thể của từng trường, giáo viên xác định mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập ở mỗi nhóm, mỗi sinh viên để tổ chức, hướng dẫn họ học tập.

Phân hóa nội dung giờ lên lớp theo lực học: Nội dung giờ lên lớp học được cấu trúc phù hợp với từng loại đối tượng, với đặc điểm của mỗi nhóm, các cấu trúc ấy có các khâu và lôgic đặc trưng, thời gian dành cho mỗi khâu có thể khác nhau. Cấu trúc giờ lên lớp mềm dẻo, linh hoạt.

3.3.2. Tổ chức giờ lên lớp theo trình độ nhận thức

Giờ lên lớp phân hóa theo trình độ nhận thức của sinh viên là căn cứ vào trình độ lực học có thực, vào năng lực nhận thức của sinh viên để tổ chức dạy học.

Trong điều kiện lớp đông, sinh viên được phân thành các nhóm giỏi, khá, trung bình, kém. Căn cứ vào các nhóm phân hóa này, giáo viên tiến hành những tác động dạy học khác nhau. Trong các trường hợp đặc biệt, có thể tổ chức các lớp ghép sinh viên có trình độ khác nhau vào cùng một lớp do một giáo viên giảng dạy cho tất cả các đối tượng đó.

Giáo viên phải dự tính trước những tình huống xảy ra cho mỗi nhóm, cũng như cá nhân với những đặc điểm riêng biệt để có phương án xử lý cho phù hợp.      

3.3.3. Tổ chức giờ lên lớp theo nhịp độ nhận thức

Giờ lên lớp tổ chức theo nhịp độ nhận thức là giờ lên lớp được tiến hành dựa trên khả năng lĩnh hội của sinh viên. Mỗi sinh viên có năng lực học tập khác nhau cho nên họ có thể tiếp thu, lĩnh hội nội dung giờ lên lớp với những khoảng thời gian khác nhau. Nhịp độ lĩnh hội liên quan mật thiết với tốc độ lĩnh hội, thời gian là dấu hiệu đặc trưng, chúng ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Tốc độ lĩnh hội được tính bằng lượng thông tin được lĩnh hội trên một đơn vị thời gian.

Để tổ chức dạy học theo nhịp độ nhận thức, giáo viên phải tiến hành các công việc cụ thể như nghiên cứu nhịp độ học tập của sinh viên để chia nhóm phân hóa. Nhịp độ nhận thức của cá nhân cũng như của nhóm phụ thuộc đặc điểm tâm lý lứa tuổi và đặc điểm cá nhân.

3.3.4. Tổ chức giờ lên lớp theo nhu cầu và hứng thú học tập của sinh viên

Đó là giờ lên lớp được tổ chức dựa trên nhu cầu và hứng thú học tập của sinh viên để lựa chọn các tác động sư phạm thích hợp giúp trẻ em chủ động tích cực học tập, từ đó đạt kết quả tốt hơn.

Khi nói sinh viên có hứng thú học tập với môn học nào đó là ta thừa nhận rằng sinh viên này đã có ý thức và hiểu rõ ý nghĩa của môn học đối với bản thân, có cảm tình đặc biệt đối với môn học. Giáo viên nên nắm bắt điều này để tổ chức dạy học cho có hiệu quả.

Một sinh viên có hứng thú học tập đối với môn học nào đó thì họ say sưa học tập và học tập có kết quả. Hứng thú học tập của sinh viên hình thành và phát triển phụ thuộc vào nội dung, phương pháp, tổ chức dạy học của giáo viên và nhu cầu học tập của bản thân sinh viên. Có hứng thú học tập đối với môn học nào là điều kiện cần để có kết quả học tập tốt.

Công việc cụ thể của giáo viên tiến hành trong một giờ lên lớp như sau:

Điều tra, xác định nhu cầu và hứng thú học tập của các em về vấn đề học tập. Xác định rõ các nhu cầu đó mang tính cá nhân hay mang tính tập thể.

Chuẩn bị các phương tiện dạy học khác nhau để vận dụng trong giờ lên lớp để tạo thêm hứng thú.

Xác định các biện pháp thích hợp để phát triển nhu cầu và hứng thú học tập cho từng sinh viên, từng nhóm sinh viên đối với từng môn học:

3.4.5. Tổ chức giờ lên lớp theo nhóm nhỏ (nhóm hỗn hợp)

Tổ chức giờ lên lớp theo nhóm nhỏ là hình thức tổ chức dạy học, trong đó sinh viên được chia vào các nhóm để hợp tác với nhau, với kiến thức và kinh nghiệm của mỗi người, qua trao đổi, tranh luận mà góp sức tìm tòi, thâu lượm kiến thức.

Dạy học theo nhóm luôn đặt sinh viên trước các tình huống cụ thể, sinh động của các vấn đề học tập, và chính trong tình huống này nhu cầu tìm tòi, khám phá sáng tạo của sinh viên được nảy sinh. Tự đặt mình vào tình huống để suy nghĩ, tìm tòi, tìm ra kiến thức mới, nhờ vậy, sinh viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức vào tình huống khác nhau của cuộc sống. Có thể nói, nhóm học tập là nơi cụ thể hóa những yêu cầu chung, những chuẩn mực tổng quát của nhà trường làm cho chúng phù hợp với cá nhân.

Dạy học theo nhóm có thể sử dụng vào mục tiêu cá nhân hóa trong dạy học rất có hiệu quả, có thể coi đây là một phương hướng quan trọng để nâng cao chất lượng các giờ lên lớp.

Khi nghiên cứu hoạt động nhóm trong một giờ lên lớp đã chỉ ra hoạt động đó có những thành phần sau:

Giáo viên đề ra những nhiệm vụ học tập cho các nhóm.

Giáo viên có chỉ dẫn ngắn, chuẩn bị sơ bộ cho sinh viên nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ của nhóm.

Các nhóm thảo luận và lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ học tập, xác định những cách giải quyết, phân công trách nhiệm cho từng người.

Giáo viên quan sát, hiệu chỉnh công tác, các kết quả thảo luận của nhóm và từng sinh viên.

Các thành viên trong nhóm kiểm tra lẫn nhau về việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.

Giáo viên nhận xét về những kết quả thu được của các nhóm, sau đó tổ chức thảo luận chung trong lớp, cuối cùng sửa chữa, bổ sung và rút ra kết luận.

Đánh giá cá nhân, công tác của nhóm và của lớp nói chung.

3.3.6. Tổ chức giờ lên lớp qua Phiếu giao việc

Tổ chức dạy học trên lớp thực chất là quá trình điều khiển hoạt động nhận thức của sinh viên để giúp các em làm chủ tri thức, hình thành kỹ năng. Trong tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa hoạt động của giáo viên đi sâu vào 2 nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất: Đưa ra hệ thống mệnh lệnh điều khiển tiến trình nhận thức của sinh viên.

Thứ hai: Giáo viên quan tâm đến từng hoạt động và kiểm soát các hoạt động đó của từng sinh viên, có tính đến cái chung của lớp và cái riêng trong nhân cách người học.

Về bản chất: Phiếu giao việc là bảng ghi hệ thống những công việc mà sinh viên cần phải tiến hành để tự mình chiếm lĩnh nội dung giờ lên lớp, hình thành những kỹ năng, kỹ xảo. Những công việc này bắt nguồn từ nội dung giờ lên lớp và được giáo viên thiết kế để sinh viên dựa vào đó mà thực hiện.

3.3.6.  Hướng dẫn cho sinh viên tự học ở nhà

Tổ chức dạy học theo hướng cá nhân hóa không chỉ diễn ra trên lớp mà còn cần tổ chức hướng dẫn cho sinh viên tự học ở nhà cho phù hợp với khả năng của mình.

Bản chất của việc tổ chức hướng dẫn cho sinh viên tự học ở nhà là sự tiếp tục logic các hoạt động trên lớp, tạo cơ hội cho sinh viên tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập với một yêu cầu cao.

Các hoạt động tự học ở nhà của sinh viên bao gồm các công việc sau:

Hoàn thiện các giờ lên lớp, mở rộng, đào sâu các tri thức đã được giáo viên cung cấp trên lớp thông qua việc nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo.

Hoàn thành các bài tập, các công việc thực hành ứng dụng mà trên lớp chưa có điều kiện thực hiện.

Chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu trước các nội dung sẽ học nhằm tiếp thu tốt bài học mới.

Ôn tập, củng cố hệ thống hóa tri thức đã học, chuẩn bị cho các kỳ thi.

Tiến hành các hoạt động học tập nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức.

Như vậy, việc tổ chức cho sinh viên tự học ở nhà là một biện pháp quan trọng để tiến hành dạy học theo hướng cá nhân hóa.

4. KẾT LUẬN

Ở mỗi sinh viên đều tiềm ẩn những năng lực khác nhau, thể hiện trong mỗi giờ lên lớp và là nhân tố quan trọng tạo ra kết quả học tập của họ. Chủ nghĩa bình quân cào bằng trong dạy học là một nghịch lý đối với sự phát triển của mỗi cá nhân theo đặc điểm cá biệt của họ.

Dạy học theo hướng cá nhân hóa là quá trình tổ chức dạy học, làm cho mỗi sinh viên tiến hành hoạt động học tập bằng hành động của chính mình theo trình độ, nhịp độ và những điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, tạo điều kiện cho các em bộc lộ và phát triển tài năng của mình, đồng thời vẫn duy trì được mục tiêu chung của dạy học.

Tiêu chí để phân loại sinh viên trong một lớp học nên sử dụng là: Thành tích học tập; tính độc lập nhận thức; hứng thú học tập. Trên cơ sở phân loại này, giáo viên có thể sử dụng các biện pháp giúp đỡ sinh viên một cách có hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Lê Thái Hưng - Nguyễn Thái Hà, (6/2021), Xu thế kiểm tra, đánh giá năng lực người học trên nền tảng công nghệ, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 42.

[2]. Mary A.W., Elizabeth B., Nancy M, (2017), Dẫn đầu về Học tập Kỹ thuật số và Cá nhân hóa: Khuôn khổ Thực hiện Thay đổi Trường học, Nhà xuất bản Giáo dục Harvard, trang 15-34.

[3]. Sampson, D., Karagiannidis, C., & Kinshuk, (2002), Học tập được cá nhân hóa: quan điểm giáo dục, công nghệ và tiêu chuẩn hóa, Đa phương tiện giáo dục tương tác: IEM, 4(4), 24-39

 

TS. Đặng Hữu Giang (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

 

Personalizing the teaching process - An effective solution to enhance the quality of

teaching and learning in Ho Chi Minh City University of Food Industry

Ph.D Dang Huu Giang

Ho Chi Minh City University of Food Industry

Abstract:

This study sheds light on the theoretical issues of individualizing the teaching process at universities. The study points out the important meaning of teaching close to the object in order to develop intelligence and personality. The study analyzes the current teaching organization and psychological characteristics of learners in universities, and measures to organize teaching towards personalization learning, such as: organizing differentiated class times, organizing class time in small groups, using the assignment sheet throughout the entire class schedule, and guiding for self-study students. The combination of these measures has contributed to improving the quality of teaching at the university level in the Industry 4.0 era.

Keywords: personalization, personalized learning, differentiated instruction.