Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Cam kết của các nước CPTPP
- Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
- Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.
- Peru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Chile cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Australia cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.
- New Zealand cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.
- Singapore cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.
- Malaysia cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Malaysia lên tới 99,9%.
- Brunei cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.
Một số lưu ý đối với các ngành chủ chốt
Ngành gỗ
CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.
Dệt may
Khác với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định CPTPP có chương riêng về dệt may. Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù. Nội dung cam kết về dệt may bao gồm:
- Cơ chế tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu (khác với cơ chế tự vệ chung của Hiệp định).
- Với thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 98,8% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương với 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với một số thị trường mà Việt Nam chưa có FTA như Peru và Mexico, thuế nhập khẩu của hàng dệt may được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.
-Về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may
Quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP.
So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc đưa ra yêu cầu ở mức cao. Tuy nhiên, các thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như:
- 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp;
- Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.
Ngành giày da
CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mexico và Canada. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn. Mặc dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các doanh nghiệp da giầy của Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
[Quảng cáo]