Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á - Chi nhánh Đồng Nai

THS. BÙI VĂN THỤY1 - VÕ THỊ MỸ DUYÊN2 - LÊ NGUYỄN THU UYÊN2 (1Giảng viên, Trường Đại học Lạc Hồng - 2 Sinh viên, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP)  Nam Á - Chi nhánh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Đồng Nai, gồm: Giới tính chủ hộ (Gioitinh), Quy mô kinh doanh (Quymo), Số năm hoạt động (Sonam), Tài sản thế chấp (Taisan), Doanh thu hộ kinh doanh (Doanhthu), Tuổi chủ hộ (Tuoi). Từ đó, nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận tín dụng khi có nhu cầu, đồng thời giúp ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay hộ kinh doanh cá thể trong thời gian tới.

Từ khóa: tín dụng, hộ kinh doanh cá thể, tiếp cận tín dụng, Nam Á bank Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế quốc dân, hộ kinh doanh cá thể (HKDCT) đóng vai trò quan trọng và tham gia hoạt động kinh tế trong mọi ngành nghề. Để hoạt động hiệu quả, chủ động trong kinh doanh, các HKDCT huy động nhiều nguồn vốn khác nhau từ nhiều phía như: người thân, bạn bè, đối tác, tổ chức tín dụng quy mô nhỏ cho đến các ngân hàng thương mại (NHTM). Nhận thấy được tầm quan trọng của hộ kinh doanh trong chuỗi phát triển kinh tế, Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể từ các NHTM còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Khả năng HKDCT đủ điều kiện  hoặc chỉ được vay vốn với hạn mức thấp còn ít, chỉ chiếm khoảng 30% tổng số hộ kinh doanh cá thể.

Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua các NHTM đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ các HKDCT tiếp cận vay vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Đồng Nai cũng nỗ lực hết mình, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều từ phía HKDCT. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của HKDCT là cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Hộ kinh doanh cá thể

Theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, có thể hiểu Hộ kinh doanh cá thể là cá nhân hoặc hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định, không thường xuyên thuê lao động, không có con dấu, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh.

2.2. Tiếp cận tín dụng

Tiếp cận tín dụng chính thức có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Rose (2015) và Casu (2013) cho thấy, tiếp cận tín dụng chính thức là việc khách hàng có khả năng sử dụng vốn của tổ chức tín dụng (TCTD) dựa trên việc đáp ứng các nghĩa vụ về tài chính, trong đó nhấn mạnh tới khả năng hoàn trả cả gốc và lãi. Như vậy, tiếp cận tín dụng của HKDCT chính là khả năng HKDCT có thể vay vốn và sử dụng nguồn vốn từ các NHTM để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

2.3. Các lý thuyết nền

2.3.1. Lý thuyết cung cầu tín dụng

Theo Hesser and Schuh (1962), việc tiếp cận tín dụng được bắt đầu với lý thuyết cầu tín dụng của một cá nhân hoặc một hộ gia đình. Quyết định cung vốn tín dụng phụ thuộc vào lãi suất. Lãi suất chính là chi phí cơ hội của khoản vay và được xác định dựa trên số tiền vay và chất lượng của người đi vay. Tuy nhiên, một số học giả lại cho rằng lý thuyết cung cầu tín dụng dựa vào lãi suất không thể giải thích khả năng tiếp cận vốn của người đi vay, do trên thực tế quyết định cung tín dụng không được điều chỉnh bởi lãi suất trên thị trường, trong khi quyết định cho vay phụ thuộc vào cách mà người cho vay lựa chọn người đi vay dựa trên thông tin của người đi vay.

2.3.2. Lý thuyết thông tin bất cân xứng

Lý thuyết thông tin bất cân xứng lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển lý thuyết này là G.A.Akerlof (1970), Michael Spence (1973) và tiếp tục được phát triển bởi Joseph Stigliz (1975). Lý thuyết thông tin bất cân xứng ngụ ý người cho vay không hiểu rõ mức độ rủi ro của người đi vay nên họ không thể phân biệt giữa người đi vay có rủi ro hay không, cũng như mức độ hoàn trả nợ vay của người đi vay. Nếu không phân biệt được, điều tự nhiên là người cho vay sẽ yêu cầu người đi vay trả lãi suất cao hơn để bù đắp thiệt hại do rủi ro gây ra. Các NHTM đưa ra quyết định cấp tín dụng và cấp bao nhiêu dựa trên các thông tin mà họ nhận được từ khách hàng như đặc điểm của khách hàng, lịch sử khả năng trả nợ, tài sản thế chấp, mục đích sử dụng khoản vay và khả năng tài chính hoàn trả nợ vay.

2.4. Các nghiên cứu trước đây

Trong lĩnh vực ngân hàng, trong lĩnh vực tín dụng, tiếp cận tín dụng đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện, tiêu biểu như: Diagne (1999), Gobezie và Garber (2007), Pastrapa và Apostolopoulos (2015), Biyase và Fisher (2017), Forum for Social Economics (2020), Sử Ngọc Anh (2012), Vũ Thị Hường Ngát (2015), Lê Trung Kiên (2016), Nguyễn Hữu Đặng, Trần Thị Kiều Tiên (2019).

Ngoài ra còn có rất nhiều bài nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên mỗi nghiên cứu đều đứng dưới góc độ nghiên cứu khác nhau và nhận định đưa ra cũng khác nhau. Nghiên cứu này được kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây, cũng như thực trạng tại Nam Á Bank Đồng Nai, từ đó đưa ra nhận định riêng của mình về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của HKDCT.

2.5. Mô hình nghiên cứu

Căn cứ vào mô hình lý thuyết nền và kết quả các nghiên cứu trước đây, nhóm đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu tiến hành thiết lập thang đo các yếu tố ảnh hướng đến khả năng tiếp cận tín dụng của HKDCT như mô hình nghiên cứu, cụ thể:

- Khả năng tiếp cận tín dụng (TiepcanTD): TiepcanTD = 01 khi hộ kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng; TiepcanTD = 0 khi hộ gia đình không tiếp cận được tín dụng của ngân hàng.

- Tuổi chủ hộ (Tuoi): Tuổi của chủ hộ tính đến năm 2022.

- Trình độ học vấn (Trinhdo): Trinhdo = 1 khi chủ hộ có trình độ Trung học phổ thông trở xuống; Trinhdo = 2 khi chủ hộ có trình độ trung cấp, cao đẳng; Trinhdo = 3 khi chủ hộ có trình độ đại học; Trinhdo = 4 khi chủ hộ có trình độ sau đại học.

- Giới tính chủ hộ (Gioitinh): Gioitinh = 1 khi chủ hộ là nam giới; Gioitinh = 0 khi chủ hộ là nữ giới.

- Quy mô kinh doanh (Quymo): Số lượng thành viên lao động trong hộ kinh doanh.

- Doanh thu hộ kinh doanh (Doanhthu): Doanh thu bình quân trong một năm (triệu đồng).

- Tài sản thế chấp (Taisan): Taisan = 1 khi hộ kinh doanh có tài sản thế chấp cho khoản vay; Taisan = 0 khi hộ kinh doanh có tài sản thế chấp cho khoản vay.

- Số năm hoạt động (Sonam): Số năm hoạt động kinh doanh tính đến năm 2022.

Thông qua bộ phận quan hệ khách hàng, cũng như tiếp cận các hộ kinh doanh cá thể trong khu vực Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhóm tiến hành phát ra 180 phiếu khảo sát và thu về 152 phiếu hợp lệ, số lượng phiếu này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thống kê. Dữ liệu thu thập được tổng hợp, phân tích bằng phần mềm SPSS. Bên cạnh đó, các số liệu thứ cấp liên quan đến hoạt động tại Nam Á Bank Đồng Nai được thu thập và xử lý. Đây chính là cơ sở nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp HKDCT, ngân hàng Nam Á Bank Đồng Nai phát triển tín dụng đối với khách hàng HKDCT trong thời gian tới.

4. Kết quả nghiên cứu

Dữ liệu sau khi được thu thập, sẽ tiến hành phân tích thống kê mô tả, phân tích ma trận tương quan và hồi quy, kết quả như sau:

* Kết quả kiểm định ma trận tương quan (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả ma trận tương quan giữa các biến độc lập

 

Constant

Tuoi

Gioitinh

Quymo

Doanhthu

Taisan

Sonam

Step 1

Constant

1.000

 

 

 

 

 

 

Tuoi

-0.492

1.000

 

 

 

 

 

Gioitinh

-0.716

0.445

1.000

 

 

 

 

Quymo

-0.119

-0.589

-0.133

1.000

 

 

 

Doanhthu

-0.774

0.365

0.662

0.147

1.000

 

 

Taisan

0.524

-0.185

-0.178

-0.238

-0.546

1.000

 

Sonam

-0.614

-0.033

0.192

0.328

0.605

-0.477

1.000

                                    Nguồn: Phân tích số liệu của nhóm tác giả

Kết quả của Bảng 1 cho thấy, các biến độc lập trong mô hình hồi quy đều có các hệ số tương quan < 0.8. Từ đó cho thấy, chưa nhận thấy có dấu hiệu hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình.

Nghiên cứu tiến hành phân tích hồi quy Binary Logistic, kết quả tại Bảng 2:

Bảng 2. Kết quả hồi quy

 

B

S.E.

Wald

df

Sig.

Exp(B)

Step 1a

Tuoi

0.022

0.076

0.086

1

0.036

1.023

Gioitinh

2.953

1.520

3.773

1

0.042

19.172

Quymo

0.724

0.420

2.977

1

0.036

2.063

Doanhthu

0.075

0.023

10.924

1

0.001

1.078

Taisan

0.457

1.180

0.150

1

0.005

0.633

Sonam

0.572

0.247

5.345

1

0.021

1.772

Constant

-29.822

9.098

10.744

1

0.001

0.000

                                            (Nguồn: Phân tích số liệu của tác giả

Kết quả được viết lại theo phương trình sau:

Gõ lại công thức:

P(TiepcanTD = 1) / P(TiepcanTD = 0) = -29.822 + 0.022 * Tuoi + 2.953 * Gioitinh + 0.724 * Quymo + 0.075 * Doanhthu + 0.457 * Taisan + 0.572 * Sonam

Kết quả Bảng 2 cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Nam Á Bank Đồng Nai được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, gồm: Giới tính chủ hộ (Gioitinh), Quy mô kinh doanh (Quymo), Số năm hoạt động (Sonam), Tài sản thế chấp (Taisan), Doanh thu hộ kinh doanh (Doanhthu), Tuổi chủ hộ (Tuoi).

Kết quả tại Bảng 3 cho thấy, mô hình xây dựng được hoàn toàn phù hợp, các biến có ý nghĩa trong việc giải thích sự thay đổi của biến phụ thuộc là khả năng tiếp cận tín dụng HKDCT tại Nam Á Bank Đồng Nai.

Ngoài ra, kết quả dự báo của mô hình cho kết quả với độ chính xác là 93,4%, đây là tỷ lệ dự báo rất cao, chứng tỏ mô hình xây dựng hoàn toàn phù hợp.

5. Kết luận

Trong hoạt động phát triển hoạt động tín dụng tại các NHTM, việc nghiên cứu các yếu tố từ khách hàng luôn được chú trọng đầu tư. Từ kết quả phân tích thực trạng hoạt động cho vay HKDCT tại Nam Á Bank Đồng Nai, cũng như kết quả phân tích số liệu khảo sát từ 152 HKDCT, nhóm nghiên cứu đề xuất 2 giải pháp sau: (1) Giải pháp đối với Nam Á Bank Đồng Nai gồm: (i) Nâng cao chất lực nguồn lực; (ii) Đơn giản hóa các thủ tục và quy định vay vốn;  (iii) Tăng cường nắm bắt thông tin khách hàng; (iv) Đẩy mạnh hoạt động marketing; (v) Đẩy mạnh công tác phồi hợp; (vi) Tăng cường hoạt động theo dõi, giám sát kiểm tra. (2) Giải pháp đối với HKDCT gồm: đẩy mạnh động kinh doanh của mình, mạnh dạn gửi hồ sơ vay vốn khi có nhu cầu,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Biyase, M., & Fisher, B. (2017). Determinants of Access to Formal Credit by the Poor Households. Studia Universitatis Babes-Bolyai Oeconomica, 62(1), 50-60.
  2. Diagne, A. (1999). Determinants of household access to and participation in formal and informal credit markets in Malawi. FCND discussion papers 67, International Food Policy Research Institute (IFPRI).
  3. Duy, V. Q., D’Haese, M., Lemba, J., & D’Haese, L. (2012). Determinants of household access to formal credit in the rural areas of the Mekong Delta, Vietnam. African and Asian studies, 11(3), 261-287.
  4. Huỳnh Thế Ngà (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ trên địa bàn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Quốc Oánh, Phạm Thị Mỹ Dung (2010). Khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân: Trường hợp nghiện cứu ở vùng cận ngoại thành Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Phát triển, tập 8, số 1.
  6. Nguyễn Phượng Lê, Nguyễn Mậu Dũng (2011). Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức của hộ nông dân ngoại thành Hà Nội: nghiên cứu điển hình tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ. Tạp chí Khoa học và Phát triển, tập 9, số 5, 844-852.
  7. Lê Khương Ninh, Phạm Văn Dương (2011). Phân tích các yếu tố quyết định lượng vốn vay tín dụng chính thức của hộ nông dân ở An Giang. Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, số 60, trang 8-15.
  8. Lê Khương Ninh và Phạm Văn Dương (2011). Các yếu tố quyết định lượng vốn vay chính thức của nông hộ ở Hậu Giang. Tạp chí Ngân hàng, số 9, trang 42- 48.
  9. Lê Trung Kiên (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ tại huyện U Minh tỉnh Cà Mau. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Sekyi, S. (2017). Rural Households’ Credit Access and Loan Amount in Wa Municipality, Ghana. International Journal of Economics and Financial Issues, 7(1), 506-514.
  11. Sử Ngọc Anh (2012). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của tiểu thương tại chợ, Trung tâm thương mại trên địa bàn Quận 5, thành Thố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Factors affecting the credit access of individual business households at  Nam A Commercial Joint Stock Bank - Dong Nai province branch

Master. Bui Van Thuy1

Vo Thi My Duyen2

Le Nguyen Thu Uyen2

1Lecturer, Lac Hong University

2 Student, Lac Hong University

ABSTRACT:

This study analyzes the factors affecting the access of individual business households to credit at Nam A Commercial Joint Stock Bank, Dong Nai province branch (Nam A Bank  - Dong Nai Branch). The quantitative research method is used in this study to analyze data from 152 individual business households who have borrowed money from Nam A Bank  - Dong Nai Branch. The study finds out that there are 6 factors affecting the credit access of individual business households at the bank including the gender of household head, business size, number of years in business, collateral, business household revenue, and age of household head. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help individual business households easily access credit sources and also support the bank to expand its credit activities for individual business households in the near future.

Keywords: credit, individual business households, access to credit, Nam A Bank - Dong Nai Branch.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10  năm 2022]