Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

PGS.TS. HÀ NAM KHÁNH GIAO (Trưởng khoa Vận tải Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam) - NGUYỄN ĐẶNG THANH NHẬT (Chuyên viên Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xem xét thực trạng chuyển hộ kinh doanh cá thể (HKD) thành doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bình Dương, bằng việc khảo sát 357 chủ hộ. Công cụ Cronbach’s alpha, EFA và phân tích hồi quy bội được sử dụng. Kết quả đã đưa ra được mô hình 5 yếu tố tác động đến quyết định chuyển đổi từ HKD thành DN, sắp theo thứ tự giảm tầm quan trọng: doanh thu bình quân, kinh nghiệm quản lý, ngành nghề hoạt động, môi trường kinh doanh, tiếp cận tài chính. Mô hình binary logistic tính toán sự tác động của các nhân tố trong việc HKD quyết định chuyển đổi thành DN khẳng định giá trị thực tiễn qua kết quả thực nghiệm thu được. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các gợi ý về giải pháp, kiến nghị đến các bộ phận quản lý có liên quan, nhằm khuyến khích việc chuyển đổi từ HKD thành DN tại tỉnh Bình Dương.

Từ khóa: Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương, khuyến khích việc chuyển đổi.

1. Giới thiệu

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã tạo ra nhưng cơ hội cho các DN hơn HKD, như giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp nhận vốn và công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp, nhờ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, học tập được công nghệ quản lý mới. Ngoài ra, Nhà nước mới chỉ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có chính sách riêng cho HKD.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê (2005-2019), số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua. Năm 2007, số lượng HKD là 3,7 triệu hộ, đến năm 2019 đã tăng đến hơn 5,6 triệu hộ, tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 4,3%, gấp 8 lần số lượng DN. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh này lại có xu hướng hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức nhiều hơn để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có vị trí địa lí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống giao thông khá hoàn thiện cùng hệ thống các khu công nghiệp đã và đang được xây dựng trong những năm qua, đã tích cực thực hiện được việc thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh của các DN trong, ngoài nước và các HKD. Tính đến ngày 30/04/2017, có 143.834 HKD, trong khi đó số DN đăng ký hoạt động tính đến cuối năm 2018 là 36.541, việc này tạo ra sự mất cân đối và khó khăn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GDP ở tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, trong đó, xu hướng hiện nay là phát triển mô hình tổ chức DN theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Như vậy, việc tập trung phân tích hoạt động khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HKD chuyển đổi thành DN nhằm mục đích cuối cùng là tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương, đồng thời đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm khuyến khích, hỗ trợ HKD chuyển đổi thành DN là việc cần thiết.

2. Tổng quan lý thuyết nghiên cứu

2.1. Khái niệm hộ kinh doanh và doanh nghiệp

Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký DN: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Chương VI Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định một tổ chức có tư cách pháp nhân phải đủ 04 điều kiện: (1) Thành lập hợp pháp; (2) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (3) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và (4) Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do kinh tế hộ không đủ điều kiện về tổ chức và tài sản nên không phải là pháp nhân. HKD là một đơn vị kinh tế độc lập, trực tiếp kinh doanh hàng hóa và là chủ thể của mọi hoạt động kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. HKD hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 quy định “DN là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Theo Tạ Đức Khánh (2012), chức năng của DN là mua các nguồn lực đầu vào về các dịch vụ lao động, vốn và nguyên liệu thô để chuyển chúng thành hàng hóa và dịch vụ để bán. Sau đó những người chủ sở hữu các nguồn lực lại sử dụng thu nhập có được từ việc bán dịch vụ hoặc các nguồn lực đó để mua các hàng hóa do DN khác sản xuất. Như vậy, dòng luân chuyển khép kín cùa hoạt động kinh tế được hoàn thành. Trong quá trình cung ứng hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu xã hội, các DN tạo việc làm cho lao động và đóng thuế cho Chính phủ. Chính phủ lấy thuế đó để cung cấp các dịch vụ công.

Sự hình thành và phát triển DN ở Việt Nam theo nhiều xuất xứ khác nhau: Các DN được hình thành từ HTX tiểu thủ công nghiệp nông nghiệp có từ lâu đời, tồn tại và phát triển qua cả thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từ các doanh nghiệp của Nhà nước thành lập theo cơ chế cũ (các doanh nghiệp Trung ương và địa phương). Số lượng DN của các thành phần kinh tế có sự biến động rất lớn. Khu vực kinh tế tư nhân trong công nghiệp tăng nhanh, từ 567 doanh nghiệp (năm 1986) lên 959 doanh nghiệp (năm 1991) và 714.000 doanh nghiệp (năm 2019). Theo tính toán của nhóm nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nếu xét cả tiêu chí lao động thì ở Việt Nam hàng năm có tới 30.000 đến 50.000 DN mới thành lập và Chính phủ vẫn thúc đẩy thành lập thêm với các chương trình khởi sự DN.

Lợi ích đối với HKD khi thực hiện chuyển đổi thành DN là khá rõ ràng. Về pháp lý, HKD không có tư cách pháp nhân, nhưng DN có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, tạo niềm tin cho khách hàng khi giao dịch. DN được pháp luật điều chỉnh các quan hệ bên trong, pháp luật bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp. Trong khi HKD phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, DN chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ của công ty, hạn chế rủi ro của mô hình hộ kinh doanh. Trường hợp DN kinh doanh thua lỗ thì được phép phá sản theo Luật Phá sản.

Về phạm vi hoạt động, HKD chỉ được phép kinh doanh trong một địa bàn nhất định, không thể thành lập các đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước, khi chuyển đổi sang mô hình DN, hạn chế này sẽ bị xóa bỏ. Về tài chính, HKD không thể đứng tên để vay vốn ngân hàng, chuyển đổi thành DN sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tiếp cận mặt bằng kinh doanh, kênh phân phối bán lẻ hiện đại, kênh huy động vốn (như ngân hàng, chứng khoán). DN được tự do đặt in hóa đơn, sử dụng hóa đơn khấu trừ và chỉ phải nộp thuế theo đúng doanh thu thực tế bán hàng hóa, dịch vụ. Khi hoạt động kinh doanh hiệu quả mang lại lợi nhuận cao thì cũng chỉ nộp thuế theo đúng mức độ lợi nhuận kiếm được, nếu kinh doanh thua lỗ thì không phải nộp thuế thu nhập và được bù trừ số lỗ đó với lợi nhuận của năm tiếp theo, trong khi HKD phải nộp thuế khoán ổn định, nếu có xuất hóa đơn bán hàng thì phải nộp thêm tiền thuế của doanh thu xuất trên hóa đơn; và nếu HKD thua lỗ, vẫn phải nộp mức thuế khoán đã ấn định. DN được hưởng những chính sách ưu đãi thuế và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo chủ trương khuyến khích chuyển đổi của Nhà nước, được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, các dự án đầu tư (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2017).

Ngoài ra, khi chuyển đổi sang mô hình DN, HKD có thể nghiên cứu áp dụng các mô hình quản trị, quản lý phù hợp trong các lĩnh vực nhân sự, tiếp thị, thu chi tài chính, kế toán, đầu tư,… phù hợp với từng mục tiêu và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, tạo nền tảng thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh về sau. DN dễ dàng tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Có thể áp dụng mô hình quản trị ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến (Hà Nam Khánh Giao & ctg, 2020).

2.2. Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của chủ HKD chuyển đổi sang DN

Khảo lược các công trình nghiên cứu trước đây như của Xuân Anh & Mỹ Phương (2018), Huỳnh Thanh Điền (2017), Mai Thị Thanh Xuân & Đặng Thị Thu Hiền (2013), Phan Thị Minh Lý (2011), Nguyễn Quốc Nghi & Mai Văn Nam (2011), Nguyễn Minh Tân & ctg (2015), Govori (2013), Chowdhury (2013), Jali & Islam (2015), Krasniqi (2007), nhóm tác giả đã đề ra giả thuyết về 9 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp của các hộ kinh doanh cá thể như: (1) doanh thu bình quân, (2) thời gian hoạt động, (3) chính sách hỗ trợ của nhà nước, (4) kinh nghiệm chủ hộ, (5) trình độ học vấn, (6) ngành nghề hoạt động, (7) môi trường kinh doanh, (8) tiếp cận tài chính, (9) thủ tục hành chính (Hình 1). Các biến được giải thích Bảng 1.

Hàm hồi quy binary logistic xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh cá thể được viết lại như sau:

Ln = + DTBQ + TGHĐ + CSHOTRO + KNGHIEM + TDHV + NNGHE + MTKD + TCTCH + TTUCHC + u

3. Kết quả phân tích

3.1. Thực trạng chuyển đổi từ HKD thành DN tại tỉnh Bình Dương

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HKD tại Bình Dương có rất nhiều thuận lợi từ thủ tục thành lập đơn vị kinh doanh đến cải cách quản lý thuế, đối tượng này theo hình thức khoán, không cần tập hợp hóa đơn, ghi chép sổ sách. Bảng 2 cho thấy Bình Dương có khoảng 143.834 HKD được cấp mã số thuế, ước tính tổng tài sản khoảng trên 17 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng doanh thu, nộp 337.145 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 596.331 lao động. Khoảng 70% HKD hoạt động trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (25%); 30% trong ngành công nghiệp - xây dựng (Bảng 2).

Trong những năm qua, số lượng DN tỉnh Bình Dương tăng nhanh qua các năm về số lượng và vốn đăng ký. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương năm 2019, từ ngày 01/01 đến ngày 31/12/2019, cả tỉnh có thêm 6.560 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 43.953 tỷ đồng, tăng 10,8% về số doanh nghiệp và tăng 17,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số vốn đăng ký bổ sung trong năm 2019 là 69.851 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 43.953 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 25.898 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 6,70 tỷ đồng, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2018 (6,31 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 42.695 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký là 364.657 tỷ đồng (Bảng 3).

Tuy vậy, trong năm 2017 không có trường hợp nào chuyển đổi; năm 2018 chỉ ghi nhận được 02 trường hợp chuyển đổi; năm 2019, tình hình có khả quan hơn, nhưng vẫn rất hạn chế với 28 HKD quyết định chuyển đổi.

3.2. Thống kê mô tả đặc trưng của các nhân tố ảnh hưởng đến công tác khuyến khích và hỗ trợ HKD chuyển đổi thành DN

Tổng số HKD được điều tra là 357 hộ. Bảng 4 thể hiện tần suất và tỷ lệ về các đặc điểm của HKD cá thể trong mẫu điều tra.

3.3. Phân tích hồi quy tuyến tính bội

Bảng 5 cho thấy các hệ số hồi quy sau khi loại bỏ biến TGHĐ, do hiện tượng tự tương quan chặt chẽ với biến KNGHIEM với VIF cao hơn 4 (Hà Nam Khánh Giao & Bùi Nhất Vương, 2019).

Các biến CSHOTRO, TĐHV và TTUCHC có Sig.> 0,05, hay các biến này tương quan không có ý nghĩa với biến QDCHUYEN. Các biến DTBQ, KNGHIEM, NNGHE, MTKD, TCTCH có Sig.< 0,05. Do đó, các biến này tương quan có ý nghĩa với biến QDCHUYEN với độ tin cậy lớn hơn 95%.

3.4. Phân tích hồi quy Binary Logistic

Bảng 6 sử dụng kết quả của cột hệ số hồi quy (B) và cột (Exp(B) = ), hình thành kịch bản xác suất thay đổi khi xác suất ban đầu lần lượt là 10%, 20%, 30%, 40% và 50%.

Trong kịch bản trên, theo kịch bản (KB) 1, nếu một HKD có các yếu tố (doanh thu bình quân trong khoảng từ 500tr ≤ 1000tr; kinh nghiệm quản lý từ 5 năm ≤ 10 năm; chủ hộ hoạt động ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ; chủ hộ nhận thức được môi trường kinh doanh tại Bình Dương thuận lợi; chủ hộ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng như ngân hàng) thì khả năng để hộ này quyết định chuyển đổi từ HKD thành DN lên tới 99,96%.

Trong kịch bản (KB) 2, nếu một hộ kinh doanh có các yếu tố (doanh thu bình quân trong khoảng từ 100tr ≤ 300tr; kinh nghiệm quản lý từ 1 năm ≤ 3 năm; chủ hộ hoạt động ở lĩnh vực khác; chủ hộ nhận thức được môi trường kinh doanh tại Bình Dương không thuận lợi; chủ hộ không được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng như ngân hàng) thì khả năng để hộ này quyết định chuyển đổi từ HKD thành DN chỉ là 15,59% (Bảng 7).

4. Một số giải pháp và kiến nghị

4.1. Một số giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HKD chuyển đổi thành DN

Một là, cần thực hiện các thủ tục và giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi từ HKD sang hoạt động theo hình thức DN, nhất là lĩnh vực đăng ký HKD và DN theo tinh thần Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất, cho thuê đất, quy trình cấp phép xây dựng,… Hỗ trợ toàn bộ các lệ phí do Hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp và các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu. Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ HKD và DN đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, hỗ trợ về các thủ tục về thuế cho các HKD chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức DN. Có chính sách hỗ trợ quyết toán sổ sách kế toán để tạo điều kiện cho HKD chuyển đổi sang mô hình DN hoạt động ổn định, lâu dài. Đề xuất xem xét miễn giảm thuế trong một vài năm để khuyến khích HKD chuyển đổi sang mô hình DN hoạt động, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là sau khi chuyển đổi một vài năm lại tiến hành giải thể do phải chịu quá nhiều chi phí.

Ba là, tố chức các lớp đào tạo kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho chủ DN, chủ HKD năng lực quản trị kinh doanh và kế toán cho đội ngũ quản lý của DN, HKD. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giải đáp pháp luật và thực hiện hỗ trợ pháp lý cho HKD, DN. Xây dựng, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển HKD và DN: khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của HKD và DN; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để triển khai các giải pháp khả thi, hỗ trợ phát triển 2 chủ thể này trong những năm tiếp theo.

Bốn là, hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước; hoạt động liên quan việc đăng ký bảo hộ trí tuệ; phát hiển, khai thác, quản lý, bảo vệ tài sản trí tuệ thuộc các lĩnh vực. Hỗ trợ HKD, DN tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho HKD quyết định chuyển đổi thành DN vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn.

4.2. Những hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu vẫn còn những hạn chế nhất định: (1) Chưa đánh giá được những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh mà quyết định chuyển đổi mang lại cho HKD, (2) Phương pháp lấy mẫu thuận tiện nên độ tin cậy chưa cao, (3) Mẫu khảo sát chủ yếu là ngành nghề thương mại - dịch vụ nên chưa có sự đa dạng, (4) Mô hình binary logistic chỉ dự đoán được xác suất quyết định chuyển đổi từ HKD thành DN của người đứng đầu hộ mà không thể hiện được trong những trường hợp chủ hộ chỉ quyết định được một phần, vì còn ý kiến của thành viên khác trong gia đình. Các vấn đề này cũng chính là gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chowdhury, M.S. (2013). Success Factors of Entrepreneurs of Small and Medium Sized Enterprises: Evidence from Bangladesh, Touro College, Department of Business and Accounting, New York, 3(2): 38-52.
  2. Govori, A. (2013). Factors affecting the growth and development of SMEs: Experience from Kosovo, Mediterranean Journal of Social Sciences MCSER Publishing Rome-Italy, 4(9): 701-708.
  3. Hà Nam Khánh Giao và Bùi Nhất Vương (2019). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Tài chính.
  4. Hà Nam Khánh Giao, Nguyễn Thị Hải Hằng, Nguyễn Ngọc Duy Phương, Bùi Nhất Vương, Phạm Quang Vinh, Huỳnh Quốc Tuấn, Trần Ngọc Tú (2020). Quản trị chiến lược - BSC, NXB Tài chính.
  5. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017). Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
  6. Huỳnh Thanh Điền (2017). Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Tư vấn thay vì tạo áp lực. Truy cập ngày 29/04/2020 từ http://huynhthanhdien.com/chuyen-de/chuyen-doi-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-tu-van-thay-vi-tao-ap-luc.html.
  7. Jali, A. M., M.R.M., Islam, N. (2015). Factors Affecting Small and Medium Enterprises (SMES) Development in Pakistan, American-Eurasian J. Agric. & Environ. Sci., 15(4): 546-552.
  8. Krasniqi (2007). Barriers to entrepreneurship and SME growth in transition: The case of Kosova, Journal of Developmental Entrepreneurship, 12(1): 71-94.
  9. Mai Thị Thanh Xuân, Đặng Thị Thu Hiền (2013). Phát triển kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, 29(3): 1-9.
  10. Nguyễn Minh Tân, Võ Thành Danh & Tăng Thị Ngân (2015). Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bạc Liêu, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 38(2015): 34-40.
  11. Nguyễn Quốc Nghi, Mai Văn Nam (2011). Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 19(2011): 122-129.
  12. Phan Thị Minh Lý (2011). Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 2(43): 151-157.
  13. Tạ Đức Khánh (2010). Giáo trình kinh tế quản lý, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  14. Xuân Anh, Mỹ Phương (2018). Chuyển đổi hộ kinh doanh: Vì sao hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp, Thông tấn xã Việt Nam.

The transfer of individual business households to companies in Binh Duong Province

 Transfering

Assoc.Prof. Ph.D Ha Nam Khanh Giao

Dean, Faculty of  Air Transport, Vietnam Aviation Academy

Nguyen Dang Thanh Nhat

Specialist, Department of Business Registration, Department of Planning and Investment of Binh Duong Province

ABSTRACT:

This research is to review the current situation of the transfer of individual business households to companies in Binh Duong Province by surveying 357 business owners with the use of Cronbach’s alpha, Exploratory Factor Analysis and linear regression analysis. This research finds out a model which consists of 05 factors affecting the transfer of individual business households to companies. These factor are the average revenue, administrative experience, business sector, business environment, financial approach and they are listed in the descending order of important level. The binary logistics model confirms the practical values through the received results. Based on the research’s findings, some solutions are given to encourage the transfer of individual business households to companies in Binh Duong Province.

Keywords: Individual business households, companies, Binh Duong Province, encouraging the transfer.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]