TÓM TẮT:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường được hiểu là những doanh nghiệp “có quy mô nhỏ bé về vốn, lao động hay doanh thu” nhưng DNNVV lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP, tạo phần lớn công ăn việc làm và tại nhiều vùng, miền, là trụ cột của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước những biến động kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt từ những loại hình kinh tế khác, DNNVV đã gặp phải không ít trở ngại từ những bước đầu khởi sự cho đến những khó khăn trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Bài viết phân tích pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia, từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh nghiệm, pháp luật, hỗ trợ, phát triển, thế giới.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sôi động tạo nên nhiều chuyển biến trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng đóng vai trò là thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghệ, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, sự đóng góp của các DNNVV vào sự tăng trưởng và phát triển của một nền kinh tế đã trở thành phụ gia cho hầu hết các Chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới về hỗ trợ DNNVV là bài học cho Việt Nam trong phát triển kinh tế thị trường bền vững.
2. Khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa
2.1. Khái niệm DNNVV ở Việt Nam
Ở Việt Nam, sự hình thành quan niệm và cách xác định DNNVV rất khác nhau qua các thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra tiêu chí xác định DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người đáp ứng tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Điều 6 Nghị định này quy định chi tiết tiêu chí xác định DNNVV, cụ thể như sau: (Bảng 1)
Bảng 1. Quy định chi tiết tiêu chí xác định DNNVV
2.2. Khái niệm DNNVV của một số nước trên thế giới
Tiêu chí xác định DNNVV của một số nước trên thế giới thường dựa vào quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Nhìn chung, các nước trên thế giới sử dụng hai nhóm tiêu thức phổ biến là tiêu chí định tính và tiêu chí định lượng để định nghĩa DNNVV. Tiêu chí định tính dựa trên đặc trưng cơ bản của các DNNVV như chuyên môn hóa thấp, số đầu mối quản lý ít, mức độ phức tạp của quản lý thấp,... Các tiêu chí này có ưu thế là phản ánh đúng bản chất của vấn đề nhưng thường khó xác định trên thực tế. Do đó, nhóm tiêu thức này thường chỉ được dùng làm cơ sở tham khảo, kiểm chứng mà ít được sử dụng làm cơ sở để xác định quy mô doanh nghiệp. Tiêu chí định lượng thường bao gồm các nhóm chỉ tiêu về số lượng lao động, tổng giá trị tài sản (tổng vốn), doanh thu hoặc lợi nhuận. Trong đó, vốn và số lượng lao động được các quốc gia áp dụng nhiều nhất làm tiêu chí xác định DNNVV. Thực tế, mỗi nước có quy định khác nhau về số lượng lao động và vốn cho DNNVV. Số lượng lao động thường dưới 100 người hoặc dưới 200 người. Có nước còn quy định số lượng lao động cho mỗi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ quan niệm về DNNVV của một số nước và tiêu chí xác định DNNVV của pháp luật Việt Nam, có thể đưa ra khái niệm về DNNVV như sau: DNNVV là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, có quy mô không lớn so với các doanh nghiệp khác cùng tồn tại trong nền kinh tế, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Tiêu chí xác định mức độ siêu nhỏ, nhỏ và vừa của loại hình doanh nghiệp này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và sự lựa chọn của mỗi quốc gia.
3. Pháp luật của một số quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
3.1. Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ
Có thể nói, Mỹ là quốc gia khởi đầu về luật hóa chính sách hỗ trợ DNNVV. Luật Hỗ trợ DNNVV của Mỹ (The Small Business Act) lần đầu tiên được ban hành vào năm 1953 với mục đích hỗ trợ và bảo hộ mức cao nhất có thể quyền lợi của các DNNVV và đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực của Chính phủ. Luật này cũng quy định thành lập cơ quan hỗ trợ DNNVV của Mỹ (SBA) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Hoạt động chủ yếu của SBA là thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính, cung cấp các khoản vay. SBA không cung cấp các khoản vay trực tiếp cho DNNVV mà thông qua cơ chế bảo lãnh một phần hoặc thông qua hệ thống ngân hàng theo quy định. Ngoài ra, các khoản vay của DNNVV có thể được SBA gia hạn theo chương trình hỗ trợ cho vay dài hạn. SBA còn thực hiện các chương trình cho vay mua tài sản cố định, cho vay tài chính vi mô, chương trình hỗ trợ tài chính do thảm họa. SBA cũng thực hiện các chương trình phát triển DNNVV như tạo kênh thông tin tương tác DNNVV và Chính phủ thông qua mạng lưới 900 trung tâm hỗ trợ phát triển DNNVV để kết nối khách hàng có nhu cầu tiếp cận hỗ trợ tài chính.
3.2. Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Western Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ
Kể từ cuối năm 2016, chính sách đổi mới nền kinh tế Western Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi rất ít. Thực tế, tiếp cận tài chính là một trong những trở ngại đáng kể đối với các DNNVV ở Western Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ. DNNVV ở đây đa số tăng trưởng cao, đặc biệt là các DNNVV mới thành lập nhưng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các hạn chế về tài trợ, nguyên nhân chủ yếu là do DNNVV có ít tài sản hữu hình cũng như tài sản thế chấp. Trong khi ngân hàng địa phương tiếp tục áp đặt các yêu cầu cao đối với lịch sử tín dụng và tài sản thế chấp thì các chương trình hỗ trợ tài chính của khu vực công giúp lấp đầy khoảng trống tài chính cho các DNNVV đổi mới. Chính phủ ở đây đặc biệt chú trọng vào vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D), các biện pháp chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào R&D thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, điển hình là hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp và hỗ trợ tài chính gián tiếp.
Hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể bao gồm các khoản tài trợ, các khoản vay được trợ cấp, bảo lãnh cho vay hoặc đầu tư mạo hiểm tiên phong. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ tài chính gián tiếp cho DNNVV dưới hình thức khuyến khích tài khóa, chẳng hạn như giảm thuế và tín dụng cho chi tiêu R&D, hoặc mua thiết bị sáng tạo. Các hình thức hỗ trợ tài chính gián tiếp khác bao gồm các công cụ theo yêu cầu như nhấn mạnh đổi mới trong mua sắm công, vừa có thể kích thích các công ty đổi mới để cung cấp các dịch vụ được yêu cầu và khuyến khích sử dụng sớm các đổi mới được thương mại hóa.
Kinh nghiệm của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy rằng, tài trợ trực tiếp cho các DNNVV không phải là công cụ chính sách duy nhất có sẵn để thúc đẩy đổi mới các doanh nghiệp. Nhằm mục đích kích thích R&D kinh doanh, họ sử dụng kết hợp các công cụ bao gồm cả chương trình tài trợ trực tiếp và ưu đãi thuế. Do sự phụ thuộc quá mức vào tài trợ trực tiếp ở Western Balkan, các nhà hoạch định chính sách đang dần đa dạng hóa các công cụ chính sách của mình và sử dụng nhiều ưu đãi thuế hơn như các nước OECD thực hiện.
Về các ưu đãi thuế của Western Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ cho DNNVV, ngày 01/3/2016, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giới thiệu gói hỗ trợ rộng rãi cho các hoạt động liên quan đến R&D đổi mới trong nỗ lực nước này muốn trở thành một nền kinh tế công nghệ cao, theo định hướng đổi mới. Gói cải cách R&D đổi mới được Thủ tướng công bố lần đầu tiên vào tháng 01/2016 với mục đích tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp quan trọng, tăng cường hợp tác công nghiệp đại học và tăng chi tiêu R&D.
Một trong những nội dung của gói hỗ trợ này là gói trợ cấp có sẵn đến ngày 31/12/2023 cho các công ty thực hiện hoạt động R&D và thiết kế đủ điều kiện. Khoản trợ cấp này bằng 100% chi phí R&D, chi phí thiết kế và ngoài khoản khấu trừ cho khoản chi này trong các tài khoản theo luật định. Hơn nữa, 80% thuế thu nhập đối với tiền lương của nhân viên R&D và nhân viên thiết kế được miễn, nếu nhân viên có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ thì được miễn 90% thuế thu nhập. Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận các lợi ích, trung tâm R&D và thiết kế phải có ít nhất 15 nhân viên R&D toàn thời gian và 10 nhân viên trung tâm thiết kế toàn thời gian.
3.3. Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc
Hàn Quốc học tập một số nước trên thế giới và Luật khung về hỗ trợ DNNVV (Framework act on small and medium enterprises) đã được Chính phủ Hàn Quốc ban hành vào năm 1966 nhằm hỗ trợ và bảo vệ DNNVV trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn phát triển mạnh, lấn át khu vực DNNVV do kết quả của chính sách hướng về xuất khẩu. Cũng giống như Nhật Bản, các chính sách hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc lần lượt ra đời với mục đích hỗ trợ và phát triển DNNVV, như: Luật Hỗ trợ cho DNNVV thành lập, Luật Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, Luật Về các quy định cho DNNVV trong các khu kinh tế, Luật Các cơ chế đặc thù hỗ trợ các DNNVV thương mại, Luật Xúc tiến đổi mới sáng tạo DNNVV, Luật Thúc đẩy mua sắm công cho DNNVV, Luật Khuyến khích đổi mới công nghệ của DNNVV, Luật Thúc đẩy liên kết giữa DNNVV và doanh nghiệp lớn, Luật về Các biện pháp đặc biệt để phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ,…
Tuy được quy định độc lập ở từng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng giữa chúng có một mối liên hệ chặt chẽ, bổ trợ nhau và không thể tách rời. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ DNNVV được quy định nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định hiện hành tại các đạo luật cơ bản như Luật Doanh nghiệp, Đạo luật Thuế,…
Nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hóa của các DNNVV phải kể đến Luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Act on Facilitation of Purchase of Small and Medium Enterprises - Manufactured Products and Support for Development of their Markets). Đạo luật này xuất hiện giúp DNNVV hoạt động trong một số ngành nghề công nghiệp sẽ có được nhiều lợi thế hơn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Cụ thể, đối với các dự án xây dựng của quốc gia, DNNVV sẽ được ưu tiên ký kết hợp đồng mua bán nguyên liệu, vật tư liên quan đến các dự án nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, sản phẩm quy định tại Điều 4.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm công nghệ do các DNNVV là chủ sản xuất, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chính sách hỗ trợ thông qua việc chỉ định một số tổ chức, cơ quan sẽ ưu tiên mua hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ do các DNNVV sản xuất. Chủ tịch Cơ quan quản lý DNNVV chịu trách nhiệm yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất thực hiện việc mua hàng hóa từ các DNNVV. Các DNNVV chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với các tổ chức công cộng, các doanh nghiệp lớn do luật chỉ định, đảm bảo chất lượng hàng hóa được yêu cầu trong các văn bản pháp luật và trong hợp đồng. (Chương 3 Luật về hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Có thể thấy, nội dung quy định không những tạo ra thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của DNNVV mà còn tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp truyền thống. Thông qua việc đưa ra các chính sách hỗ trợ như ưu tiên mua hàng hóa, ưu tiên ký kết hợp đồng, hay yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải mua các sản phẩm sản xuất bởi các DNNVV chứ không được tự sản xuất đã góp phần mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các doanh nghiệp với nhau.
3.4. Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Malaysia
Giống như Indonesia, Malaysia cũng có cơ chế Hội đồng phát triển DNNVV Quốc gia (NSDC). Hội đồng này được thành lập năm 2004 và do Thủ tướng đích thân làm Chủ tịch Hội đồng. Mục tiêu chính của Hội đồng nhằm để điều phối các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan hỗ trợ và các chương trình hỗ trợ DNNVV và xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển DNNVV.
Bảo lãnh tín dụng (BLTD) là một chính sách quan trọng trong hầu hết các chính sách phát triển kinh tế của Malaysia và được hình thành từ rất sớm, nhằm duy trì sự phát triển bền vững và ở mức độ cao của cộng đồng DNNVV. Hệ thống BLTD được xây dựng thống nhất từ cấp trung ương đến cấp địa phương, phân chia theo lĩnh vực hoạt động và thực hiện theo 3 mô hình: BLTD của Chính phủ, BLTD của các hiệp hội, BLTD của khu vực tư nhân. Tại Malaysia, DNNVV có thể tiếp cận vốn vay từ 4 quỹ bảo lãnh tín dụng: (i) Tập đoàn bảo lãnh tín dụng Malaysia (CGC) được thành lập từ năm 1972 với số vốn góp từ các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính của Chính phủ, (ii) Hệ thống bảo lãnh các khoản vay đặc biệt, (iii) Hệ thống BLTD cơ bản và (iv) Hệ thống BLTD chủ yếu - mới. Ba hệ thống BLTD (ii), (iii), (iv) hoạt động vì mục đích lợi nhuận, do các tổ chức tư nhân thành lập, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các DNNVV với mức phí bảo lãnh cao hơn CGC tùy thuộc thỏa thuận giữa các bên.
Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia xây dựng hàng loạt những chương trình hỗ trợ tài chính đa dạng, phù hợp doanh nghiệp từ mọi khu vực kinh tế để tạo môi trường năng động cho DNNVV, như: Chương trình Mobilepreneur khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực mới như bán hàng lưu động; chương trình tài chính Ikhtiar với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo ở Malaysia, thông qua hỗ trợ tài chính để trao quyền cho các hộ nghèo kinh doanh nâng cao thu nhập.
4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua nghiên cứu pháp luật một số nước trên thế giới về hỗ trợ DNNVV, dễ dàng nhận thấy DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế, vì vậy, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đang là nhu cầu rất cấp thiết. Việc hỗ trợ này đã được ghi nhận qua hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước, hoạt động của Chính phủ, các tổ chức,… mỗi quốc gia. Từ kinh nghiệm đã phân tích ở trên, tác giả đưa ra một số khuyến nghị để rút ra bài học cho pháp luật Việt Nam như sau:
Thứ nhất, các chính sách pháp luật hỗ trợ DNNVV cần đề cập đến các vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ về tài chính, tín dụng; hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực,… cho DNNVV. Các vấn đề này sẽ giúp cho DNNVV giải quyết được các vấn đề yếu kém cố hữu của mình, đồng thời tạo ra môi trường để giải phóng và kích thích những điểm mạnh của DNNVV như tính sáng tạo, sự phát triển nhanh, có thể khỏa lấp các thị trường ngách để phát triển, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, cần tập trung hỗ trợ một số nội dung như vấn đề hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng cho DNNVV, vì DNNVV do hạn chế về quy mô và quản trị luôn không có hoặc rất thiếu vốn đề khởi sự và phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV là mục tiêu và hoạt động hỗ trợ cơ bản cho DNNVV ở nhiều nước.
Thứ hai, đối với bối cảnh hiện nay có nhiều sự thay đổi, hội nhập kinh tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã xóa nhòa khoảng cách địa lý giữa các quốc gia, kích thích đổi mới sáng tạo và tạo ra những cơ chế, luật chơi mới của thị trường kinh tế toàn cầu theo các chuỗi giá trị các chuỗi cung ứng. Điều này đòi hỏi chính sách hỗ trợ DNNVV phải có những nội dung quy định mang tính đón đầu tập trung vào các vấn đề hỗ trợ mới như: đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp; hỗ trợ cho các DNNVV tăng cường khả năng tham gia các chuỗi giá trị, hình thành các liên kết mang tính chất cụm, ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, nền kinh tế quốc gia.
Thứ ba, cần phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam. Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn; cập nhật, nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ thông tin cho DNNVV cũng như thúc đẩy khả năng tự thân của mỗi DNNVV. Nắm được những cơ hội, sự trợ giúp về pháp luật cũng như thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, từ đó, bản thân mỗi DNNVV nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Nghị định số 39/2018/ND-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- SME Corporation Malaysia. (2018).SME Annual Report 2017/18.
- Business Growth Management Unit. (2016).R&D and Innovation Reform Package.
- SME Policy Index. (2019). Western Balkans and Turkey 2019 - Assessing the Implementation of the Small Business Act for Europe.
LAWS ON SUPPORT FOR SMEs DEVELOPMENT OF SOME COUNTRIES AND LESSONS FOR VIETNAM
NGUYEN THI NGOC ANH
University of Languages & International Studies
Vietnam National University – Ha Noi Campus
ABSTRACT:
Small and medium-sized enterprises (SMEs) are often understood as "small-scale enterprises in terms of capital, labor or revenue" but SMEs often account for a large proportion of the total number of enterprises in the economy. They significantly contribute to the GDP growth and creating the majority of jobs in many regions, and they are considered pillars of the local economics. However, amid economic fluctuations and fiercer competition from other types of businesses, SMEs have faced many difficulties from establishing to launching businesses. This article analyzes the law on support for SMEs development of some countries, thereby drawing lessons for Vietnam.
Keywords: Vietnam, small and medium-sized enterprises, experience, support, development, world.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 19, tháng 8 năm 2020]