TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán (CMKT) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Dữ liệu của nghiên cứu thu nhập từ 297 phiếu tại TP.HCM. Các phương pháp kiểm định Cronbach’s Alpha, phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng tích cực đến việc áp dụng CMKT của các DNNVV tại TP.HCM, bao gồm: Trình độ và kinh nghiệm của kế toán viên, quy mô doanh nghiệp (DN), tính tuân thủ hệ thống CMKT, sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý, sự phát triển cơ sở hạ tầng.
Từ khóa: Áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Đặt vấn đề
CMKT Việt Nam được ban hành là cơ sở pháp lý chung trong việc ghi nhận, đo lường và trình bày các thông tin có liên quan đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, từ việc ban hành tới khi áp dụng các CMKT vào thực tiễn vẫn còn một số khó khăn và rào cản nhất định thông qua những nghiên cứu đi trước.
Tăng cường áp dụng CMKT Việt Nam là vấn đề đang được bàn luận khá nhiều. Nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng và đo lường mức độ tác động của từng nhân tố đến việc áp dụng CMKT Việt Nam của các DNNVV tại TP.HCM. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để tác giả đề xuất các khuyến nghị, nhằm tăng cường việc áp dụng CMKT Việt Nam ở khối DN này.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Lý thuyết thể chế xã hội học hiện đại
Lý thuyết thể chế được nghiên cứu và phát triển vào những năm 1970 thông qua hai công trình nghiên cứu điển hình là Meyer và Rowan (1977), DiMaggio và Powell (1983). Theo lý thuyết này, về lâu dài các tổ chức sẽ trở nên đồng nhất và chính các yếu tố thể chế môi trường bên ngoài, bên trong tác động đến các tổ chức làm mất đi sự đa dạng giữa chúng (DiMaggio và Powell, 1983). Trên quan điểm này, việc áp dụng CMKT được thúc đẩy bởi các yêu cầu của cơ quan nhà nước. Các DN tổ chức sẽ bị tác động theo thói quen tập quán được đảm bảo việc thực thi trong quá trình áp dụng CMKT. Kế toán được coi là biểu tượng của tính hợp pháp và CMKT được kế toán áp dụng như là một thể chế lập các báo cáo tài chính (BCTC).
2.2. Lý thuyết thông tin hữu ích
Lý thuyết thông tin hữu ích cho việc ra quyết định là cơ sở cho việc xác định mức độ sử dụng thông tin tài chính của các đối tượng (Staubus, 2000). Theo lý thuyết, kế toán được xem là một quá trình cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến các đối tượng sử dụng (Gray và cộng sự, 1996). Vì thế tính thông tin hữu ích được đánh giá thông qua mức độ thông tin hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng trong việc ra quyết định.
2.3. Lý thuyết ủy nhiệm
Lý thuyết ủy nhiệm được phát triển bởi Jensen và William vào năm 1976. Theo lý thuyết, xác định mối quan hệ đại diện như là quan hệ hợp đồng mà ở đó người ủy quyền bổ nhiệm, chỉ định người khác làm đại diện công ty. Khi người ủy quyền giao phó công việc cho người đại diện điều hành, các giám đốc mong muốn mọi hoạt động của người đại diện đều nhằm mục đích tối đa hóa giá trị tài sản của công ty và gia tăng lợi nhuận và cổ tức.
Trong một tổ chức có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và người quản lý sẽ sinh ra hành vi tư lợi (Bell và Carcello, 2000), họ có thể trực tiếp quyết định hay ngụy tạo ra những con số trên BCTC theo ý muốn chủ quan, cũng có thể tác động làm lợi nhuận hoặc giảm lỗ thông qua hành vi quản trị của mình (Fields và cộng sự, 2001). Điều này sẽ khiến các chủ sở hữu không thực hiện đầu tư vào những dự án có tỷ suất sinh lời cao vì tâm lý e ngại rủi ro, hoặc quyết định đầu tư vào những dự án không đem lại lợi nhuận tối ưu cho công ty nhưng lại đem lại lợi nhuận cho riêng họ.
2.4. Lý thuyết tín hiệu
Lý thuyết tín hiệu được phát triển lần đầu bởi Spence (1973) trong thị trường bất cân xứng về thông tin. Nội dung của lý thuyết diễn tả hành vi hai bên tiếp cận thông tin khác nhau. Phía cung cấp phải lựa chọn cách nào truyền thông, còn bên tiếp cận là phải làm thế nào để hiểu thông tin. Trong lĩnh vực kế toán, thông tin trên BCTC là tín hiệu và xây dựng trên CMKT. Trong việc thu hút nhà đầu tư, áp dụng CMKT để đưa ra các thông tin cần thiết để đảm bảo chất lượng thông tin trên bảng BCTC rất quan trọng. Thường các doanh nghiệp có tính thanh khoản cao khi công bố thông tin (phát tín hiệu) sẽ nhận lại lợi ích nhiều hơn và ngược lại (Kirmani và Nao, 2000).
2.5. Lý thuyết hành vi dự định
Lý thuyết hành vi dự định (Theory of planned behavior) là thuyết đánh giá các yếu tố mà một cá nhân xem xét quyết định một hành vi nào đó. Theo lý thuyết, việc quyết định một hành vi nào đó bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố là thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi (Ajzen. I, 1991). Trong đó thái độ chỉ là nhận thức hay việc cảm nhận của bản thân việc đó tốt hay xấu, lợi hay hại. Yếu tố chủ quan là mong muốn có được thực hiện hành vi hay không. Yếu tố cảm nhận hành vi kiểm soát là những nhận thức được hành vi đó có dễ dàng hay khó khăn hay không. Đây chính là yếu tố tạo điều kiện hoặc cản trở hành vi. Lý thuyết này giúp quản lý quá trình áp dụng CMKT về thái độ của kế toán. Khi nhận thức được lợi ích của việc áp dụng CMKT thì càng thực hiện tích cực hơn và yếu tố chủ quan này thuộc về chủ DN có muốn thực hiện hành vi đó hay không.
3. Giả thiết và mô hình nghiên cứu
3.1. Giả thiết nghiên cứu
3.1.1. Tính tuân thủ hệ thống CMKT
Tuân thủ quy định kế toán chính là việc vận dụng những quy định liên quan đến kế toán cung cấp các thông tin hữu ích trên BCTC và tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người sử dụng thông tin trên báo cáo này (Nguyễn Thu Hoàn, 2018). Nghiên cứu của Trần Quốc Thịnh (2014) cho rằng, tính tuân thủ các quy định kế toán của các DN ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và làm ảnh hưởng đến chất lượng BCTC. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H1: Tính tuân thủ hệ thống CMKT có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.2. Tổ chức tư vấn nghề nghiệp
Nghiên cứu của Gray, S, J (1988) cho rằng cộng đồng kế toán được xem như một biến thể trong sự tương tác giữa văn hóa kế toán. Tổ chức tư vấn về kế toán có ảnh hưởng tích cực đến việc áp dụng CMKT qua các nghiên cứu trước như Trần Đình Khôi Nguyên (2011, 2013), Đặng Ngọc Hùng (2017). Sự phát triển của cộng đồng kế toán có ảnh hưởng rất tích cực đến các hoạt động kế toán từ các ý kiến của các công ty kiểm toán, tư vấn của bộ phận tuyên truyền và đặc biệt hơn là có vai trò quyết định trong việc thiết lập CMKT. Vì vậy giả thuyết đặt ra là:
H2: Tổ chức tư vấn nghề nghiệp có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.3. Quy mô DN
Nghiên cứu của Watts và Zimmerman (1978), cho thấy các DN lớn có khả năng tuân thủ CMKT cao hơn các DNNVV. Bởi các DN bị ràng buộc rất nhiều những quy tắc, nguyên tắc của các yếu tố bên ngoài và bên trong DN để mang lại các thông tin chất lượng trên BCTC. Các DNVVN mức độ cấu trúc DN khá đơn giản và rủi ro thấp, do đó dẫn tới bất cân xứng thông tin nên chất lượng trên BCTC của DNNVV không được quan tâm nhiều. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H3: Quy mô DN có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.4. Áp lực từ thuế
Áp lực từ thuế được khái niệm là sức ép từ thuế làm cho DN phải áp dụng các quy định của thuế để xử lý, trình bày trên BCTC (Phạm Quốc Thuần, 2016). Nghiên cứu của Wittle và Woodbury (1983) cho rằng kiểm tra thuế tác động lớn đến việc chấp hành pháp luật thuế, đặc biệt đối với các DN nhỏ từ tiêu cực sang tích cực. Ngoài ra, Wittle và Woodbury còn cho rằng, năng lực của cán bộ thuế khác nhau sẽ tạo mức độ tuân thủ thuế khác nhau và việc tuân thủ thuế còn phụ thuộc vào mức độ kiểm tra và chính sách trừng phạt. Đối với các DNNVV, họ thường chú ý đến BCTC cho cơ quan thuế. Việc gia tăng áp lực từ thuế khiến DNNVV tuân thủ quy định của thuế thay vì quy định của CMKT. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H4: Áp lực từ thuế có tác động ngược chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.5. Kinh nghiệm, trình độ của kế toán viên
Kinh nghiệm và trình độ của kế toán là năng lực của người làm kế toán thực hiện hoàn thành công tác kế toán và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng CMKT. Nghiên cứu của Shima, K and Yang, D (2012) cho thấy nhân tố trình độ kế toán viên là yếu tố ảnh hưởng tích cực để tuân thủ việc áp dụng IFRS. Đồng quan điểm nghiên cứu của các tác giả trên, các nghiên cứu như Trần Thị Thanh Hải (2015), Trần Đình Khôi Nguyên (2013) và Nguyễn Thị Thu Hoàn (2018) đã chứng minh việc trình độ kế toán viên có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H5: Kinh nghiệm, trình độ của kế toán viên có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.6. Kiểm toán độc lập
Hoạt động kiểm toán độc lập trên thị trường giúp chủ DN và nhà đầu tư đánh giá được tổng quan hoạt động của DN cũng như mức độ tuân thủ của DN đối với các văn bản hướng dẫn kế toán, đặc biệt là CMKT (Nguyễn Thị Thu Hoàn, 2018). Nghiên cứu của Bedard và Johnstone (2004) về sự ảnh hưởng của kiểm toán độc lập về mức độ tuân thủ CMKT cho rằng có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa kiểm toán và mức độ áp dụng CMKT. Điều đó cho thấy chất lượng kiểm toán chính là cơ chế giám sát trong quá trình áp dụng CMKT. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H6: Kiểm toán độc lập có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.7. Sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý
Collis và Jarvis (2000) cho rằng chủ DN tại các DNNVV rất ít sử dụng BCTC trong việc ra quyết định và thường quan tâm đến việc kê khai thuế, điều này có tác động đến chất lượng thông tin trên BCTC. Phần lớn ở các DNNVV, người quản lý là người chủ DN và các đối tượng sử dụng thông tin kế toán của các DN thường là các cơ quan nhà nước, chủ nợ. Việc có thể vay vốn ngân hàng hay việc kê khai thuế, nhà quản lý thông qua các hành vi quản trị tác động trực tiếp ảnh hưởng đến công tác kế toán ở DN để công bố thông tin kế toán. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H7: Sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.8. Mối quan hệ chi phí - lợi ích
Mối quan hệ chi phí - lợi ích là điều mà nhiều nhà quản lý quan tâm khi áp dụng CMKT. Nhiều nghiên cứu được tiến hành tại các nước đang phát triển, xem xét việc thực hiện việc áp dụng CMKT quốc tế cho các DNNVV đều cho rằng chi phí áp dụng CMKT quá cao so với lợi ích mà nó mang lại (Maingot. M và Zeghal. D, 2006); Ojeka. S và Atawodi. O, 2012). Mối quan hệ này được kiểm định tại Việt Nam trong các công trình của Nguyễn Thị Phương Thảo (2019), Đặng Đức Sơn (2011), Trần Đình Khôi Nguyên (2010) cũng cho ra kết quả tương tự. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H8: Mối quan hệ chi phí - lợi ích có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.1.9. Sự phát triển cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng kế toán là hệ thống và dịch vụ cơ bản cần thiết để công việc kế toán vận hành đúng cách. Nguyễn Thị Phương Thảo (2019) cho thấy sự phát triển của cơ sở hạ tầng kế toán như sự phát triển của hệ thống thông tin, phần mềm kế toán,… giúp DNNVV dễ dàng thực hiện công tác kế toán hơn, làm tăng đáng kể mức độ áp dụng CMKT Việt Nam. Nhiều kết quả tương tự xảy ra với nghiên cứu của Trần Thị Thanh Hải (2015), Đặng Đức Sơn (2008). Có thể thấy sự phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ công việc cho kế toán viên giúp dễ dàng vận dụng CMKT hơn. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:
H9: Sự phát triển cơ sở hạ tầng có tác động cùng chiều đến việc áp dụng CMKT Việt Nam.
3.2. Mô hình nghiên cứu
Từ cơ sở các lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan, tác giả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính ban đầu như sau:
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng cách tiếp cận suy diễn, tức là dựa vào lý thuyết của các nghiên cứu trước đây và kết quả nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn chuyên gia đề xuất mô hình. Đồng thời, tác giả kết hợp với phương pháp quy nạp để kiểm chứng, dựa vào kết quả nghiên cứu định tính sẽ điều chỉnh, bổ sung các biến quan sát vào trong bảng hỏi để thực hiện nghiên cứu định lượng. Kế thừa nhiều kết quả nghiên cứu, tác giả xác định có 9 nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng CMKT của các DNNVV tại TP.HCM bao gồm: Tính tuân thủ hệ thống CMKT, tổ chức tư vấn nghề nghiệp, áp lực từ thuế, kinh nghiệm và trình độ của kế toán viên, kiểm toán độc lập, sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý, mối quan hệ chi phí - lợi ích, sự phát triển cơ sở hạ tầng.
Phương pháp thu thập số liệu được thực hiện thông qua việc khảo sát, đối tượng khảo sát là giám đốc, kế toán, kiểm toán ở các DNNVV tại TP.HCM về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng CMKT. Số mẫu khảo sát phát ra là 319 phiếu, thu về 301 phiếu, sau khi kiểm tra các thông tin trên các phiếu, có 297 phiếu có đầy đủ thông tin để nhập dữ liệu và thực hiện phân tích.
5. Kết quả nghiên cứu
5.1. Kiểm định thang đo
Kiểm định thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng CMKT ở các DNNVV tại TP.HCM được thực hiện bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích EFA. Kết quả kiểm định cho thấy phần lớn nhân tố đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6; hệ số tương quan biến tổng của các thang đo đều lớn hơn 0,3. Sau khi loại trừ 9 biến quan sát bao EXP04, EXP04, TV03, TT04, NQL04, CSHT04, TAX02, DN02, KT03, CPLI03 còn lại 24 biến quan sát đều đạt độ tin cậy, được sử dụng để phân tích EFA.
Phân tích EFA được thực hiện với phương pháp trích hệ số là Component Analysis và phép xoay Varimax, kết quả phân tích có 24 biến quan sát của thang đo các biến độc lập đạt được kiểm định KMO = 0,705, kiểm định Bartlett’s Test có Sig. = 0,000; số lượng các nhân tố trích được là 9, tương đồng với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai trích đạt 72,761% (1 nhân tố giải thích 72,761% biến thiên của dữ liệu), trọng số các nhân tố đều lớn hơn 0,5. Như vậy, phân tích EFA thích hợp với các dữ liệu và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể, nên được sử dụng cho phân tích tiếp theo.
Thực hiện phân tích EFA của biến phụ thuộc “áp dụng CMKT”, thì hệ số KMO = 0,865 và kiểm định Bartlett’s Test có Sig. = 0,000 thích hợp với các dữ liệu, các biến có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải nhân tố của các biến thang đo chấp hành pháp luật về thuế đều lớn hơn 0,5; giá trị Eigenvalues là 3,457 và phương sai trích 69,492%.
5.2. Phân tích tương quan giữa các biến trong mô hình
Phân tích tương quan cho kết quả hệ số tương quan giữa các biến, mục đích của kiểm tra mối tương quan chặt chẽ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc để loại bớt các nhân tố có thể dẫn đến hiện tượng đa cộng tuyến trước khi chạy mô hình hồi quy. Trong 9 nhân tố tác động, nhân tố có hệ hế TAX, TV, CPLI, KT có hệ số Sig > 5% nên bị loại, bốn nhân tố này không tương quan với biến phụ thuộc. Hệ số tương quan của 5 nhân tố còn lại gồm: EXP: 0,522, DN: 0.852, TT: 0.429, NQL: 0.468, CSHT: 0.138. Điều này cho thấy biến phụ thuộc có sự tương quan tuyến tính với 5 nhân tố, các biến này có phân phối chuẩn.
5.3. Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến
Để xác định, đo lường và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc áp dụng CMKT của các DNNVV ở TP.HCM, tác giả sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính bội giữa 5 nhân tố ảnh hưởng thu được từ phần phân tích nhân tố khám phá ở trên.
Theo kết quả hồi quy Enter, kết quả này cho giá trị R2 = 0,786; giá trị R2 cho biết rằng các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được 78,6% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 21,1% là những nhân tố không được đưa vào mô hình. Đồng thời kết quả phân tích cho thấy hệ số phóng đại phương sai VIF nhỏ, đều nhỏ hơn 2, cho thấy các biến độc lập này không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Về kiểm định tính độc lập của phần dư chính là đại lượng thống kê Durbin - Watson của hàm hồi quy có giá trị 1,839 < 3 cho thấy không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1. Nói cách khác, các phần dư ước lượng của mô hình độc lập không có mối quan hệ tuyến tính với nhau. Giá trị t tương ứng với Sig. của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0.05 nên có ý nghĩa thống kê. Từ Bảng 1 cho thấy trong 5 nhân tố quan sát đều ảnh hưởng đến áp dụng CMKT và tác động thuận chiều. Phương trình hồi quy đối với các biến có hệ số chuẩn hóa có dạng như sau:
Y= 0.267X1 + 0.524X2 + 0. 137X3 + 0.096X4 + 0. 058X5 + ε1
Trong đó:
Y: Áp dụng chuẩn mực kế toán
X1: Kinh nghiệm và trình độ của kế toán viên (EXP)
X2: Quy mô doanh nghiệp (DN)
X3: Tính tuân thủ CMKT (TT)
X4: Sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý (NQL)
X5: Sự phát triển của cơ sở hạ tầng (CSHT)
Theo Bảng 2, trong các nhân tố ảnh hưởng, nhân tố quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất và thuận chiều đến việc áp dụng CMKT của DNNVV. Cụ thể, nhân tố DN chiếm 48,03%; đứng thứ 2 là nhân tố EXP chiếm 25,30%, đứng thứ ba là nhân tố TT chiếm 12,56%, thứ tư là nhân tố NQL chiếm 8,80% và cuối cùng là nhân tố CSHT chiếm 5,31%.
6. Hàm ý chính sách
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao việc áp dụng CMKT Việt Nam của DNNVV tại TP.HCM. Cụ thể như sau
Thứ nhất là, nâng cao trình độ và kinh nghiệm kế toán viên.
Để nâng cao trình độ kế toán của bản thân, ngoài việc nắm rõ các kiến thức cơ bản, kế toán viên cần nhận thức được vai trò và trách nhiệm trong việc tuân thủ các hệ thống quy định kế toán. Kế toán viên cần tự nâng cao trình độ thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn để liên tục cập nhật kiến thức và hiểu được nhu cầu của các bên sử dụng thông tin kế toán. DN cần có mức đãi ngộ hợp lý để giữ và thu hút các kế toán viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, DN nên liên kết với các cơ sở đào tạo để xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thứ hai là nâng cao hiểu biết và quan tâm của nhà quản lý.
Nhà quản lý cần có hiểu biết nhất định trong lĩnh vực kế toán, tự nâng cao trình độ, tìm hiểu và bồi dưỡng kiến thức thông qua tư vấn từ các tổ chức tư vấn nghề nghiệp để có thể hiểu thêm về các chính sách kế toán cũng như là nắm bắt thông tin về những thay đổi của chính sách kế toán. Đồng thời, nhà quản lý cũng nên quan tâm tới nhân viên, khuyến khích nhân viên kế toán tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức để có thể kịp thời thích nghi với các thay đổi từ chính sách.
Thứ ba là, phát triển cơ sở hạ tầng kế toán.
Công tác kế toán ngày nay đã dần thay đổi từ trình bày bảng tính, ghi sổ thông thường bằng các phần mềm kế toán hỗ trợ giúp thông tin minh bạch, chính xác hơn. Vì vậy, DN cần đầu tư thích hợp với phần mềm kế toán để dễ dàng áp dụng CMKT hơn. Nhà nước cần thường xuyên kiểm định các phần mềm kế toán đang lưu hành trên thị trường để giúp DN có thể lựa chọn được phần mềm kế toán phù hợp theo tiêu chuẩn.
Thứ tư là, nâng cao tính bắt buộc tuân thủ CMKT
Các DN cần thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật cụ thể, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc tuân thủ CMKT. Để có thể làm được, mỗi cá nhân trong DN phải hiểu rõ tầm quan trọng của CMKT và trách nhiệm của mình với việc áp dụng CMKT.
Bộ Tài chính cần ban hành các qui định nhằm tăng cường tính bắt buộc tuân thủ của những văn bản pháp lý chi phối công tác kế toán, tăng cường giám sát chặt chẽ và các chế tài xử phạt để DN tuân thủ nhiều hơn trong việc áp dụng CMKT Việt Nam.
7. Kết luận
Bài viết phân tích để nhận diện 5 nhân tố ảnh hưởng tích cực đến việc áp dụng CMKT của DNNVV tại TP.HCM gồm: Tính tuân thủ CMKT, quy mô DN, kinh nghiệm và trình độ của kế toán viên, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, sự am hiểu và quan tâm của nhà quản lý. Nhóm tác giả hi vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách có những nhận định đầy đủ hơn về vấn đề trên và đưa ra những giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới để nâng cao áp dụng CMKT trong cộng đồng DN Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational behavior and human decision processes, 50(2), 179-211.
- Atawodi, O. W., & Ojeka, S. (2012). Factors that affect tax compliance among small and medium enterprises (SMEs) in North Central Nigeria. International journal of business and management, 7(12).
- Ball, R. (2001). Infrastructure requirements for an economically efficient system of public financial reporting and disclosure. Brookings-Wharton papers on financial services, 2001(1), 127-169.
- Bedard, J. C., & Johnstone, K. M. (2004). Earnings manipulation risk, corporate governance risk, and auditors' planning and pricing decisions. The Accounting Review, 79(2), 277-304.
- Bell, T. B., & Carcello, J. V. (2000). A decision aid for assessing the likelihood of fraudulent financial reporting. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 19(1), 169-184.
- Collis, J., & Jarvis, R. (2000). How owner-managers use accounts. London: Centre for Business Performance.
- DiMaggio, P. J., & Powell, W. W. (1983). The iron cage revisited: Institutional isomorphism and collective rationality in organizational fields. American sociological review, 147-160.
- Đặng Đức Sơn (2008). “Nghiên cứu giải pháp cho việc áp dụng các CMKT trong DNNVV trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
- Đặng Đức Sơn (2011). Compliance with accounting standards by SMEs in transitional economies: evidence from Vietnam. Journal of Applied Accounting Research.
- Đặng Ngọc Hùng (2017) "Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin kế toán của các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.", Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 224 (II), 71-79.
- Fields, T. D., Lys, T. Z., & Vincent, L. (2001). Empirical research on accounting choice. Journal of accounting and economics, 31(1-3), 255-307.
- Gray, R., Owen, D., & Adams, C. (1996). Accounting & accountability: changes and challenges in corporate social and environmental reporting. Prentice Hall.
- Gray, S. J. (1988). Towards a theory of cultural influence on the development of accounting systems internationally. Abacus, 24(1), 1-15.
- Jensen, C. Michael and Meckling, H William, 1976, Theory of The Firm: Managerial Behaviour, Agency Costs and Ownership Structure. Journal of Financial Economics, Harvard.
- Kirmani, A., & Rao, A. R. (2000). No pain, no gain: A critical review of the literature on signaling unobservable product quality. Journal of marketing, 64(2), 66-79.
- Meyer, J. W., & Rowan, B. (1977). Institutionalized organizations: Formal structure as myth and ceremony. American journal of sociology, 83(2), 340-363.
- Nguyễn Thị Phương Thảo (2019). “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng CMKT Việt Nam - Trường hợp DNNVV tiểu vùng Tây Bắc”. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.
- Nguyễn Thị Thu Hoàn. (2018). “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng CMKT - Nghiên cứu CMKT thuế thu nhập DN tại Việt Nam”. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Shima, K. M., & Yang, D. C. (2012). Factors affecting the adoption of IFRS. International Journal of Business, 17(3), 276.
- Spence, M. (1973). Job market signaling. The Quarterly Journal of economics, 87(3), 355-374.
- Staubus, G. J. (2000). The decision-usefulness theory of accounting: A limited history. Psychology Press.
- Trần Đình Khôi Nguyên (2011), “Các nhân tố ảnh hưởng vận dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV tại Đà Nẵng”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 252, tr.9-15.
- 23. Trần Đình Khôi Nguyên (2010). "Bàn về mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng chế độ kế toán trong các DNNVV tại Đà Nẵng." Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng 40.1: 225-233.
- 24. Trần Đình Khôi Nguyên. (2013) "Bàn về thang đo các nhân tố phi tài chính ảnh hưởng vận dụng CMKT trong các DNNVV ở Việt Nam." Tạp chí Kinh tế và Phát triển 190, 54-60.
- 25. Trần Thị Thanh Hải. Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam. Diss. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2015.
- 26. Watts, R. L., & Zimmerman, J. L. (1978). Towards a positive theory of the determination of accounting standards. Accounting Review, 112-134.
- Witte, A. D., & Woodbury, D. F. (1983). What we know about the factors affecting compliance with the tax laws. In Sawicki Phillip (comp.), Income Tax Compliance: A Report of the ABA Section of Taxation Invitational Conference on Income Tax Compliance.
- Zeghal, D., & Mhedhbi, K. (2006). An analysis of the factors affecting the adoption of international accounting standards by developing countries. The International Journal of Accounting, 41(4), 373-386.
Factors affecting the application of Vietnamese accounting standards of small and medium-sized enterprises in Ho Chi Minh City
Nguyen Thi Ngoc Diep
Ho Chi Minh City Open University
Nguyen Quoc Thinh
Ho Chi Minh City Open University
Nguyen Huy Hoang
Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
This study is to identify factors affecting the application of accounting standards of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Ho Chi Minh City. The study’s data was collected from 297 survey forms in Ho Chi Minh City, then was analysed by using Cronbach’s alpha, exploratory factor analysis (EFA) and multivariate linear regression methods. The study’s results show that there are 5 factors that positively influence the application of accounting standards of SMEs in Ho Chi Minh City, namely Qualifications and experience of accountants, business size, compliance with accounting standards, knowledge and interests of business managers and infrastructure development.
Keywords: Applying Vietnamese accounting standards, small and medium-sized enterprises.