TÓM TẮT:
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể của việc hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Mặt khác, để có thể tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS đang trở thành nhu cầu ngày càng bức thiết và là xu hướng tất yếu của các tập đoàn, các công ty đại chúng. Có thể thấy, hội tụ kế toán quốc tế đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Đó là một quá trình lâu dài và nhận được sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia do những khác biệt về môi trường pháp lý, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội khác nhau nên đã có phương thức hội tụ khác nhau. Bài viết nghiên cứu quá trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với báo cáo tài chính tại một số quốc gia và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Kế toán quốc tế, IFRS, Báo cáo tài chính, chuẩn mực, thông tin tài chính.
1. Tính cấp thiết trong việc áp dụng IFRS tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Tại Việt Nam hiện nay, đa phần báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp đang được áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được Bộ Tài chính ban hành thành 5 đợt từ năm 2001 đến năm 2005 với 26 chuẩn mực, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập BCTC theo IFRS.
Về cơ bản, không thể phủ nhận tác dụng tích cực của VAS trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước cũng như thay đổi trong hệ thống IFRS giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo, như việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thống kê từ Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) cho thấy, đến tháng 8/2016, đã có 137 quốc gia cam kết áp dụng IFRS. Trong đó, 122 quốc gia yêu cầu toàn bộ hoặc một phần công ty niêm yết phải thực hiện BCTC theo chuẩn IFRS. Ngay như nước Mỹ lâu nay chỉ áp dụng các nguyên tắc kế toán riêng (US GAAP) cũng đang xem xét hợp nhất US GAAP và IFRS. Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng bên ngoài cam kết này. Các chuyên gia thừa nhận, muốn nói chung một ngôn ngữ kế toán với thế giới, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư…, Việt Nam cần thống nhất VAS và IFRS.
2. Thực tế áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với báo cáo tài chính tại một số quốc gia
2.1. Tại Mỹ
Một trong những thách thức lớn nhất của IASB là đưa các BCTC theo IFRS vào thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, một quốc gia có các TTCK lớn nhất thế giới và sự phát triển cao của hệ thống chuẩn mực kế toán. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Hội đồng Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) là hai đối tác chủ yếu với IASB trên con đuờng đi tìm một bộ chuẩn mực kế toán chất luợng cao toàn cầu. “Sẽ không là chuẩn mực quốc tế nếu như thị trường vốn lớn nhất trên thế giới là Mỹ lại không là một phần của sự phát triển ấy” - phát biểu của Chủ tịch FASB, Robert. H.Herz. Năm 2002, với sự ủng hộ của SEC, thỏa thuận Norwalk (NorwalkAgreement) được ký kết giữa IASB và FASB xác định sự hợp tác giữa hai tổ chức nhằm xây dựng một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế chất lượng cao toàn cầu. Với những nỗ lực của IASB và FASB, đến tháng 11/2007, tại cuộc họp của FASB, SEC đã chấp nhận quy định mới là cho phép các công ty nuớc ngoài niêm yết được lập BCTC theo IFRS của IASB mà không cần chỉnh hợp theo USGAAP. Quy định mới này đã được ban hành ngày 21/12/2007 và có hiệu lực vào ngày 4/3/2008. Sau đó, vào ngày 27/8/2008, SEC đã công bố một đề xuất cho lộ trình thực hiện IFRS để lấy ý kiến rộng rãi. Năm 2010, SEC phát hành báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng IFRS sẽ có đối với hệ thống BCTC Mỹ. Từ năm 2011, tại Hoa Kỳ, các câu hỏi liên quan đến IFRS có trong kỳ thi CPA (Certified Public Accountant) thống nhất (AICPA, 2012). Báo cáo tiến độ tháng 4/2012 cho thấy so với kế hoạch đã điều chỉnh năm 2008, có 10/12 dự án ngắn hạn và 6/8 dự án đài hạn được hoàn thành. Các dự án hoàn thành được hai bên cùng điều chỉnh vào hệ thống chuẩn mực của mình (FASB & IASB, 2012). Theo lộ trình này, về cơ bản SEC ủng hộ việc hướng đến một hệ thống chuẩn mực kế toán chất lượng cao chung cho toàn thế giới, trong đó dự kiến tất cả các công ty niêm yết của Mỹ sẽ bắt buộc tưân thủ IFRS kể từ năm 2015 với những điều kiện nhất định và được khuyến khích cho phép áp dụng từ năm 2010. So với quy định của IASB, Hệ thống BCTC thường niên của Mỹ (đối với doanh nghiệp lớn) có thêm: Báo cáo quản lý; Báo cáo thảo luận và phân tích kết quả hoạt động và tình hình tài chính; Công bố chính sách kế toán có ảnh hưởng quan trọng đến BCTC; Báo cáo so sánh dữ liệu tài chính (chọn lọc) trong 5 hoặc 10 năm. Đến nay, quá trình hòa hợp giữa GAAP của Mỹ với IAS/IFRS tuy còn chịu ảnh huởng của nhiều vấn đề kỹ thuật cũng như ảnh huởng bởi quan hệ chính trị với IASB và với các quốc gia khác, nhưng những trở ngại trong việc hội tụ của Mỹ có thể từng buớc vuợt qua được.
2.2. Tại Pháp và Liên minh châu Âu (EU)
Pháp là một quốc gia của châu Âu có vị thế về kinh tế và chính trị trên thế giới. Trung tâm của hệ thống kế toán Pháp là Tổng hoạch đồ kế toán (PCG), một hệ thống kế toán thống nhất. Trong giai đoạn 2002 - 2004, căn cứ các quy định của EU về thúc đẩy quá trình hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế, hệ thống kế toán Pháp được điều chỉnh thông qua các quy định của Hội đồng kế toán quốc gia Pháp (CRC). Từ năm 2005, các công ty niêm yết của Pháp lập BCTC hợp nhất theo IAS/IFRS. Năm 2009, Cơ quan chuẩn mực kế toán Pháp (ANC) được thành lập, với chức năng chính là thiết lập chuẩn mực kế toán dưới hình thức các quy định cho khu vực tư nhân và tham gia các hoạt động của tổ chức kế toán quốc tế, bao gồm việc chấp nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế tại châu Âu (ANC, 2010). Từ năm 2011, tại Pháp, tồn tại song song PCG áp dụng cho BCTC riêng, và chuẩn mực kế toán quốc tế dụng cho BCTC hợp nhất của những công ty đại chúng.
Đối với Liên minh châu Âu, ngày 13/2/2001, EC (Ủy ban châu Âu) chấp nhận một đề nghị về việc yêu cầu các công ty niêm yết của EU phải lập BCTC hợp nhất theo IAS/IFRS kể từ năm 2005. Quy định này cho phép các công ty không niêm yết cũng áp dụng IAS/IFRS. Năm 2003, Ủy ban Chứng khoán châu Âu đã thông qua một chuẩn mực bao gồm 21 nguyên tắc nhằm phát triển và thực hiện một cách tiếp cận chung để thực thi IFRS (Choiand Meek, 2011). EU đã luôn tạo ra mối quan hệ với IASB và đóng một vai trò tích cực trong quá trình thiết lập các chuẩn mực kế toán quốc tế. Với việc yêu cầu các công ty niêm yết lập BCTC hợp nhất theo IAS/IFRS được sự ủng hộ và tán thành mạnh mẽ, hơn 7.000 công ty niêm yết đã thực hiện yêu cầu này từ ngày 1/1/2005. Tuy nhiên, do còn một số vấn đề chưa thống nhất giữa EU và IASB nên EU đã không chấp nhận toàn bộ các IAS/IFRS và yêu cầu các công ty niêm yết chỉ sử dụng những IFRS nào đã được sự chấp nhận của EU. Như vậy, hiện nay, trên nguyên tắc chung, EU áp dụng nguyên bản IAS/IFRS nhưng không chấp nhận toàn bộ IAS/IFRS mà phê duyệt từng chuẩn mực để áp dụng. Hiện nay, EU và IASB vẫn tiếp tục các cuộc thảo luận để giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên nhằm đạt đến sự thống nhất.
2.3. Tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á
Trung Quốc là quốc gia châu Á có nền kinh tế lớn đứng thứ hai thế giới, hệ thống pháp luật dựa trên điển luật, thiên về phía kiểm soát của Nhà nuớc. Hệ thống kế toán và BCTC doanh nghiệp của Trung Quốc hiện nay được quy định bởi Luật Kế toán và các quy định của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Luật Kế toán của Trung Quốc được ban hành đầu tiên năm 1995 và được sửa đổi năm 2000, quy định các nguyên tắc kế toán áp dụng, chi phối tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế. CSRC được thành lập vào năm1992, là cơ quan ban hành các quy định, yêu cầu về việc công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết.
Năm 1998, Ủy ban Chuẩn mực kế toán (CASC) được thành lập, trực thuộc Bộ Tài chính, phục vụ cho việc phát triển các chuẩn mực. Tuy nhiên, quyết định ban hành chuẩn mực kế toán vẫn thuộc về Bộ Tài chính. Vào tháng 6/2005, Trung Quốc đã đồng ý với IASB một kế hoạch hành động để đạt tới một hệ thống chuẩn mực kế toán chất luợng cao. Tháng 11/2005, Ủy ban Chuẩn mực kế toán Trung Quốc (CASC) và IASB đã tổ chức thành công một cuộc họp về vấn đề hội tụ chuẩn mực kế toán. Năm 2006, Trung Quốc đã quyết định kết hợp IFRS vào hệ thống luật pháp của mình và đã ban hành một hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Trung Quốc (ASBE), về cơ bản là phù hợp với IFRS trong những nguyên tắc chủ yếu về soạn thảo và trình bày BCTC. Năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành lộ trình tiếp tục hội tụ hệ thống chuẩn mực kế toán Trung quốc với IAS/IFRS. Hiện nay, các công ty niêm yết áp dụng theo ASBE, vốn đang hòa hợp với IAS/IFRS trong một lộ trình do nhà nuớc quản lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp không niêm yết của Trung Quốc vẫn áp dụng hệ thống kế toán doanh nghiệp được ban hành năm 2001. Hệ thống BCTC định kỳ của Trung Quốc tương tự quy định của IASB, bao gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo lợi nhưận; Báo cáo lưu chuyển tiền; Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu; Thuyết minh BCTC. Phương thức hòa hợp với IAS/IFRS của Trung Quốc phản ảnh sự lựa chọn của Trung quốc trong bối cảnh vừa phải đáp ứng xu thế toàn cầu hóa, vừa đảm bảo những yêu cầu riêng của nền kinh tế cũng như sự quản lý của Nhà nứớc. Tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện kinh tế - xã hội có mức độ tương đồng nhất định với Việt Nam như Philippines, Thái Lan, Indonesia… cũng có lộ trình cho việc áp dụng IAS/IFRS đối với soạn thảo và trình bày BCTC.
Philippines đã quyết định chấp nhận toàn bộ IAS/IFRS và hầu như không điều chỉnh từ năm 2005. Hội đồng Chuẩn mực báo cáo tài chính Philippines (FRSC) thành lập Ủy ban để ban hành các hướng dẫn áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (FRSC, 2012).
Thái Lan, đến năm 2008, Liên đoàn Kế toán Thái Lan (FAP) đã ban hành 29 chuẩn mực kế toán, dựa phần lớn trên nền tảng IAS/IFRS (World Bank, 2008). Năm 2010, Thái Lan công bố 2 giai đoạn hội nhập với IAS/IFRS. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ điều chỉnh các chuẩn mực hiện hành hòa hợp với IAS/IFRS và ban hành mới 04 chuẩn mực. Giai đoạn 2, sẽ rà soát điều chỉnh các chuẩn mực mới ban hành và ban hành thêm 04 chuẩn mực mới để hình thành bộ chuẩn mực kế toán hòa hợp gần như hoàn toàn với IAS/IFRS.
Indonesia, Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Indonesia (ĐSAK) ban hành các chuẩn mực kế toán, áp dụng cho các công ty niêm yết, ngân hàng và các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nhà nuớc. Năm 2008, Indonesia công bố kế hoạch hòa hợp với IAS/IFRS đến năm 2012. Tuy nhiên, do những trở ngại nhất định, tính đến tháng 3/2010, chỉ mới có 68% chuẩn mực đã phù hợp với IAS/IFRS (World Bank, 2011)…
3. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế
Những mô tả ở trên cho thấy lợi ích của việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; quá trình hòa hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia diễn ra khá mạnh mẽ, theo các mức độ và phương thức khác nhau. Có thể nhóm một cách khái quát quá trình này thành các mô hình vận dụng chủ yếu sau:
- Mô hình 1: Áp dụng toàn bộ hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, gần như không sửa đổi. Đại diện cho mô hình này là Philippines, Singapore... Ở các quốc gia này, IAS/IFRS có ảnh huởng rất đáng kể trong việc thiết lập chuẩn mực kế toán, các chuẩn mực kế toán quốc tế được hiệu chỉnh tối thiểu khi thiết lập hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia.
- Mô hình 2: Các quốc gia vừa mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, như Trung Quốc, Thái Lan, Đông Âu... đã sử dụng IAS/IFRS làm cơ sở chủ yếu để xây dựng hệ thống chuẩn mực cho mình. Ảnh hưởng của IAS/IFRS cũng tương tự như các quốc gia theo mô hình 1. Tuy nhiên, các quốc gia này không vận dụng toàn bộ mà chỉ vận dụng có sửa đổi để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực của riêng mình.
- Mô hình 3: Áp dụng tại các quốc gia mà hệ thống chuẩn mực kế toán của họ ra đời trước khi có sự ra đời của IAS, nên họ chỉ cần sửa đổi để hòa hợp với chuẩn mực quốc tế. Đây là trường hợp của các quốc gia đã phát triển, có nền kế toán lâu đời. Quá trình áp dụng, hòa hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc phát triển hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia cũng đã chỉ ra rằng:
- Hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế là một xu thế khách quan;
- Áp dụng ngay toàn bộ hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế cho quốc gia không phải là vấn đề dễ dàng. Quá trình hòa hợp không đơn giản là ban hành cácchuẩn mực phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, mà vấn đề là chúng có thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thông tin và kiểm soát của mỗi quốc gia;
- Tùy theo điều kiện của từng quốc gia, việc hòa hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế đòi hỏi một lộ trình nhất định. Thực trạng áp dụng, cũng như đặc điểm của mô hình hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế của các quốc gia là những kinh nghiệm có ý nghĩa cho Việt Nam trong lựa chọn phương thức và lộ trình để hệ thống kế toán và BCTC doanh nghiệp hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế. Việt Nam là một nuớc đang phát triển, nền kinh tế thị trường còn khá non trẻ. Thị trường tài chính của Việt Nam trong những năm gần đây có những chuyển biến, đặc biệt là TTCK đã có những bước phát triển nhất định, song trình độ phát triển và quy mô còn hạn chế. Mức độ lạm phát được kiểm soát, ổn định. Hệ thống pháp luật Việt Nam dựa trên điển luật, do vậy, Nhà nước giữ vai trò quyết định trong hệ thống kế toán quốc gia. Thuế và các chính sách tài chính vẫn có những chi phối nhất định đến kế toán. Về văn hóa, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều theo văn hóa Á Đông, trong một chừng mực nào đó, tính thận trọng, sự tuân thủ các quy định được đề cao, hạn chế những vấn đề mang tính xét đoán.
Từ đặc điểm của các mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia trong hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như đặc điểm của các yếu tố môi truờng Việt Nam, tác giả đề xuất lựa chọn mô hình 2 trong xác định phương thức và lộ trình hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chuẩn và nội dung soạn thảo và trình bày BCTC doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, một số đặc điểm của việc áp dụng mô hình này được xác định như sau:
- Thứ nhất, không thể áp dụng ngay toàn bộ IAS/IFRS cho hệ thống kế toán Việt Nam, do những điều kiện về mức độ phát triển kinh tế - xã hội. Ngay những nuớc phát triển như Anh, Úc, việc áp dụng ngay toàn bộ IAS/IFRS cũng dẫn đến những bất lợi.
- Thứ hai, cần thiết xây dựng một chiến lược, xác định lộ trình cho quá trình hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế của hệ thống kế toán và BCTC doanh nghiệp Việt Nam. Nội dung của chiến luợc cần thể hiện tính chủ động trong hội nhập.
- Thứ ba, đối với thị trường vốn và TTCK, việc áp dụng VAS đã được điều chỉnh so với IAS/IFRS sẽ không phản ánh đầy đủ và xác thực thông tin hoạt động của các chủ thể hoạt động trong thị trường này. Thực tế cho thấy, khi có nhu cầu niêm yết, huy động vốn trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp đang phải tốn không ít chi phí và thời gian chuyển đổi BCTC. Nếu áp dụng đầy đủ các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế, sẽ tạo ra buớc tiến dài về minh bạch thông tin của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như của cả các doanh nghiệp khác mà trong cơ cấu tài sản có nhiều công cụ tài chính, đáp ứng như cầu minh bạch thông tin ngày càng cao của thị trường.
4. Kết luận
Tóm lại, BCTC là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán, cung cấp thông tin tài chính hữu ích về doanh nghiệp cho các đối tượng sử dụng, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, người cho vay và các chủ nợ khác trong việc đưa ra quyết định về việc cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp. DDĐể có thể cung cấp thông tin hữu ích, BCTC cần thỏa mãn các đặc điểm chất lượng. Sự phát triển của hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia không tách rời mà phản ánh và chịu tác động đan xen của môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa và quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Nội dung của hệ thống BCTC theo IASB và các quốc gia có sự tương đồng nhất định trong cấu trúc nói chung, có sự đa đạng về nội dung của các BCTC để đáp ứng linh hoạt như cầu thông tin của các đối tượng sử dụng và ngày càng có nhiều thông tin về nguồn lực tri thức và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đào Thị Đài Trang, Trịnh Lê Tân, 2016, Tính cấp thiết trong việc triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) tại Việt Nam và một số kiến nghị, kỷ yếu hội thảo quốc gia: IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam.
2. http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/3992/HOI-TU-KE-TOAN-QUOC-TE-O-MOT-SO-QUOC-GIA-VA-BAI-HOC-KINH-NGHIEM-CHO-VIET-NAM-
Ngày truy cập (26/6/2017).
3. http://ndh.vn/da-toi-luc-don-duong-cho-chuan-ke-toan-ifrs 01701041107257p4c146.news Ngày truy cập (26/6/2017).
ANALYZING THE IMPLEMENTATION OF THE
ISRF IN SOME COUNTRIES TO DRAW EXPERIENCE
LESSONS TO VIETNAM
TRINH LE TAN
International School, Duy Tan University
Master. DAO THI DAI TRANG
Faculty of Accounting, Duy Tan University
ABSTRACT
In the context of the international economic integration process, Vietnamese government needs to enforce improved standards related to the transparency of financial information in order to improve Vietnamese business environment, support the country’s stock market and protect benefits of investors. Moreover, joint-stock firms and companies listed in Vietnamese stock market should prepare their financial statements under the International Financial Reporting Standards (IFRS) in order to attract international capital flows. It can be seen that international accounting integration has become an inevitable trend for Vietnam in the context of economic globalization. This study analyzes the implementation of IFRS in some countries in order to drawn lessons to Vietnam.
Key word: International accounting, IFRS, financial statements, standards, financial information.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây