Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Văn Đại (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Vinh), Huỳnh Hữu Thắng (Học viên cao học ngành Luật học - Khoa Luật, Trường Đại học Vinh)

Tóm tắt:

Bài viết khái quát về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khẳng định quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển bền vững về kinh tế ở Việt Nam.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, quy mô các DNNVV ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đóp góp quan trọng vào sản xuất, tăng trưởng kinh tế quốc dân. Có thể khẳng định việc phát triển các DNNVV đã kịp thời đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, song song với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất phát từ thực tế đó, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo thuận lợi cho các DNNVV phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, mở rộng các mối liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, với dân số đông, quy mô kinh tế lớn nhất, cũng là nơi tập trung nhiều DNNVV thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Trong những năm vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm ngàn doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới và đi vào hoạt động ổn định. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm tháng 6 năm 2019, trên địa bàn thành phố đã có tổng cộng 460.000 DNNVV đã được đăng ký, chiếm tổng số 93% tổng số DN trên địa bàn thành phố. Các DNNVV đã đóng góp tổng số 78% GDP của toàn thành phố trong năm 2018, sử dụng 1,8 triệu lao động các trình độ và có tốc độ phát triển cao nhất trong khối các doanh nghiệp của thành phố. Các DNN&V của thành phố hoạt động trong mọi lĩnh vực, nhưng đáng kể nhất là lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, thương mại, với tính chất cơ cấu kinh doanh năng động, linh hoạt, có nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh[8].

Tuy nhiên, trên thực tế, các DNNVV còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động. Hiện nay, DNNVV tuy nhiều, nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Các DNNVV hiện đang phát triển thiếu định hướng, mất cân đối. Sự khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường của DNNVV một phần xuất phát từ năng lực nội tại yếu về quy mô vốn, thiết bị công nghệ lạc hậu, một phần là do năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) còn hạn chế, bất cập.

2. Khái niệm và vai trò quản lý nhà nước đối với DNNVV ở Việt Nam hiện nay

Về khái niệm, tiêu chí nhận biết DNNVV và quản lý nhà nước đối với DNNVV. Theo tiêu chí phân loại trong Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, về cơ bản các DNNVV được phân loại theo tổng số vốn trên tổng doanh thu của năm liền kề trước đó và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo khu vực hoạt động. Các doanh nghiệp nhỏ có số vốn dao động từ 100 tỷ đồng trở xuống và số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người đến 200 người [4]. Các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 300 tỷ đồng và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người đến 200 người. Sau đó, theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ thì DNN&V được xác định theo những tiêu chí về lao động, vốn và doanh thu theo lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác nhau. Cụ thể: (Xem Bảng)

Bảng. Tiêu chí của DNNVV về lao động, vốn và doanh thu theo các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau

 

 

Tiêu chí DNNVV

Lĩnh vực kinh doanh

Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và lĩnh vực Công nghiệp, Xây dựng

Thương mại, Dịch vụ

Lao động (người)

< 200

< 100

Vốn (tỷ đồng)

< 100

< 100

Doanh thu (tỷ đồng)

< 200

< 300

DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. [7]

Về vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DNNVV. Trong tổ chức và hoạt động của mình, Nhà nước đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các DNNVV, đó là: Nhà nước hoạch định chính sách và thiết kế các kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc gia, đưa ra các chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ khác nhau và trong đó chính sách phát triển các DNNVV. Trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, điều tiết kinh tế vĩ mô thì vai trò của DNNVV là rất quan trọng. Do đó, khi lên kế hoạch cho các chiến lược này, Nhà nước bắt buộc phải tính đến vị trí, vai trò, yếu tố đóng góp của các DNNVV. Nhà nước phải thực hiện chức năng là chủ thể trọng tài, đứng giữa để phân xử các tranh chấp đến từ DNNVV hoạt động trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng thể hiện vai trò của Nhà nước, trong việc đảm bảo một môi trường pháp lý lành mạnh trong sự phát triển của DNNVV.

Quản lý của Nhà nước đối với DNNVV là một yêu cầu cần thiết và không phân biệt nền kinh tế. Nhưng ở mỗi nền kinh tế cụ thể, cách thức quản lý đối với DNNVV lại khác nhau và cách thức này phụ thuộc vào đòi hỏi khách quan hay nói cách khác phụ thuộc vào sự vận hành của nền kinh tế (các qui luật kinh tế chi phối). Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay đang đòi hỏi sự bình đẳng, sự tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu hay thành phần kinh tế. Vì vậy, sự QLNN đối với doang nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng phải nhằm thỏa mãn các đòi hỏi của nền kinh tế hiện tại, có như vậy, thì kinh tế thị trường mới phát huy được những ưu thế của nó. Khắc phục những mặt hạn chế của nền kinh tế thị trường cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ của Nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý kinh tế. Tuy nhiên, xét trên phương diện pháp lý, Nhà nước quản lý xã hội phải bằng pháp luật. Do đó, để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế, Nhà nước cần xây dựng một hệ thống pháp luật chung để phòng ngừa và hạn chế, tạo động lực cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển.

3. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ở thành phố Hồ chí Minh hiện nay, thành phần doanh nghiệp, doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm tỷ trọng 1,37%, còn lại là DNNVV. Hơn nữa, qua gần 17 năm phát triển (từ năm 2000), đa số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thuộc nhóm DNNVV chiếm tỷ lệ đến 93,61%. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV còn thấp, 37,8% doanh nghiệp có lãi, doanh nghiệp bị thua lỗ chiếm 56,49%; số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn [9].

Qua kết quả điều tra kinh tế năm 2017, toàn thành phố có 633.637 đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng (chưa bao gồm 13.076 cơ sở, chi nhánh và văn phòng trực thuộc doanh nghiệp); tổng số lao động trong các đơn vị là 4.072.470 người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn có bước phát triển vượt bậc so với các loại hình doanh nghiêp còn lại. Cụ thể, theo kết quả từ cuộc Tổng Điều tra kinh tế năm 2017, số doanh nghiệp ngoài nhà nước thời điểm ngày 31/12/2016 trên địa bàn thành phố là 167.129, tăng 64,75% với 2.114.804 lao động, tăng 24,96% so với năm 2011; tổng nguồn vốn của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,11 lần, tương ứng 3.262.149 tỷ đồng so với năm 2011. Điều đáng chú ý là qua kết quả Tổng Điều tra kinh tế thành phố cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô doanh nghiệp chủ yếu là DNNVV chiếm 97,8%; hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn khá hạn chế. Cụ thể, trong tổng số 171.655 doanh nghiệp (thời điểm 31/12/2016) chỉ có 64.607 doanh nghiệp có lãi, chiếm 37,81% và có 96.963 doanh nghiệp bị thua lỗ, chiếm 56,49%; số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn [9].

Phân tích thực trạng về quy mô vốn sản xuất - kinh doanh của các DNNVV tại thành phố Hồ Chí Minh những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp này đã thu hút được lượng vốn ngày càng nhiều, góp phần khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi phân tán từ các tầng lớp dân cư để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sốn cho dân cư. Tuy nhiên, số lượng DNNVV có quy mô vốn từ 1 tỷ trở lên còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 6% tổng số doanh nghiệp. Quy mô nhỏ về vốn đang là cản trở lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố Hồ Chí Minh.

3.1. Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong quản lý

- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, như: Pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2015, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng,...

- Hỗ trợ công tác tư vấn pháp luật cho các DNNVV đã được chú trọng, cung cấp ý kiến pháp lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.

- Chính quyền thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc góp ý xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Luật, các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi, áp dụng các quy quy định pháp luật. Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp đã được kịp thời tiếp cận thông tin, cập nhật các chính sách, văn bản, các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, kiến thức pháp luật kinh doanh, đồng thời được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia, góp phần phòng tránh rủi ro pháp lý, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3.2. Đánh giá về một số hạn chế và nguyên nhân trong quản lý

- Chi phí tài chính của khu vực doanh nghiệp tư nhân nói chung ở mức cao, trong đó có thể có chi phí không chính thức. Do khó khăn tiếp cận vốn từ ngân hàng, DNNVV phải chấp nhận sử dụng các kênh vốn có chi phí cao. Bên cạnh đó, vay vốn tại ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục, tiêu tốn thời gian, công sức, chi phí và thậm chí vượt quá năng lực của DNNVV, chẳng hạn như: Yêu cầu phương án sản xuất kinh doanh, trong khi đây là điểm yếu của DNNVV. Một số thủ tục hành chính còn khá phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, như: Thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, BHXH, đăng ký kinh doanh.

- Nhằm đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các yêu cầu thế chấp chặt chẽ, trong khi các DNNVV lại hạn chế về tài sản thế chấp. Nhiều DNNVV có tài sản nhưng không có đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ để làm các thủ tục thế chấp, như: DN được giao đất sử dụng nhưng chưa được cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất; hay doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm nhưng lại không được thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng. Một số tài sản vô hình của doanh nghiệp chưa có cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho phép được sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, như: Nhãn hiệu doanh nghiệp, tài sản sở hữu trí tuệ,...

- Sự mất cân đối của thị trường tài chính. Trong bối cảnh, thị trường vốn còn nhỏ, chậm phát triển với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp đều thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực và các nước cùng mức thu nhập. Điều này làm cho việc tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư trở nên khó khăn. Mạng lưới hệ thống các tổ chức tín dụng phân bố chưa đều, chưa hợp lý, tập trung chủ yếu ở các thành phố, đô thị lớn, trong khi ở các vùng nông thôn lại rất ít, thậm chí có vùng còn không có sự hiện diện của ngân hàng.

- Bất bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ giữa DNNVV với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tỷ lệ tín dụng của khu vực DNNN và khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng cao, lấn át khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Các DNNN thường dễ tiếp cận vốn hơn, do được Nhà nước bảo lãnh, dễ tiếp cận tín dụng ưu đãi và đất đai hơn, trong khi đó, nhiều DNNN lại làm ăn chưa thực sự hiệu quả. Đáng nói hơn, là nguồn lực kinh tế vẫn chưa dịch chuyển tích cực sang khu vực tư nhân, khu vực doanh nghiệp này khó tiếp cận nguồn vốn ODA. Pháp luật về cạnh tranh chưa hoàn thiện, chưa tạo được môi trường pháp lý tốt để cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

- Sản phẩm dịch vụ cho DNNVV chưa đa dạng, phong phú, trình độ cán bộ các tổ chức tín dụng còn  những hạn chế; các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh và trong việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ vay; các tổ chức tín dụng chưa chú trọng công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi về sản phẩm dịch vụ của mình đến DNNVV và ở các khu vực nông thôn.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DNNVV, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tư duy về vị trí, vai trò của DNNVV, trên cơ sở xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp lớn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về đất đai, thuế, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản đảm bảo,... Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hành chính công, cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp. Nhà nước cần rà soát và sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, cùng các cơ chế phối hợp các quỹ bảo lãnh tín dụng, pháp lý tài sản; cải cách pháp lý liên quan đến thụ lý, xử lý các vụ án kinh tế theo tiêu chí nhanh chóng, minh bạch, giảm thiểu rủi ro hình sự hóa; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính; tăng cường kiểm soát nợ xấu của các tổ chức tín dụng,...

Thứ ba, rà soát thường xuyên hệ thống quy định của pháp luật về DNNVV; sửa đổi những quy định còn chồng chéo, trùng lắp; nâng cao năng lực soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp, các ngành nhằm bảo đảm hiệu lực và tính khả thi của các văn bản. Đồng thời, thiết lập các thể chế còn thiếu để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh theo tiến trình phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từng bước tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, dễ đoán trước và phù hợp với luật lệ quốc tế.  

Thứ ba, tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề đăng ký doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử; cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục trong quy trình khởi sự kinh doanh thông qua việc tích hợp các thủ tục như đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, công bố mẫu dấu, đăng ký tài khoản ngân hàng, đăng ký mã số bảo hiểm xã hội. Tập trung rà soát, loại bỏ những quy định, thủ tục không phù hợp, gây khó khăn cho tổ chức, DNNVV và nhân dân. Thủ tục hành chính ở nước ta còn nhiêu khê, thiếu minh bạch, thời gian giải quyết thủ tục còn dài, tình trạng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp phải “bôi trơn” khi đến giải quyết thủ tục hành chính còn xảy ra. Cho nên, tỷ lệ gia nhập thị trường của các DN ở Việt Nam còn thấp vì vướng nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 DN khai sinh, song con số có thể tồn tại và trụ được trên thương trường chỉ khoảng 10% [3]. Có 73% DN cho rằng rào cản liên quan đến cơ chế chính sách do thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; 46% cho rằng do chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước; 36% cho rằng do sự thay đổi đột ngột và bất định về chính sách [6]. 

Thứ tư, tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Hiện nay, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin của thành phố Hồ Chí Minh mặc dù vẫn thuộc tốp dẫn đầu nhưng có xu hướng giảm. Đồng thời về phía các DNNVV, cũng cần chủ động hơn trong tiếp cận thông tin thông qua tiếp cận với các cơ quan QLNN, như tham gia các cuộc đối thoại DNNVV với chính quyền, qua các Đoàn Đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, qua các hiệp hội DNNVV và hiệp hội ngành nghề, góp ý trực tiếp cho các cơ quan nhà nước có liên quan. Đặc biệt là thông qua website của thành phố, diễn đàn đối thoại trên mạng, được đại đa số DNNVV cho là phương tiện hữu ích để tiếp cận thông tin. Muốn vậy, cần phải cải thiện nâng cấp chất lượng các website của thành phố.

Thứ năm, nâng cao năng lực điều hành vĩ mô, hoạch định chính sách và quản lý của chính quyền đối với DNNVV theo hướng tạo động lực, bảo đảm chính sách thuận lợi, kiểm soát chặt chẽ quá trình tổ chức và hoạt động để DNNVV luôn có hướng phát triển tốt. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần có nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, gia tăng sự kết nối, phối hợp trong chuỗi các doanh nghiệp về sản xuất, thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế cùng tạo lập sức mạnh chung cho các loại hình doanh nghiệp ở thành phố phát triển, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Thành phố và cả nước trước những yêu cầu và điều kiện mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Thị Lan Anh (2012), Một số khía cạnh pháp lý của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận văn thạc sỹ Luật học: 60.38.01, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2012.
  2. Lê Xuân Bá, Trần Kim Hào, Nguyễn Hữu Thắng (2006), Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Trịnh Đức Chiều (2010), Các nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam - Đánh giá định lượng qua điều tra của Danida 2005 - 2009, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2010.
  4. Chính phủ (2015), Nghị định số 78/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, Hà Nội.
  5. DoE, ILSSA và UNU-WIDER (2012), Đặc điểm Môi trường kinh doanh ở Việt Nam - Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2013, Hà Nội.
  6. Sơn Nhung, Ngọc Ánh (2017), Doanh nghiệp khó vượt hết rào cản, http://cafef.vn/doanh-nghiep-kho-vuot-het-rao-can-20171205080559768.chn.
  7. Quốc hội (2017), Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
  8. VL (2018), Hồ Chí Minh giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, http://dangcongsan.vn/thoi-su/tpho-chi-minh-giu-vung-vi-tri-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-489955.html
  9. Đinh Phi Hổ, Bùi Quang Minh, Đinh Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Thùy Linh (2019), Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNN&V ở thành phố Hồ Chí Minh, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-thanh-pho-ho-chi-minh-66429.htm.

THE STATE MANAGEMENT OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES TO CREATE MOMENTUM FOR PRIVATE ECONOMIC GROWTH: FROM PRACTICE IN HO CHI MINH CITY

Ph.D Nguyen Van Dai

Lecturer, Faculty of Law, Vinh University

Huynh Huu Thang

Postgraduate student in Law, Faculty of Law, Vinh University

ABSTRACT:

This article presents an overview on the state management of enterprises and assesses the status quo of the state management of Ho Chi Minh City authorities governing small and medium-sized enterprises (SMEs), thereby proposing some solutions for improving the effectiveness of the state management of enterprises, affirming the Communist Party of Vietnam’s views on the role and position of the private economic sector and creating momentum for economic sustainable development in Vietnam.

Keywords: State management, small and medium-sized enterprises, private economy, Ho Chi Minh City.