Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn gap year của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội

PGS.TS. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG - NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG - NGUYỄN DUY HOÀNG - ĐỖ YẾN NHI - HOÀNG NGỌC VÂN - ĐINH HOÀNG THANH TRANG (Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng tới ý định lựa chọn gap year[1] của học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến đối tượng nghiên cứu, bao gồm: động cơ bên trong, truyền thông, khả năng tài chính, ảnh hưởng của những người xung quanh và xã hội, thái độ, tính cách và nhận thức rủi ro. Từ đó, bài viết chỉ ra tiềm năng phát triển và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy sự phổ biến gap year ở Việt Nam.

Từ khóa: ý định lựa chọn, gap year, học sinh trung học phổ thông, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Gap year từ lâu là sự lựa chọn phổ biến của học sinh ở Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Canada, Úc, v.v. Các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale đã khuyến khích học sinh hoãn một năm trước khi nhập học để có thời gian tham gia các hoạt động phát triển bản thân. Theo số liệu khảo sát của American Gap Association, 98% học sinh trả lời thời gian gap year giúp họ có cơ hội phát triển, trưởng thành hơn; 84% cho biết họ có thêm kỹ năng nghề nghiệp hữu ích và 77% nói khoảng thời gian không phải chịu áp lực về thi cử, thành tích giúp họ suy nghĩ và xác định được mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Tại Đông Nam Á, Malaysia tích hợp gap year thành một phần trong chương trình giảng dạy đại học. Idris Jusoh - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, tuyên bố bắt đầu từ năm 2017 các sinh viên đại học từ 8 trường công lập được lựa chọn tạm ngừng một năm học tập. 

Tại Việt Nam, gap year chưa thực sự phổ biến do rào cản về định kiến xã hội, học sinh chưa có đủ khả năng tài chính, thiếu sự ủng hộ của gia đình và chưa có nhiều lựa chọn để có thời gian gap year hiệu quả. Tuy nhiên gần đây, với xu hướng hội nhập toàn cầu, các bậc phụ huynh dần nhận thấy trải nghiệm thực tế rất có ích cho sự phát triển của con cái, học sinh cũng đã dám bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm những cơ hội mới phát triển bản thân.

Đây chính là lý do để thực hiện nghiên cứu, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn gap year của học sinh trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng

Nghiên cứu khảo sát đối tượng là học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu áp dụng 2 phương pháp: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, với 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nghiên cứu định tính: Thông qua hoạt động phỏng vấn, thu thập ý kiến chuyên gia, đội ngũ học sinh THPT để xây dựng thang đo sơ bộ.

Giai đoạn 2: Nghiên cứu định lượng: Thực hiện trên nguồn thông tin thu thập được từ phiếu điều tra, phân tích, xử lý dữ liệu và tiến hành kiểm định mô hình nhằm giải quyết các mục tiêu định lượng của đề tài.

3. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Theo mô hình nghiên cứu SWOT (Viện Nghiên cứu Stanford, 1964), cá nhân  xác định  được mục tiêu cùng các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến mục tiêu bản thân đề ra. Mô hình vùng học tập (Senninger, T., 2000) phản ánh hành trình thường thực hiện trước khi bắt đầu học một điều mới. Mô hình đồng thời chứng minh người học cần thoát ra khỏi khu vực thoải mái nhưng không đến mức khiến họ trở nên hoảng loạn hoặc căng thẳng. Lý thuyết hành vi hoạch định TPB (Ajzen, 1991) dự đoán ý định của cá nhân khi thực hiện  hành vi. Hành vi cá nhân bị chi phối bởi 3 yếu tố cơ bản bao gồm thái độ của bản thân về hành động, chuẩn mực chủ quan và cách thức kiểm soát hành vi nhận thức.

Ngoài ra, nhóm tác giả còn tìm được một số mô hình lý thuyết liên quan đến gap year. Mô hình quá trình ra quyết định lựa chọn các hoạt động gap year (Jones, 2004) chia thành 2 lớp cơ bản: lớp thứ nhất (Vương quốc Anh hoặc ở nước ngoài và các hoạt động có cấu trúc hoặc không có cấu trúc), lớp thứ hai bao gồm 6 loại hoạt động (làm việc được trả lương và tự nguyện, học tập, du lịch có tổ chức và độc lập, giải trí). Mô hình ảnh hưởng đến ý định lựa chọn gap year (Wu & cộng sự, 2014) bao gồm yếu tố đẩy (xuất phát từ yếu tố tâm lý như nghỉ ngơi, học thêm kỹ năng mềm và kỹ năng sống) và yếu tố kéo (đến từ yếu tố môi trường như các nền văn hóa lạ ở thế giới thứ ba, điểm gắn kết gia đình và những cảnh quan đẹp trong nước). 4 yếu tố liên kết bên ngoài nhằm kích thích hành vi cụ thể là học vấn, ảnh hưởng từ bạn bè, ảnh hưởng gia đình và sự tiếp nhận thông tin. 

Trên cơ sở các mô hình lý thuyết và các nghiên cứu liên quan đến yếu tố ảnh hưởng tới ý định lựa chọn gap year của học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội được đề cập ở trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc “Quyết định lựa chọn gap year” với 7 biến độc lập: H1, H2, H3, H4, H5, H6 và H7. (Hình 1)

Trong đó:

H1: Động cơ bên trong có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Động cơ bên trong: thể hiện ở tâm lý mong muốn phát triển bản thân, tích lũy kiến thức, cải thiện kỹ năng mềm đã thôi thúc học sinh lựa chọn gap year.

H2: Ảnh hưởng của những người xung quanh và xã hội có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Ảnh hưởng của những người xung quanh và xã hội: xem xét ý định chọn gap year của học sinh thường chịu tác động bởi đối tượng nào trong xã hội (gia đình, bạn bè, cộng đồng,...)

H3: Khả năng tài chính có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Khả năng tài chính: Gap year phù hợp với điều kiện tài chính; gap year mang lại giá trị tương xứng với chi phí đã bỏ ra.

H4: Yếu tố truyền thông có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Truyền thông: là quá trình trao đổi thông tin để tăng sự hiểu biết. Ảnh hưởng của nguồn thông tin từ truyền thông tác động mạnh mẽ tới ý định lựa chọn gap year của học sinh.

H5: Thái độ có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Thái độ: được hiểu là những phản ứng đối với một sự vật, hiện tượng theo cách tích cực hoặc tiêu cực. Thái độ gồm 3 thành phần: nhận thức, cảm xúc và xu hướng hành vi.

H6: Tính cách có tương quan dương với ý định lựa chọn gap year.

Tính cách: là trạng thái tâm lý cá nhân quy định cách thức hành động và phản ứng đối với môi trường xung quanh. Nhóm tác giả đề cập tới yếu tố tính cách để chỉ ra những tính cách khác nhau ảnh hưởng như thế nào tới quyết định lựa chọn gap year.

H7: Nhận thức rủi ro có tương quan âm với ý định lựa chọn gap year.

Nhận thức rủi ro: thể hiện sự quan ngại của học sinh khi tham gia gap year như không đạt được những mục tiêu như kỳ vọng; bị chậm một năm so với bạn bè đồng trang lứa; lãng phí một năm của bản thân; khoản tiền chi cho gap year không được sử dụng một cách hiệu quả,...

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Sau khi tiến hành phân tích Cronchbach’s Alpha, kết quả cho thấy cả 7 biến độc lập của mô hình đều có hệ số Alpha lớn hơn 0.7, chứng tỏ thang đo của những biến này đều đảm bảo về hệ số tin cậy. Trong đó, thang đo của yếu tố nhận thức rủi ro có giá trị Cronchbach’s Alpha lớn nhất (0.842) và yếu tố truyền thông có giá trị thấp nhất (0.757). Đối với thang đo, nhóm tác giả nhận thấy không có giá trị nào của hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3. Như vậy, tất cả 26 biến quan sát trong bảng của các khái niệm như ảnh hưởng của những người xung quanh và xã hội, động cơ bên trong, khả năng tài chính, truyền thông, thái độ, tính cách, nhận thức rủi ro đều đạt yêu cầu và tiếp tục được sử dụng để phân tích yếu tố khám phá EFA. 

4.2. Phân tích yếu tố khám phá EFA

Bảng 1: Hệ số KMO và kiểm định Bartlett's

Hệ số KMO

.878

Kiểm định Bartlett’s

Approx. Chi-Square

2458.577

Df

253

Sig.

.000

Nguồn: Nhóm tác giả

Trị số KMO bằng 0.878  (0.5 <= KMO <= 1 ) kết quả phân tích yếu tố phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu. Kiểm định Bartlett’s test có hệ số sig bằng 0.000 < 0.05 thể hiện các biến quan sát có mối tương quan với nhau trong tổng thể. Tổng phương sai trích đạt 66.356% > 50% chứng tỏ mô hình EFA là phù hợp. Trị số Eigenvalue của 7 yếu tố bằng 1.065 > 1 nên các yếu tố đều được giữ lại.

4.3. Phân tích tương quan Pearson

Tóm lại, tất cả 7 biến độc lập đều có tương quan với biến phụ thuộc.

Bảng 2: Ma trận tương quan giữa các biến

 

 

AH

ĐC

KT

TT

TC

RR

Hệ số Pearson

0.545**

0.593**

0.516**

0.519**

0.526**

0.516**

-0.489**

Sig (2-tailed)

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

**. Tương quan có ý nghĩa ở mức 1%.

Nguồn: Nhóm tác giả

Kết quả trên cho thấy tất cả các biến ảnh hưởng của những người xung quanh và xã hội, động cơ bên trong, khả năng tài chính, truyền thông, thái độ, tính cách, nhận thức rủi ro đều được đưa vào phân tích hồi quy đa biến.

4.4. Phân tích hồi quy

4.4.1. Kiểm định độ phù hợp của mô hình

Theo kết quả phân tích, “R2 hiệu chỉnh” đạt 0.628 nghĩa là 62.8%, chứng tỏ các biến độc lập giải thích được 62.8% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Phần còn lại 37.2% chịu tác động của những biến ngoài mô hình và sai số thống kế. Kết quả này chỉ ra mô hình hồi quy phù hợp. 

Bảng 3: Kiểm định độ phù hợp của mô hình

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Độ lệch chuẩn của ước lượng

Durbin-Watson

1

0.798

0.637

0.628

0.54724

1.962

a. Biến dự báo: Hằng số, RR, TĐ, TT, TC, KT, AH, ĐC                                         

b. Biến độc lập: QĐ

 Nguồn: Nhóm tác giả

Kiểm định giả thuyết về độ phù hợp của mô hình, giá trị F bằng 75.077 với Sig. bằng 0.000 < 0.05, điều này cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với bộ dữ liệu và  có thể sử dụng được.

Bảng 4: Kết quả phân tích phương sai ANOVA

Mô hình

Tổng các bình phương

Df

Bình phương trung bình

F

Sig.

Hồi quy

157,382

7

22.483

75.077

.000

Phần dư

89,840

300

0.299

   

Tổng

247,222

308

     

a. Biến dự báo: Hằng số, RR, TĐ, TT, TC, KT, AH, ĐC

b. Biến độc lập: QĐ                          

Nguồn: Nhóm tác giả

4.4.2. Kiểm định các giả thuyết và đánh giá tầm quan trọng của biến

Bảng 5: Hệ số phương trình hồi quy

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Đa cộng tuyến

 

B

Độ lệch chuẩn

Beta

   

Sai số

VIF

Constant

-0.115

0.334

 

-0.345

0.730

   

ĐC

0.296

0.049

0.252

6.029

0.000

0.694

1.442

AH

0.204

0.042

0.199

4.818

0.000

0.710

1.408

KT

0.151

0.039

0.160

3.896

0.000

0.714

1.400

TT

0.185

0.040

0.185

4.593

0.000

0.750

1.333

0.172

0.048

0.148

3.572

0.000

0.706

1.416

TC

0.127

0.044

0.121

2.881

0.004

0.686

1.457

Nguồn: Nhóm tác giả

Các giá trị ở cột Sig đều nhỏ hơn 5% nên tất cả 7 biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê đến biến phụ thuộc. Nói cách khác 7 giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6, H7 đều được chấp nhận.

Từ kết quả trên, nhóm đưa ra phương trình hồi quy sau:

QĐ = 0.296*ĐC + 0.204*AH + 0.151*KT + 0.185*TT + 0.172*TĐ + 0.127*TC - 0.137*RR

QĐ = 0.296*Động cơ bên trong + 0.204*Ảnh hưởng của những xung quanh và xã hội + 0.151*Khả năng tài chính + 0.185*Truyền thông + 0.172*Thái độ + 0.127*Tính cách - 0.137*Nhận thức rủi ro

5. Giải pháp

5.1 Đối với cá nhân

Một là, học sinh nên tập trung vào các cơ hội trước mắt trong thời kỳ cấp ba như tham gia vào các công tác phục vụ cộng đồng; nghiên cứu, tham gia các dự án trong và ngoài nước hay đi làm thêm để tìm hiểu và có nhìn nhận rõ ràng hơn về các ngành nghề từ đó đưa ra quyết định chính xác hơn.

Hai là, học sinh nên đánh giá những lợi ích và bất lợi để xây dựng kế hoạch chi tiết, đưa các hoạt động và chương trình dự kiến vào lộ trình gap year để cân đối thời gian thực hiện, hướng tới trải nghiệm hiệu quả. 

5.2 Đối với gia đình

Một là, các bậc phụ huynh nên cùng con tiếp cận thông tin hữu ích về gap year để trang bị thêm kiến thức, việc đồng hành cùng con trau dồi thông tin cũng sẽ giúp phụ huynh thấu hiểu con mình hơn, biết được con mình thiếu gì và cần gì để đưa ra định hướng cho con. 

Hai là, phụ huynh nên mạnh dạn chia sẻ với con về điều kiện tài chính gia đình để tránh việc gap year của con trở thành gánh nặng kinh tế của gia đình.

5.3. Đối với nhà trường 

Một là, các trường học, đặc biệt là cấp bậc THPT, mời chuyên gia tư vấn cho học sinh những kiến thức liên quan đến gap year, ưu và nhược điểm, cách thực hiện gap year hiệu quả, hoặc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về gap year khuyến khích học sinh trình bày quan điểm bản thân. 

Hai là, nhà trường nên hỗ trợ sinh viên có ý định gap year bằng học bổng. Ngoài ra, trường học có thể tham khảo chương trình hỗ trợ gap year của các đại học nước ngoài như Harvard, Yale,... Bên cạnh đó, nhà trường cần mở phòng hỗ trợ tư vấn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp.

5.4. Đối với xã hội

Một là, thúc đẩy các hoạt động truyền thông một cách hiệu quả thể hiện ở việc truyền tải nội dung thông điệp đầy đủ và phù hợp. Từ đó, khi thực hiện gap year, học sinh có thể tìm được những hoạt động có độ tin cậy cao như tình nguyện ở các tổ chức WWOOF, Working Holiday, Picking jobs,... 

Hai là, đa dạng hơn cách truyền tải thông tin tới cộng đồng nói chung và đội ngũ học sinh nói riêng. Thời đại công nghệ ngày càng phát triển, mọi người có thể tiếp cận nguồn thông tin theo nhiều cách như xem một video tóm tắt thông tin về gap year trên mạng xã hội hay tham khảo những hoạt động tình nguyện, du lịch, khám phá thông qua hội nhóm trên Facebook.

6. Kết luận

Gap year mang lại nhiều lợi ích cho nền giáo dục nói riêng và mục tiêu phát triển đất nước nói chung. Việc tiến hành khảo sát và nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn tham gia gap year của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết để cung cấp cho các bậc phụ huynh, nhà quản lý, trường học và tổ chức có cái nhìn rõ ràng hơn về gap year và đề xuất những giải pháp phù hợp. Các chiến dịch truyền thông khuyến khích thúc đẩy gap year và hoạt động ngoại ngoại khóa cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu khám phá bản thân ngày càng lớn của học sinh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Gap year có thể hiểu là thời gian “nghỉ giữa hiệp”, hoặc nghỉ giữa kỳ, nghỉ kết thúc năm học kéo dài 6 tháng đến 1 năm, được hiểu là cơ hội để bạn trẻ rời bỏ sách vở, rời bỏ giảng đường quen thuộc để có thể thỏa trải nghiệm những điều bản thân mong ước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abdullah, D. (2017). Biến “Gap year” trở thành hiện thực: Các vấn đề cần xem xét. Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế, 89, 15-17.
  2. Coetzee, M. & Bester, S. (2010). The possible value of a gap year: A case study. South African Journal of Higher Education, 23(3). DOI:4314/sajhe.v23i3.51050.
  3. Cline, J. M. (2013). Minding the Gap: Impact of Pre-College Gap Year on Transition to College . Master of Arts in Higher Education Theses. 109.
  4. Hoe, N. (2020). American Gap Association National Alumni Survey, from: https://www.gapyearassociation.org/wp-content/uploads/2021/05/2015-NAS-Report.pdf.
  5. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, tập 1 + 2.
  6. Kaora, S. (2012). ギャップイヤー導入による国際競争力を持つ人材の育成, from: https://www.jasso.go.jp/ryugaku/related/kouryu/2011/__icsFiles/afieldfile/2021/02/18/kaorusunada.pdf.
  7. LaMorte, W. W. (n.d.). The Theory of Planned Behavior. Boston University School of Public Health, from: https://sphweb.bumc.bu.edu/otlt/mph-modules/sb/behavioralchangetheories/BehavioralChangeTheories3.html.
  8. Nieman, M. M. (2010). The perception of higher education students of the influence of their gap year experiences on their personal development. Tydskrif vir Geesteswetenskappe, 50(1), 119-131.
  9. O’Shea, J. (2011). Delaying the academy: A gap year education. Teaching in Higher Education, 16(5), 565-577. Doi: 10.1080/13562517.2011.570438.

Factors affecting the intention of high school students in Hanoi city to take a gap year

Assoc.Prof. Nguyen Thuong Lang1

Nguyen Thi Huong Giang1

Nguyen Duy Hoang1

Do Yen Nhi1

Hoang Ngoc Van1

Dinh Hoang Thanh Trang1

1School of Advanced Education Programs, National Economics University

Abstract:

The study is to determine the factors affecting the intention of high school students in Hanoi city to take a gap year by using qualitative and quantitative research methods. The study finds out there are 7 factors affecting the intention of high school students in Hanoi city to take a gap year. These factors are internal motivation, communication, financial ability, influence of other people and society, attitude, personality and risk perception. This study points out the development potential and proposes solutions to promote the popularity of gap year in Vietnam.

Keywords: choice, gap year, high school student, Hanoi city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]