Cảng Gemadept (GMD): Sản lượng tại cảng Gemalink có thể đạt 1 triệu TEU năm nay và tăng 40% trong năm sau

Sản lượng của Công ty Cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD) dự kiến tiếp tục tăng trong quý 4/2023. Trong đó, sản lượng tại cảng Gemalink có thể cán mốc 1 triệu TEU trong năm nay.

Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 998 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, và lãi ròng đạt 338 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp cũng tăng lên mức 47% trong quý 3/2023, so với mức 41% của quý 3/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Cảng Gemadept ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lãi ròng đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 145% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ ghi nhận khoản lãi từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.

Cảng Gemadept
 Dự kiến sản lượng qua cảng Gemalink của Cảng Gemadept sẽ cán mốc 1 triệu TEU trong năm nay.

Với kết quả trên, Cảng Gemadept đã hoàn thành 72% mục tiêu doanh thu và vượt 154% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Đáng chú ý, sản lượng container vận chuyển qua các cảng của Cảng Gemadept đã tăng trưởng dương 2 quý liên tiếp gần nhất, cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đối với doanh nghiệp cảng biển này đã qua. Trong cơ cấu doanh thu của Cảng Gemadept, hoạt động khai thác cảng thường đóng góp khoảng 70-80%, còn lại chủ yếu đến từ mảng logistics.

Theo đánh giá mới đây của nhiều tổ chức tài chính, sản lượng của Cảng Gemadept sẽ tiếp tục phục hồi trong quý 4/2023. Động lực chủ yếu đến từ kỳ vọng nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp chuẩn bị nguyên liệu sản xuất và hàng hoá cho quý 1/2024, đặc biệt quý 1 sẽ là Tết tại Trung Quốc khiến các hoạt động sản xuất bị gián đoạn trong 2 - 3 tuần lễ. Bước sang năm 2024, kết quả kinh doanh của Cảng Gemadept sẽ phục hồi rõ rệt hơn khi các hoạt động sản xuất hồi phục.

Hiện hãng chứng khoán Vietcap dự báo sản lượng của Cảng Gemadept trong quý 4/2023 sẽ tăng 5% so với quý 3/2023, nâng tổng sản lượng hợp nhất cả năm nay lên mức 1,2 triệu TEU. Trong đó, đối với riêng cảng Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam do Cảng Gemadept vận hành, dự kiến sẽ cán mốc sản lượng 1,0 triệu TEU trong năm nay.

Trong năm 2024, sản lượng hợp nhất của Cảng Gemadept dự báo sẽ tăng 9% so với năm 2023. Đáng chú ý, sản lượng của cảng Gemalink dự báo sẽ tăng 40% so với năm 2023, được hỗ trợ bởi 2 tuyến hàng mới và sự phục hồi của các tuyến hàng hiện hữu.

Giá cổ phiếu GMD Cảng Gemadept
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GMD của Cảng Gemadept kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cảng Gemadept (GMD) tính toán gì khi tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại 02 cảng ở miền Bắc?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, hãng chứng khoán Rồng Việt nhận định, Dự thảo sửa đổi thông tư 54/2018/TT-BGTVT cho phép nâng giá cước dịch vụ xếp dỡ container sẽ được thông qua trong quý 4/2023 và có hiệu lực từ đầu năm 2024. Qua đó, giúp cải thiện rõ rệt biên lợi nhuận gộp của cụm cảng miền Nam, đặc biệt là cảng Gemalink.

Theo đó, cước dịch vụ xếp dỡ có thể tăng tối đa 20%, biên lợi nhuận của cảng Gemalink nhờ đó được cải thiện và giúp cảng này thoát khỏi tình trạng lỗ như năm 2023.

Trong một diễn biến có liên quan, Cảng Gemadept vừa công bố kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải - đơn vị đang trực tiếp vận hành cảng Nam Hải và cảng cạn Nam Hải (Nam Hải ICD) tại TP. Hải Phòng. Nếu thương vụ này diễn ra thành công, Cảng Gemadept sẽ chỉ còn vận hành duy nhất cảng Nam Đình Vũ tại miền Bắc.

Động thái này được xem là bước đi tiếp theo của Cảng Gemadept trong việc dồn nguồn lực cho việc khai thác cụm cảng Nam Đình Vũ cũng như giảm áp lực về vốn khi doanh nghiệp này đang theo đuổi loạt dự án cảng trọng điểm, quy mô lớn, từ nay đến năm 2025, bao gồm Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 29/11, thị giá cổ phiếu GMD đạt 67.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 53% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang